Tương lai của các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Go-Việt, Be, Fast-Go ngày càng khó khăn hơn khi nhiều doanh nghiệp cạnh tranh nhau.

Niềm đau mang tên Uber

Trước khi lên sàn IPO, Uber, công ty công nghệ gọi xe số một thế giới đã qua hơn 20 vòng gọi vốn và được đầu tư khoảng 33 tỷ USD. Khi đó, Uber được định giá khoảng 120 tỷ USD, nhưng những nhà đầu tư lạc quan thì đưa ra con số bạo hơn nhiều là trị giá thị trường của Uber phải tầm 200 tỷ USD.

Nhưng thực tế giá trị của cổ phiếu Uber tụt khá nhanh và đến tháng 10/2019 này, giá trị của Uber chỉ còn loanh quanh mức 54 tỷ USD – tức chỉ gấp 1,6 lần so với số vốn nhà đầu tư đã bỏ ra – một con số gây hoang mang cao độ; nhất là gắn với tên tuổi số một trong ngành gọi xe toàn cầu.

Lyft – đối thủ sừng sỏ của Uber chả hơn gì, giá trị thị trường của Lyft còn có 13 tỷ USD (so với tổng số tiền họ đã gọi từ các nhà đầu tư 7.2 tỷ trong thời gian qua). Nói nôm na chỉ là 1,8 lần so với số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra.

Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện đơn giản lắm: Để có được người dùng, các công ty này phải bỏ chi phí để tạo ra giá thấp tính trên từng cuộc gọi xe và do đó đều có dòng tiền âm, thường bị lỗ và khả năng có lãi từ dịch vụ gọi xe đơn thuần là rất xa vời.

Các nền tảng gọi xe chỉ cần tăng giá lên thì mất đi ngay thế mạnh cạnh tranh là giá rẻ so với taxi. Vậy nên tăng giá là bất khả, mà nếu vậy thì khả năng có lời trực tiếp từ dòng tiền gọi xe là bất khả nốt. Và các nghiên cứu thị trường và hành vi người tiêu dùng đều cho thấy họ có độ trung thành khá thấp với các dịch vụ gọi xe này – nói nôm na ra nếu chừng nào giá còn tốt thì họ còn gọi mà giá không tốt nữa, họ sẽ chuyển làn gọi dịch vụ khác!

Vậy có còn có bất kỳ hy vọng gì cho ngành gọi xe không?

Câu trả lời từ châu Á

Gojek sinh ra ở Indonesia và chỉ tại đất nước này, giá trị của Gojek lúc đầu đã vượt trội so với các đối thủ khác. Trước khi bước ra nước ngoài, chỉ tại Indonesia, trị giá công ty của Gojek đã cỡ 5 tỷ USD, so với Grab 6 tỷ và đã có mặt ở 6 nước Đông Nam Á.

Điều gì đã sản sinh ra sự thần kỳ của Gojek?

Như những số liệu được người trong cuộc tiết lộ thì nếu không khuyến mại, mỗi cuốc xe, các công ty gọi xe đã mất đi khoảng ít nhất 1 USD để bù cho khách hàng. Nghĩa là càng nhiều cuốc xe thì số lỗ càng khủng, điều này cũng đúng với các tay chơi nhiều triệu cuốc xe mỗi ngày như Grab và Gojek.

Khi đó nhìn qua chính là việc Gojek đã biết khai thác được vô số giá trị khác chỉ từ một tệp khách hàng gọi xe của mình: nào là Go-Food (đặt đồ ăn), Go-Send (gửi hàng), Go-Mart (đi siêu thị giùm)… đến Go-Clean (dọn vệ sinh), Go-Massage (massage)…

 

Chính vì vậy, Gojek có thể lỗ từ dịch vụ căn bản là gọi xe – song lại có lời tốt trên tổng thể dịch vụ và chính vì vậy giá trị của công ty vẫn tăng cao.

Tuy nhiên, đối thủ sừng sỏ của Gojek là Grab sớm nhận ra điều này và “sửa sai” rồi biến thành võ công căn bản của mình rất nhanh. Một loạt dịch vụ mới ra đời sau dịch vụ gọi xe đơn thuần. Ngay lúc này đây, tại Việt Nam, người dùng đều có thể dùng các dịch vụ cộng thêm của Grab như Grab Delivery (chuyển bưu kiện, chuyển đồ), Grab Bus (đặt vé xe bus đường dài)… và đặc biệt là Grab Food với muôn vàn món ăn, đồ uống…

Đi xa hơn thế nữa, cả Gojek và Grab đều đã triển khai được dịch vụ ví điện tử và trở thành những “techfin” với dòng tiền mặt đáng nể.

 

Tư duy và cách làm hệ sinh thái hoàn chỉnh này của Grab và Gojek đã làm cho họ trở thành vượt trội. Tuy nhiên, cách làm và tốc độ của Grab ở mọi thị trường, đặc biệt thị trường Việt Nam đã gây phiền toái to cho cả Gojek. Lúc này, ở Indonesia, quê nhà của Gojek, Grab đang có thị phần ngang ngửa và đe doạ soán ngôi Gojek từng ngày, còn ở Việt Nam thì quá rõ, Grab đã đè bẹp Go-Viet, đối tác của Gojek theo nghĩa đen.

Theo kết quả nghiên cứu của ABI Research, 6 tháng đầu năm 2019, đã có 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam. Trong số này, Grab áp đảo với 146 triệu cuốc xe, chiếm 73% thị phần, Be với 16 triệu cuốc xe tạm thời có 16% thị phần,Go-Viet, chỉ xếp thứ ba với 21 triệu cuốc xe, tương ứng 10% thị phần – một con số quá chênh lệch để so.

Cơ hội nào cho ứng dụng gọi xe nội?

Câu chuyện rớt đài của Uber và Lyft ở Mỹ cho thấy một điều khá rõ nếu anh chỉ có dịch vụ gọi xe đơn thuần thôi thì dù anh có là số một trên thị trường cũng không có gì vui, nếu không muốn nói viễn cảnh sẽ là u ám.

Trong khi đó câu chuyện của Grab và Gojek cũng gián tiếp cho thấy nếu chỉ khai thác dịch vụ gọi xe thì dù tối ưu họ cũng chẳng hơn Uber bao nhiêu. Và để đóng được thuế, để có lợi nhuận… hay đơn giản hơn hết là để trụ được trên thị trường, các app gọi xe cần có lần lượt là có tệp người dùng lớn – có cuốc xe nhiều – có dòng tiền dồi dào để có thể làm techfin – và sau cùng có hệ sinh thái tốt để khai thác được các giá trị gia tăng.

Điều này có lẽ đã là mục tiêu quá khứ và các tay chơi chưa có nhiều tiền như FastGo biết rõ và… trốn luôn cho đỡ thiệt hại. FastGo tránh việc đối đầu trực tiếp và đi đường riêng của mình, dù thị phần ít và thu nhập không nhiều song vẫn đảm bảo cho họ tồn tại để chờ thời.

Các ứng dụng khác từng PR ầm ĩ như Vato đến nay thực chất không chi bao nhiêu tiền và cũng không buồn lên tiếng nữa.

 

Tay chơi duy nhất có vẻ còn sung mãn trên thị trường là Be thì ra sao?

CEO của Be có vẻ là một người có rất yêu truyền thông nên đã dành rất nhiều thời gian lên báo trả lời phỏng vấn. Qua các số liệu do ông cung cấp chúng ta có thể thấy số lượng người dùng của Be hiện khá khiêm tốn. Với số liệu ABI công bố như trên đã thấy, Be có 31 triệu cuốc xe trong 6 tháng đầu 2019, tức 5,16 triệu cuốc thành công/ tháng và khoảng 172.000 cuốc xe mỗi ngày. Đây chính là con số tối đa số người dùng của Be vào một thời điểm, tuy nhiên, thực tế không có con số lý tưởng đó mà nếu lấy tỷ lệ khách có gọi đi và gọi về là 30% thôi thì số người dùng thực của Be sẽ giảm xuống chỉ còn mức 150.000 người dùng. Be hiện có khoảng 15.000 tài xế và như vậy mỗi người, mỗi ngày chỉ có chừng 10-11 cuốc xe - quá ít so với đối thủ phía trên là Grab và không đủ sống chứ chưa nói để gắn bó, trung thành cho tài xế chạy Be.

Với tệp người dùng mỏng manh này, với số lượng cuốc xe thành công khiêm nhường này, dòng tiền của Be cũng không đủ để bắt đầu và nuôi sống một ví điện tử. Cũng không thể đủ lực để làm một dịch vụ giá trị gia tăng nào khác.

Be có lẽ biết rõ điều này, nên dù tiềm lực tài chính kém, Be vẫn đang rất nỗ lực căng sức mình ra mở rộng địa bàn ở các tỉnh khác.

Cho đến mấy ngày gần đây, các mã khuyến mãi cho khách đi xe trên app Be đều đã hết hiệu lực. Khuyến mãi cho tài xế xem chừng cũng hết nên việc gọi xe bắt đầu khó khăn trở lại. Rộ lên tin đồn về một số lãnh đạo cao cấp đã rời Be. Với một mạng lưới mỏng manh khách hàng, cuốc xe, dòng tiền… tương lai nào đang chờ Be? Ai dám đầu tư tiếp tiền cho Be? Hãy chờ xem, và cầu nguyện cho Be tỉnh ra để biết mình là ai và nên làm gì tiếp theo trong cuộc chơi khốc liệt không đầu không cuối này…

Ứng dụng gọi xe: Làm dâu trăm họ khó tránh thị phi
Grab sắp rót "hàng trăm triệu USD" mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Viettel gia nhập thị trường gọi xe

/ vtc.vn