Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ vào tuần tới đang nhận được sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế, bởi giữa những bê bối và thách thức chính trị bủa vây Tổng thống Trump, kết quả sau ngày 6/11 có thể quyết định tương lai chính trị của ông. 

Ngày 6/11 tới đây cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra, đây là một trong những sự kiện chính trị quốc tế lớn được mong đợi trong năm 2018, bởi kết quả của nó quyết định đảng nào sẽ nắm trong tay quyền quyết định mọi chính sách chiến lược của nước Mỹ trong vòng hai năm tới.

Cuộc bầu cử được đặc biệt quan tâm

Cuộc bầu cử năm nay được đặc biệt quan tâm bởi tính chất khó đoán lường kết quả. Khi mà đảng Cộng hòa của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang không được đánh giá cao trước thềm bầu cử, trái lại đảng Dân chủ lại cho thấy được lòng người dân Mỹ hơn sau những bê bối chính trị và quyết định gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump.

Trong cuộc bầu cử tới, tất cả 435 ghế trong Hạ viện (House of Representatives) sẽ được bầu lại, vì các hạ nghị sỹ Mỹ có nhiệm kỳ hai năm. Năm nay có 35 ghế trong số 100 thành viên Thượng viện (nhiệm kỳ 6 năm) được bỏ phiếu. Cùng với đó là thống đốc của 36 bang.

tuong lai chinh tri cua tong thong trump se duoc dinh doat vao tuan toi

(Đồ họa: CNN)

Đảng Dân chủ cần ít nhất 25 ghế từ đảng Cộng hòa mới có thể giành được thế đa số tại Hạ viện. Nhưng các cuộc khảo sát mới đây cho thấy các ứng viên đảng Dân chủ đang giành được sự ủng lộ lớn hơn từ công chúng so với các đồng nghiệp tới từ đảng đối thủ.

Theo giới quan sát, Tổng thống Trump sẽ gặp rất nhiều rắc rối nếu đảng Dân chủ chiếm lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Cộng hoà. Họ không loại trừ khả năng các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ sẽ xem xét tới việc luận tội và phế truất Tổng thống.

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu người Mỹ Jim Jatras, cơ hội luận tội ông Trump đang rơi vào khoảng 65%, nhưng con số này có thể tăng lên hoặc giảm xuống dựa vào kịch bản xảy đến trong ngày 6/11. Nếu đảng Dân chủ chiếm lấy quyền kiểm soát Hạ viện, tỷ lệ luận tội sẽ lên tới ít nhất là 85%.

Bản thân Tổng thống Trump hôm 11/10 vừa qua thừa nhận khả năng đảng Cộng hòa có thể mất đi đa số ghế ở Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ lần này.

Trong vài tháng trở lại đây, Nhà Trắng và nội các của Tổng thống Trump đã và đang làm mọi cách để ổn định chính phủ liên bang trước những sóng gió chính trị liên tiếp ập tới. Nhưng dường như suốt mùa hè qua thật khó để người dân Mỹ nhìn thấy được những dấu hiệu tích cực từ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump. Bởi trên truyền thông nước nhà, mỗi ngày luôn tràn ngập các thông tin không mấy khả quan về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, những bế tắc trong đàm phán với Triều Tiên, cáo buộc chiến dịch bầu cử của ông Trump năm 2016 "đi đêm" với Matxcơva, huỷ bỏ thoả thuận hạt nhân Iran, cựu luật sư "phản bội" Tổng thống...Gần đây nhất là bị các cựu trợ lý viết sách, bôi nhọ và thêu dệt nhiều chuyện thất thiệt về Tổng thống, thậm chí còn có thư nặc danh nói ông Trump bị cô lập trong chính quyền và đứng trước nguy cơ đảo chính.

Tất cả đều có thể là lý do khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức, theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây.

Theo kết quả một cuộc thăm dò được NBC News thực hiện vào cuối tháng 9/2018, đảng Dân chủ đang dẫn trước đảng Cộng hòa với cách biệt 12%, một khoảng cách được đánh giá là bất thường. Đây chắc chắn không phải là một cách biệt mà Tổng thống Trump mong muốn.

Dù vậy, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vẫn đang hết sức khó đoán định. Nhưng nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát dù chỉ là Hạ viện chắc chắn cũng sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Trump hiện nay gặp muôn vàn khó khăn.

Trong trường hợp xấu nhất khi đảng Dân chủ kiểm soát được cả Thượng viện, đó có thể sẽ là một cơn ác mộng thực sự với vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Những vấn đề chính của bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018

Chăm sóc y tế, kinh tế và nhập cư là bộ ba vấn đề, theo trình tự này, là những gì ở trong đầu cử tri khi họ đi bỏ phiếu, theo một khảo sát của CNN năm 2018.

Theo CNN, nếu như năm 2016, vấn đề nhập cư đã trở thành con át chủ bài trong chương trình vận động tranh cử của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa, tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chiếm sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Người dân Mỹ đã phản ứng tích cực với những lời kêu gọi của ứng viên Tổng thống Donald Trump khi đó về việc chấn chỉnh nhập cư và mong muốn xây dựng một bức tường ở biên giới phía nam nước Mỹ của ông.

Tuy nhiên, sau hai năm nhậm chức, vấn đề nhập cư lại như con dao hai lưỡi đối với tương lai chính trị của ông Trump. Xây dựng bức tường biên giới với Mexico để ngăn những dòng người nhập cư từ Trung Mỹ đã tiêu tốn mức ngân sách khổng lồ nằm ngoài dự kiến. Vì khoản ngân sách này Tổng thống Trump đã ít nhất 3 lần đe dọa đóng cửa chính phủ nếu đề xuất tài chính của ông không được thông qua.

Tệ hại hơn, chính sách chống nhập cư hà khắc vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua của Tổng thống Trump khiến hàng nghìn trẻ em bị chia tách khỏi bố mẹ nhập cư trái phép đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị lớn. Chính sách của ông Trump bị chỉ trích nặng nề về tính đạo đức, nhân đạo và thậm chí chính thành viên đảng Cộng hòa cũng công khai chỉ trích ông. Điều này khiến uy tín chính trị của ông giảm sút đáng kể.

Về kinh tế, Tổng thống Trump không ngần ngại để Mỹ dấn thân vào cuộc chiến thương mại với các nước, áp đặt các chính sách thuế quan mới, đồng thời rút Washington khỏi hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương và tìm kiếm các thỏa thuận đơn phương.

Những mức thuế mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra với hy vọng sẽ khiến các nước khác phải hạ mình trong các cuộc đàm phán đã làm nóng mắt rất nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Những tháng vừa qua, thông tin được các nhà hoạch định kinh tế Mỹ quan tâm nhất là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Mức thuế mà Mỹ áp đặt lên mặc dù không làm leo thang đột biến giá cả ở Mỹ, nhưng chính phủ nước này đã bắt đầu phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân, đối tượng chịu tác động rõ nhất của cuộc chiến mà họ gọi là một thảm họa.

Nhưng không chỉ Trung Quốc, hàng loạt các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cùng với Mexico, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra hết sức bất bình với chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, với việc đảo ngược hàng trăm văn bản dưới thời kỳ Tổng thống Obama về môi trường, năng lượng, đặc biệt là y tế, các chính sách mới của ông Trump bị chỉ trích là phục vụ những ông chủ doanh nghiệp giàu có, đặt lợi nhuận lên trên yếu tố môi trường, an toàn cũng như như sức khỏe của người dân.

Các kịch bản

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được xem là một "cuộc chiến danh dự" của ông chủ Nhà Trắng. Những lá phiếu của cử tri Mỹ vào tuần tới sẽ quyết định ông Trump được sống "với bão táp sau lưng hay gió mát trước mặt" trong hai năm tới cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ, theo CNN.

Nếu đảng Cộng hòa thắng ở Hạ viện và Thượng viện, ông Trump sẽ được khuyến khích. Rất có thể, ông sẽ nói rằng "một lần nữa ông và đảng của mình đã chứng tỏ được những người phản đối là sai". Không những vậy, mối đe dọa từ các cuộc điều tra của Hạ viện hoặc Thượng viện mới đối với các thành viên của chính quyền Tổng thống Trump sẽ giảm đáng kể.

Nếu đảng Dân chủ thắng ở Hạ viện và Thượng viện, đây sẽ là viễn cảnh đen tối đối với Tổng thống Trump.

Thậm chí Tổng thống đương nhiệm sẽ phải đối mặt với nguy cơ luận tội và phế truất liên quan tới bê bối ông vướng phải khi cựu luật sư thân tín của ông Trump tố cáo ông từng dùng số tiền 130.000 USD để mua sự im lặng của một phụ nữ liên quan bê bối tình ái của ông trong thời gian tranh cử tổng thống năm 2016.

Luận tội đã là một kịch bản khủng khiếp, nhưng bị phế truất sẽ là điều kinh khủng hơn gấp bội. Đây là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều đối với các nghị sỹ đảng Dân chủ, những người muốn thoát khỏi Tổng thống Trump một lần và mãi mãi.

Quá trình luận tội tương tự như thông qua dự luật. Trước hết, phải có 218 lá phiếu đồng ý luận tội tổng thống trong tống số 435 ghế tại Hạ viện. Tuy nhiên, đảng Dân chủ hiện chỉ nắm 193 ghế, đồng nghĩa với việc họ phải dốc sức lấy thêm được ít nhất 25 ghế trong hạ viện từ đảng Cộng hòa. Nếu kịch này xảy ra, ông Trump sẽ có nguy cơ cao bị luận tội.

Tới lúc đó, việc luận tội sẽ được chuyển lên Thượng viện, nơi các thượng nghị sỹ sẽ xem xét các bằng chứng và quyết định có phế truất Tổng thống hay không. Ông Trump sẽ bị buộc rời nhiệm sở nếu có ít nhất 2/3 Thượng viện bỏ phiếu thông qua bãi nhiệm ông. Nhưng đây cũng không phải là điều dễ dàng khi đảng Cộng hòa đang nắm tới 51/100 ghế tại Thượng viện.

Cựu Tổng thống Bill Clinton từng bị luận tội vì tội danh khai man và cản trở công lý khi nói dối về cuộc tình vụng trộm với cựu thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, nhưng sau đó đã thắng trong phiên tòa ở Thượng viện, giúp ông vẫn bình yên tại vị cho tới hết nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, ông Trump đang bắt đầu ở một vị thế bất lợi hơn nhiều vì ông không được nhiều người Mỹ ủng hộ theo các cuộc thăm dò ý kiến mới đây. Theo khảo sát mới nhất của Real Clear Politics, chỉ có 43,5% người Mỹ hài lòng với tổng thống hiện tại của họ.

Vẫn còn cơ hội trước giờ "G"

Từ khi Tổng thống Trump đắc cử, với học thuyết “Nước Mỹ trên hết”, cụ thể như chú trọng đầu tư trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại, giảm thiểu nhiều quy định kinh doanh, thậm chí là bỏ qua các quy định, quy tắc thương mại quốc tế… môi trường kinh doanh tại Mỹ phần nào được giải phóng.

Năm 2017 chứng kiến thị trường chứng khoán của Mỹ tăng trưởng kỷ lục, tăng trưởng GDP đạt 3-4%, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000.

Cùng với đó, không thể phủ nhận những quyết định của Tổng thống Trump có phần "gây sốc" và khiến nhiều quốc gia nóng mặt, nhưng trong gần hai năm qua, tiếng nói của người Mỹ trên trường quốc tế đang trỗi dậy mạnh mẽ. Mỹ đang làm chủ cuộc chơi ở Trung Đông và mặc dù ông Trump tạt những gáo nước lạnh vào đồng minh kinh tế, chính trị, quân sự lâu đời nhưng việc làm đó đã hiệu quả, làm họ ít dựa dẫm vào Mỹ. Nước Mỹ được giải phóng khỏi những ghánh nặng tài chính đã cõng hàng thập niên cho các đối tác và đồng minh.

Quan trọng nhất, dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cứng rắn hơn bao giờ hết với một Trung Quốc "đang trỗi dậy", ông Trump là một "cơn đau đầu không dễ chịu" với người Trung Quốc. Chính sách không khoan nhượng của ông đánh vào chính sách thương mại bảo hộ nhà nước của Trung Quốc, kiềm chế một Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông. Điều này khiến người Mỹ hài lòng, vì sức mạnh Mỹ đang thể hiện đúng chỗ và tỏ ra hiệu quả.

Quyết định của ông Trump ngay trước thềm bầu cử như rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga để được tự do củng cố sức mạnh hạt nhân Mỹ, cảnh cáo đánh thuế nốt hơn 200 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc cho thấy Tổng thống Trump gửi đi những thông điệp rõ ràng nhất tới cử tri Mỹ, chỉ khi đảng Cộng hòa duy trì được sức mạnh thì tiếng nói của người Mỹ mới được củng cố.

tuong lai chinh tri cua tong thong trump se duoc dinh doat vao tuan toi Nhà báo Khashoggi định tiết lộ tin chấn động trước khi bị sát hại

Một người bạn của nhà báo Jamal Khashoggi nói rằng ông dự định tiết lộ thông tin Ả-rập Xê-út sử dụng vũ khí hóa học ...

tuong lai chinh tri cua tong thong trump se duoc dinh doat vao tuan toi Trung Quốc khuyên Tổng thống Trump dùng smartphone Huawei

Phía Trung Quốc cho rằng cáo buộc nghe lén Tổng thống Mỹ là sai sự thật và khuyên ông Trump chuyển qua dùng smartphone Huawei ...

tuong lai chinh tri cua tong thong trump se duoc dinh doat vao tuan toi "Cái chết của nhà báo Ả Rập Xê Út là vụ che đậy tồi tệ nhất trong lịch sử"

Tổng thống Trump hôm 23/10 nói rằng giới chức Ả Rập Xê Út đã dàn xếp một vụ che đậy tồi tệ nhất từ trước ...

tuong lai chinh tri cua tong thong trump se duoc dinh doat vao tuan toi Tổng thống Trump đe dọa sẽ khiến Nga và Trung Quốc ‘tỉnh táo lại’

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ Nga và Trung Quốc rằng sẽ xây dựng thêm kho vũ khí hạt nhân cho đến khi “mọi ...

tuong lai chinh tri cua tong thong trump se duoc dinh doat vao tuan toi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiết lộ sự thật vụ nhà báo Ả-rập Xê-út bị giết hại vào ngày mai

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 21/10 tuyên bố sẽ tiết lộ sự thật về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi ...

/ https://vtc.vn