Dù toàn cầu hóa có mạnh mẽ đến đâu thì lợi ích quốc gia dân tộc vẫn là trên hết, những giá trị căn bản của con người vẫn không hề thay đổi.

Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những giá trị này đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc năm 1945.

19
GS.TSKH. Vũ Minh Giang

Di sản vô giá và thời khắc thiêng liêng

Tuyên ngôn Độc lập (về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945) do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình có giá trị lịch sử như thế nào, thưa ông?

Cuối thế kỷ XIX Việt Nam bị mất chủ quyền, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Đã có biết bao thế hệ đứng lên chống quân xâm lược nhằm giành lại độc lập, nhưng đều không thành công.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đưa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sang một thời kỳ mới. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Giành được độc lập là thực hiện được khát vọng lớn lao của toàn thể dân tộc sau gần một thế kỷ phải sống lầm than trong cảnh nô lệ.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là một di sản vô giá và sự kiện Người tuyên đọc bản Tuyên ngôn ấy tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 là thời khắc lịch sử thiêng liêng.

GS. TSKH. Vũ Minh Giang

Bản Tuyên ngôn Độc lập do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là một di sản vô giá và sự kiện Người tuyên đọc bản Tuyên ngôn ấy tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 là thời khắc lịch sử thiêng liêng.

Đó là tuyên bố khẳng định nền độc lập của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, từng bị xóa tên trên bản đồ thế giới, nay được khôi phục lại. Lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập còn là tuyên cáo quyền được bình đẳng của dân tộc Việt Nam với mọi quốc gia trên thế giới.

Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết

Và bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc Việt Nam đồng thời còn mang giá trị quốc tế sâu sắc ở thời điểm đó, thưa ông?

Tuyên ngôn Độc lập do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc không chỉ là lời bố cáo với toàn thể nhân dân về nền độc lập mới giành được mà còn là lời tuyên bố chính thức với thế giới về một chính quyền mới được thành lập sau một cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đem lại quyền lợi cho nhân dân.

Một Chính phủ mà tính chính danh, hợp hiến, hợp pháp đã được khẳng định ngay sau đó bằng một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ trên cả nước.

Một điều vô cùng quan trọng khác là bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi vượt qua biên giới, đến với các dân tộc thuộc địa đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Sau này, khi toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên lịch sử, chế độ thực dân kiểu cũ đã sụp đổ và tan rã hoàn toàn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, không ít nơi trên thế giới vẫn còn xung đột, chiến tranh. “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” hiện nay vẫn là mục tiêu phấn đấu của các dân tộc, quốc gia. Qua đây, chúng ta thấy giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào, thưa ông?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ xu hướng toàn cầu hóa diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Cùng với những tác động tích cực do “thế giới phẳng” mang lại, nhân loại đang phải hứng chịu không ít những hệ lụy tai hại từ quá trình này.

Khi mà các quốc gia dường như đang gần nhau hơn về khoảng cách địa lý thì sự phân hóa giàu - nghèo đang ngày càng sâu sắc. Xung đột sắc tộc, tôn giáo và nhiều vấn nạn toàn cầu đang trở nên ngày càng trầm trọng.

Điều đó chỉ ra rằng, cho dù toàn cầu hóa có mạnh mẽ đến đâu thì lợi ích quốc gia dân tộc vẫn là trên hết, những giá trị căn bản của con người như được sống trong độc lập, tự do, được hưởng các quyền bình đẳng trong tinh thần bác ái vẫn không hề thay đổi.

Những giá trị này đã được thể hiện đầy đủ và vô cùng hàm súc trong Tuyên ngôn Độc lập do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc năm 1945. Văn kiện vô giá này xứng đáng được công nhận là bảo vật Quốc gia cùng với thời gian giá trị ngày càng được khẳng định.

Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân

20
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)

Và tư tưởng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta thực hiện như thế nào trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thưa ông?

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của một cuộc cách mạng Dân tộc dân chủ. Nhưng nhìn rộng ra, đó là sản phẩm của văn hóa chính trị Việt Nam giữa thế kỷ XX, là kết tinh của nhiều lớp văn hóa được tích tụ trong suốt chiều dài lịch sử và được những tinh hoa của nhân loại.

Tư tưởng độc lập cho dân tộc, nhân dân được hưởng tự do và hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập đã được thành tiêu ngữ sau quốc hiệu đã đáp ứng khát vọng ngàn đời của mọi người dân Việt Nam và đồng thời cũng thể hiện sự cam kết của chính quyền cách mạng trong việc bảo đảm những quyền lợi cơ bản, lâu dài của nhân dân.

Năm 1945, Quốc hiệu nước ta là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là thể chế của một quốc gia đi theo con đường phát triển văn minh.

Từ năm 1976, Quốc hiệu được đổi là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa của chúng ta là xây dựng một đất nước phồn vinh, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì việc đổi Quốc hiệu chỉ là sự khẳng định công khai tính chính danh của Đảng trong vai trò lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị.

Những mục tiêu cao đẹp được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập không có gì thay đổi. Mục tiêu ấy vẫn còn nguyên trên các tiêu ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Cảm ơn ông!

Phùng Đô / Báo Giao thông