Tuyến hàng hải mới được mở ra cho thấy Biển Đông được quốc tế hóa, đồng thời cho thấy chuyển biến nhất định trong quan điểm của Nga và Ấn Độ.
Việc Nga và Ấn Độ ký bản ghi nhớ về việc mở tuyến hàng hải mới kết nối thành phố Vlapostok ở vùng Viễn Đông của Nga với thành phố Chennai, phía đông Ấn Độ, trong đó có đoạn đi qua Biển Đông được Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) đánh giá là một tín hiệu tích cực.
Lý do đầu tiên là nó cho thấy Biển Đông càng được quốc tế hóa, Trung Quốc không thể thực hiện mưu đồ độc chiếm khu vực này như toan tính của họ.
"Giống như doanh nghiệp có nhiều cổ đông, đối tác tham gia, càng nhiều cổ đông, đối tác lớn thì độc quyền càng giảm đi", tướng Cương ví von.
Lý do thứ hai là nó cho thấy sự chuyển biến nhất định trong quan điểm của Nga và Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông.
"Việc hình thành tuyến hàng hải mới trước tiên là vì lợi ích của hai nước Nga và Ấn Độ, nhưng dẫu có vậy thì đó vẫn là điều tích cực. Quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông trước nay đã rõ ràng, nhưng với Nga, động thái hợp tác với Ấn Độ lần này cho thấy thái độ có chuyển biến của Nga.
Trong 5 năm bị Mỹ và các nước phương Tây bao vây, cấm vận (từ năm 2014), có lúc kinh tế Nga cực kỳ khó khăn và họ cần phải hợp tác với Trung Quốc để chống đỡ. Chính vì vây, Nga phải nhân nhượng Trung Quốc ở một số vấn đề. Ở đây chính là bài toán lợi ích.
Việc ký kết hợp tác với Ấn Độ để mở ra tuyến hàng hải mới đi qua Biển Đông cho thấy Nga có thái độ tích cực. Nó chứng tỏ Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế, và có lẽ Moskva không muốn đặt trứng vào chung một giỏ. Khi đỡ khó khăn, Nga không chỉ bắt tay với Trung Quốc mà còn mở ra nhiều ngách khác, đó là cái hay của việc hợp tác lần này giữa Nga và Ấn Độ", Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích.
Ấn Độ và Nga đã đồng ý khởi động một tuyến đường hàng hải mới, trong đó có đoạn đi qua Biển Đông. Ảnh: EPA |
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược khẳng định, tư tưởng bành trướng, âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là liên tục, nhất quán và chưa bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, khi Biển Đông được quốc tế hóa, có tác động mạnh mẽ từ bên ngoài, ít nhất Bắc Kinh phải có bước lùi mang tính chiến thuật.
Về phần Việt Nam, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, Việt Nam có thể tham gia cùng Nga và Ấn Độ ở mức độ nào đó nếu cần thiết, làm nhộn nhịp con đường hàng hải nói trên.
"Việt Nam phải tận dụng đa phương, kết nối chặt chẽ với các nước trên thế giới, bởi càng đa phương thì càng có điều kiện đỡ phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc. Đa phương trên kinh tế cũng sẽ giúp giảm sức ép về các khía cạnh khác", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Trên truyền thông quốc tế, động thái hợp tác giữa Nga và Ấn Độ cũng nhận được sự quan tâm của các chuyên gia. South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích nhận xét, Ấn Độ đang thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông với việc tiếp cận các cường quốc khu vực, bao gồm cả Nga.
"Đây là tín hiệu cho thấy hợp tác Nga - Ấn đã tới giai đoạn quan trọng. Moskva đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, việc hợp tác với New Delhi sẽ giúp đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở mức độ nào đó", nhà nghiên cứu Hu Zhiyong thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đánh giá.
Thủ tướng Modi khẳng định tuyến hàng hải này phù hợp với chính sách hướng Đông của New Delhi, trong đó đề cao hợp tác chính trị và kinh tế với các nước Đông Nam Á. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và thứ ba tại châu Á với hơn 55% giao thương đi qua các tuyến hàng hải quan trọng như eo biển Malacca, khiến New Delhi có lợi ích chiến lược tại Biển Đông.
Ấn Độ báo hiệu mối quan tâm mới của họ đối với khu vực khi tuyên bố chung Ấn Độ-Nhật Bản được đưa ra trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tới Tokyo cho biết, hai bên đã xem xét tình hình ở Biển Đông. Hai nước cũng cam kết chia sẻ hậu cần quân sự để có khả năng tương tác lớn hơn.
Cũng theo các nhà phân tích, khi thương mại của Ấn Độ với Đông Á tăng lên, New Delhi có thể tìm cách tăng cường sự hiện diện trong khu vực để giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, một thành viên thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết, New Delhi cảm thấy khó chịu với sự quyết đoán mới của Trung Quốc và sự khẳng định mạnh mẽ của Bắc Kinh về các yêu sách lãnh thổ của họ ở Biển Đông.
Lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ tại Biển Đông cũng thể hiện tham vọng của New Delhi về lợi ích hàng hải và theo dõi các phát triển tiềm năng có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Chuyên gia Abhijit Singh, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu sáng kiến chính sách hàng hải tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, chỉ rõ, các quan chức Ấn Độ thường nêu bật lợi ích thương mại và kinh tế quan trọng của nước này tại Biển Đông.
Ngoài việc nhấn mạnh cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, các quan chức Ấn Độ không có ý định đi xa hơn nữa.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng xác định ưu tiên hàng đầu là lôi kéo Ấn Độ tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ấn Độ vào tháng 10 tới.
Anh lên kế hoạch quân sự táo bạo ở Biển Đông, Trung Quốc bực bội Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông, trong lần triển khai chiến dịch đầu tiên ... |
Mở đường biển mới đi qua Biển Đông, Nga-Ấn cạnh tranh với Trung Quốc? Việc Nga và Ấn Độ nhất trí mở tuyến đường chiến lược có 1 phần đi qua Biển Đông liệu có phải nhằm cạnh tranh ... |
Quan chức Mỹ- Trung cãi nhau kịch liệt vì Biển Đông và Việt Nam Hai nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về biển Đông tại Hội thảo Ấn Độ Dương liên quan đến việc Bắc Kinh ... |
Thành Luân