Còn không đầy 1 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Kết quả khó đoán định của sự kiện này đặt ra một câu hỏi lớn về việc ai sẽ (hoặc không) đứng về phía Ukraine, kể từ ngày 20/1/2025.

Những nỗ lực trước khi rời nhiệm sở

Trước việc chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Ukraine đang bị đe dọa nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo đuổi nỗ lực phút chót để củng cố sự ủng hộ của Washington đối với Kiev - trước khi cuộc bầu cử ngày 5/11 có thể tạo ra những thay đổi.

6_10_2024_quocte_xungdotukraine.jpg -0
Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky ở Washington DC. Ảnh: Reuters

Là một nhà lãnh đạo có chính sách đối ngoại khó đoán, sẽ rất khó để nói chính xác ông Donald Trump sẽ làm gì với Ukraine nếu được bầu vào tháng tới. Nhưng đã có những dấu hiệu không tốt cho Ukraine. Ông Donald Trump được cho là muốn xoa dịu Tổng thống Nga Putin và đã công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ lo ngại rằng, ông sẽ ngừng tài trợ cho Ukraine và thậm chí buộc Tổng thống Volodymyr Zelensky phải chấp nhận lệnh ngừng bắn và có thể từ bỏ lãnh thổ. Do đó, ông Joe Biden thấy cần phải có chính sách ngăn ngừa điều đó.

Bên cạnh đó, việc duy trì sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine cũng cần thiết ngay cả khi Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Cam kết chấm dứt chiến tranh, ông Joe Biden muốn bà Kamala Harris có một nền tảng chính sách vững chắc để xây dựng một nghị quyết. Sau một chiến dịch tranh cử phân cực như vậy, vị nữ Phó Tổng thống có thể sẽ là một nhân vật gây tranh cãi và là mục tiêu thu hút sự tức giận của đảng Cộng hòa nếu bà đắc cử. Ông Joe Biden sẽ muốn bà ở vị trí tốt nhất có thể để chấm dứt xung đột.

Chỉ còn vài tuần nữa là hết nhiệm kỳ nên những tiến triển vào phút chót về Ukraine sẽ là một chiến thắng cuối cùng đáng nhớ của ông Joe Biden. Ông đã áp dụng cách tiếp cận hai hướng đối với Ukraine. Đầu tiên, ông muốn đưa ra tuyên bố mạnh mẽ và công khai rằng, Washington sẽ sát cánh cùng Kiev. Nhà lãnh đạo Mỹ đang cố gắng chứng tỏ rằng Ukraine vẫn là "ưu tiên hàng đầu" đối với Washington và muốn tạo ra kỳ vọng về sự hỗ trợ trong tương lai của Mỹ - tốt nhất là theo cách mà ông Donald Trump không thể bỏ qua.

Thứ hai, lập trường công khai của ông Joe Biden về ủng hộ Ukraine là dựa trên viện trợ. Gần đây, ông đã công bố "một đợt tăng viện trợ an ninh" cho Ukraine dưới hình thức gói 8 tỷ USD. Khoản viện trợ này sẽ cung cấp vũ khí mới để tăng cường năng lực tấn công tầm xa của Ukraine. Gói trên cũng bao gồm Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Chương trình này cho phép chính phủ Mỹ mua vũ khí cho Ukraine từ các công ty bên ngoài mà không cần phải lấy chúng từ kho dự trữ trong nước.

Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Bộ Quốc phòng sử dụng hết toàn bộ tiền hỗ trợ an ninh đã phân bổ cho Ukraine vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông đang cố gắng đảm bảo rằng, số tiền này thực sự được chuyển đến Ukraine - trong trường hợp bất kỳ người kế nhiệm nào cố gắng thay đổi khoản phân bổ hoặc chuyển hướng nguồn tài trợ.

Phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri Mỹ

Để có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột, Ukraine cần sự hỗ trợ từ phương Tây. Khả năng và sự sẵn lòng giúp đỡ của phương Tây sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng, chính quyền của bà ít nhất sẽ duy trì sự ủng hộ của chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden đối với Ukraine, với lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ là thấy Nga bị đánh bại và không thể tiến hành các hoạt động gân hấn đối với châu Âu.

Đánh giá tình hình chiến tranh sau ba năm, chính quyền bà Kamala Harris mới có thể xác định rằng cần hỗ trợ đầy đủ hơn cho nỗ lực quân sự của Ukraine để gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin và chấm dứt xung đột. Để đảm bảo sự hỗ trợ đó, Ukraine sẽ cần phải giành được những chiến thắng quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa với các nguồn lực hiện có, cung cấp bằng chứng về khái niệm cho một chiến lược cho năm 2025.

Tuy nhiên, một kết quả khác trong cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ sẽ cực kỳ nguy hiểm cho Ukraine. Cựu Tổng thống Donald Trump và người bạn đồng hành của ông, Thượng nghị sĩ Ohio J. D. Vance, sẽ lãnh đạo một chính quyền theo chủ nghĩa biệt lập, chấm dứt mọi hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine, ngừng can dự vào an ninh châu Âu và có những động thái thân thiện với Nga và các quốc gia độc tài khác trong khi thể hiện sự thù địch đối với NATO và các đồng minh truyền thống khác.

Chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ không phải là một lựa chọn. Nếu Ukraine có bất kỳ cơ hội nào để tiến hành một cuộc tấn công vào năm 2025, Mỹ và các đối tác khác của Kiev cần bắt đầu thực hiện một chiến lược mới ngay hôm nay. Tăng cường cung cấp và đào tạo nguồn lực cần thiết có thể làm dịu bớt cú sốc từ chiến thắng của ông Donald Trump bằng cách cho NATO thời gian để điều chỉnh.

Liên minh quân sự này đã thực hiện các bước để chuẩn bị cho thảm họa tiềm tàng, bao gồm thông báo vào mùa Hè về một bộ chỉ huy quân sự mới ở Đức để giám sát việc cung cấp thiết bị và đào tạo cho Ukraine, có thể hoạt động trong trường hợp Mỹ rút khỏi NATO dưới thời chính quyền ông Donald Trump.

Ngay cả khi ông Donald Trump thắng cử và cắt đứt sự hỗ trợ của Mỹ trước khi một cuộc tấn công có thể bắt đầu, thì việc tiếp tục phát triển cơ sở công nghiệp và cơ sở sản xuất drone của Ukraine, cải thiện khả năng bảo trì vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp, cũng như huấn luyện và trang bị cho lực lượng Ukraine để thực hiện các hoạt động tác chiến binh chủng hợp thành hiệu quả trong những tháng tới sẽ giúp Ukraine làm suy yếu chiến lược quân sự của Nga. Các thành viên khác của NATO có khả năng duy trì hỗ trợ cho Ukraine trong vài năm và cùng nhau họ sở hữu sức mạnh kinh tế, hoặc ít nhất là ý chí, để vượt qua sản lượng quốc phòng của Nga.

Kiev vẫn sẽ cần tiến hành một cuộc tấn công khiêm tốn vào năm 2025, sử dụng kho thiết bị nhỏ hơn của châu Âu và tận dụng tối đa vật liệu sản xuất trong nước. Để ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng ra ngoài khu vực hiện tại, châu Âu có thể sẽ cần triển khai quân đội tới Ukraine để giữ chân lực lượng Nga ở miền Đông đất nước. Kiev và các đối tác châu Âu cũng sẽ cần phối hợp các nỗ lực rộng lớn hơn để ngăn chặn một nước Nga đang ngày càng được củng cố.

Trong trường hợp nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump và Mỹ chuyển sang chủ nghĩa biệt lập, các bước mà Kiev thực hiện hiện nay để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa Hè ít nhất có thể giúp Quân đội Ukraine duy trì khả năng phòng thủ và tiếp tục làm suy yếu Nga trong năm tới. Nhưng nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng và duy trì hoặc thậm chí mở rộng sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine có thể đặt mục tiêu đạt được những lợi ích quân sự đáng kể vào cuối năm 2025.

Việc chuẩn bị mà Kiev và các đối tác của mình phải thực hiện trong vài tháng tới là rõ ràng. Liệu giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch quân sự của Ukraine có dẫn đến một vị thế mạnh mẽ trên bàn đàm phán với Nga hay một cuộc chiến bị mắc kẹt trong sự tiêu hao mệt mỏi, thậm chí leo thang nguy hiểm, cuối cùng có thể phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri Mỹ vào tháng 11.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tuong-lai-ukraine-se-ra-sao-sau-bau-cu-tong-thong-my--i746363/

Khổng Hà / cand.com.vn