Từ công trình mang tính trọng điểm, tuyến đường dài 34 km ở Thừa Thiên Huế đang bị lâm tặc tận dụng đưa gỗ lâu ra khỏi rừng.
Máy xúc bị chôn cùng dự án
Dự án tỉnh lộ 74 nối hai huyện Nam Đông - A Lưới (Thừa Thiên Huế) dài hơn 34km được triển khai năm 2011. Đây là một trong những tuyến đường trọng điểm có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng - kinh tế. Dự án được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với số vốn hơn 530 tỷ đồng.
Những công trình đang xây dang dở bị bỏ không. (Ảnh: Q.T)
Các nhà thầu thi công tham gia dự án trên gồm: Công ty Cổ phần Việt Ren (trụ sở ở Quảng Trị); Công Xây dựng Đức Trung; Công ty Xây dựng Đức Mạnh và Công ty Xây dựng Vạn Tường.
Một người dân trú thôn A Ho (xã A Roàng, huyện A Lưới) - nơi dự án tỉnh lộ 74 chạy ngang cho biết, ban đầu đơn vị thi công làm khá rầm rộ, công trường lúc nào cũng có hàng chục công nhân, máy móc. Nhung chỉ thời gian ngắn thì dừng lại, không còn công nhân, máy móc và vật liệu bị bỏ nằm dầm mưa dãi nắng. Con đường từ ấy cũng ít người qua lại.
Cỏ mặt um tùm quanh những cống bi phục vụ thi công đường tỉnh lộ 74 bị bỏ lại công trình. (Ảnh: Q.T)
Hiện hàng loạt vách núi sau khi đơn vị thi công bạt taluy bị sạt lở, sụt lún. Tại một đoạn đường dài khoảng 20km, mặt đường gồ ghề đầy đá và không tìm được một điểm bằng phẳng. Một số chỗ nước lũ tràn xuống từ trên sườn núi cuốn phăng đất đá khiến mặt đường dần như bị xẻ làm đôi.
Một số cây cầu đang xây dựng bị bỏ không nhiều năm trở nên nhếch nhác.... Máy móc, sắt thép, xi măng và vật liệu xây dựng của nhà thầu bỏ lại nằm chổng chơ giữa trời hỏng hóc, hoen rỉ, chiếc máy xúc bị đất đá vùi lấp.
Xi măng, máy móc bị bỏ lại công trình hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho đơn vị thi công. (Ảnh: Q.T)
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Ren (một trong những đơn vị thi công dự án) cho biết, công ty bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư máy móc đưa vào làm dự án.. nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên khi dự án tạm dừng, toàn bộ máy móc phải bỏ lại công trình lâu ngày nên hỏng hóc. Các cầu cống đang làm dang dở cũng bị bỏ không, cỏ mọc um tùm.
"Dự án tạm dừng khiến các nhà thầu bị thiệt hại nặng", ông Hồng nói.
Trả lời báo chí, một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do một số vấn đề phát sinh nên dự án bị tạm dừng. Sau khi điều chỉnh Bộ Quốc phòng sẽ giao lại cho Quân khu IV làm chủ đầu tư. Phê duyệt xong, các đơn thị thi công sẽ thi công trở lại.
Lâm tặc tận dụng đường vận chuyển gỗ lậu
Từ khi dự án tỉnh lộ 74 bị tạm dừng thì lâm tặc cũng tận dụng con đường hoang vắng này thành nơi vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng.
Những khúc gỗ của lâm tặc đốn hạ trong rừng bỏ lại ven dự án tỉnh lộ 74. (Ảnh: Q.T)
Theo ghi nhận của phóng viên, 4 chiếc xe máy ung dung chất đầy gỗ nghênh ngang chạy trên dự án đường trăm tỷ bỏ hoang để hướng ra đường mòn Hồ Chí Minh. Trên những chiếc xe này, những khúc gỗ lớn với dấu tích vừa mới bị đốn hạ, cưa xẻ.
Trên khe suối A Rai, cách tỉnh lộ 74 không xa, một số lóng gỗ và phách gỗ vừa mới cưa xẻ được lâm tặc giấu bên vệ đường.
Những chiếc xe máy chất gỗ lậu ra khỏi rừng bằng cách len lỏi qua những đoạn đường gồ ghề của tỉnh lộ 74 hướng ra đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Q.T)
Khu vực lâm tặc vận chuyển gỗ chỉ cách đội kiểm tra, quản lý rừng 74 (thuộc BQL rừng phòng hộ A Lưới) chỉ khoảng vài trăm mét.
Về vấn đề này, ông Văn Thân - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho hay, lãnh đạo đơn vị sẽ yêu cầu đội quản lý rừng 74 tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh.
Rừng phòng hộ A Lưới bị lâm tặc \'xẻ thịt\'
Phần diện tích lớn thuộc các tiểu khu 297; 311 do BQL rừng phòng hộ A Lưới quản lý, thời gian qua, lâm tặc đã đốn hạ hàng chục cây rừng để lấy gỗ. Các đối tượng này còn ngang nhiên dựng lán trại trong núi, đưa cả máy tời, cưa máy vào phá rừng.
Ngày 25/9, ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới (thuộc Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế) cho biết, từ ngày 18-20/8, Hạt Kiểm lâm A Lưới phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) A Lưới đã kiểm tra tại Tiểu khu 297, 298 do Đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ quản lý thuộc xã Phú Vinh, nằm trong lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới.
Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, lực lượng chức năng phát hiện 24 gốc cây bị chặt hạ có đường kính trung bình từ 40 - 60cm, nằm rải rác trên các tuyến kiểm tra, các gốc cây cây chặt có gốc chặt từ lâu (đã kiểm tra và lập biên bản), có gốc còn mới tại khu vực Tiểu khu 297, 298 do Đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ quản lý.
Trước tình trạng rừng phòng hộ A Lưới bị lâm tặc "xẻ thịt", UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có văn bản số 7142/UBND-NN về việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh này.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới đã đình chỉ chức vụ với ông Lê Văn Thoại, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ để làm rõ trách nhiệm trong vụ phá rừng nói trên. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng điều chuyển 7 cán bộ thuộc Đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ.
Lâm tặc \'xẻ thịt\' rừng phòng hộ ở Huế: UBND tỉnh yêu cầu điều tra làm rõ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tổ ... |
Lộ kẻ chống lưng Phượng \'râu\' Nhiều cán bộ, quan chức bị xử lý đang hé lộ dần liên minh đen tối giữa lâm tặc (trong đó có cả những ông ... |