Khi được trao quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có thể tự quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của trường. Tuy nhiên, tự chủ như thế nào để đảm bảo quyền lợi của cả người học và sự phát triển của cơ sở giáo dục?
Bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) thông tin, triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, sắp tới Bộ GDĐT yêu cầu các trường rà soát các điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo quy định của Luật; xây dựng kế hoạch về tự chủ, xác định lộ trình thực hiện tự chủ hoàn toàn trên các phương diện: Hoạt động chuyên môn, tài chính, nhân sự. Thời hạn cho các hoạt động này là trước 30/11/2019.
Tiếp đó, trước 31/12/2019, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tiến hành thành lập, kiện toàn Hội đồng trường. Nếu là ĐH công lập, Hiệu trưởng/Chủ tịch Hội đồng trường trình cơ quan trực tiếp quản lý ra quyết định công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường. Đối với ĐH tư thục, cần tổ chức hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu xác định số lượng, cơ cấu hội đồng trường, cử hoặc bầu theo tỉ lệ vốn góp đối với đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường đại học…
Riêng đối với công tác tuyển sinh, hiện nay, quyền tự chủ cho phép các trường đại học tổ chức nhiều phương thức tuyển sinh nhằm chọn ra số lượng thí sinh phù hợp với tiêu chí của từng trường. Theo đó, các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh và tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập.
Quyền tự chủ trong giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện quyền tự chủ trong giáo dục ĐH vẫn còn nhiều bất cập. Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, mục tiêu của tự chủ là nâng cao chất lượng đào tạo chứ không phải để thu học phí cao hơn.
Tức là muốn nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường phải thu học phí cao hơn để trang trải chi phí và mua máy móc, học cụ… Điều này là không nên, trái với mục tiêu của tự chủ trong đào tạo ĐH.
"Đã có trường hợp, sinh viên sau khi nhập học không kham nổi học phí phải nghỉ học, đi làm thêm kiếm tiền trang trải chuyện học. Việc này sẽ tác động ngược lên chất lượng đào tạo, vì một khi sinh viên không tập trung hoàn toàn vào việc học sẽ mâu thuẫn với mục tiêu nâng cao chất lượng của tự chủ ĐH", PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ.
PGS.TS Hùng cho rằng, đối với các trường kinh tế, xã hội… việc tự chủ dễ thực hiện hơn trong khi các trường chuyên về công nghệ, sinh học thì khó hơn. Nhà trường không thể thu học phí cao để mua sắm thiết bị. Do đó, Bộ GDĐT cần có giải pháp hỗ trợ để các ngành nghề này có thể tự chủ được mà không phải đặt gánh nặng tài chính lên vai người học.
Còn PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM thì cho rằng, Trường ĐH Luật TP.HCM đã làm đề án tự chủ tuyển sinh từ vài năm nay nhưng dường như điều này đang là tự trói chân mình.
PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM.
Cụ thể, hiện nay các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển như tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GDĐT, xét tuyển học bạ, xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Trong khi Trường ĐH Luật TP.HCM nhiều năm nay vẫn xét từ kết quả học bạ sau đó xét tiếp đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia rồi gọi các thí sinh đạt yêu cầu vào kỳ thi đánh giá năng lực.
Mặc dù 3 năm thực hiện tự chủ tuyển sinh, trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu nhưng quy trình tuyển sinh qua nhiều công đoạn như hiện nay là quá phức tạp với thí sinh. Việc tự chủ tuyển sinh của trường cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trường sẽ xem xét lại vấn đề này.
Tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học vừa được tổ chức trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An cho biết, Bộ đã trình Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Để thực hiện tự chủ ĐH, theo Thứ trưởng An, các trường cần xác định rõ, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị là yếu tố then chốt, thúc đẩy sự phát triển của cả nền giáo dục ĐH.
Thực hiện quyền tự chủ, các trường ĐH áp dụng nhiều hình thức tuyển sinh như tuyển thẳng, xét học bạ, xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.
Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tự chủ là một trục xuyên suốt, trong đó tuyển sinh chỉ là một khâu. Một ĐH phát triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng. Nhưng hiện nay các trường mới tập trung vào đào tạo, thời lượng bàn về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, gắn kết đào tạo với sử dụng còn ít.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) thông tin, Bộ GDĐT cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng những trường nào tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển sinh sai quy định… thì nhà trường và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, các cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm tiếp sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. |
Trường đại học tuyển sinh “chui” sẽ bị cắt quyền tự chủ trong 5 năm Kê ‘khống” số lượng giảng viên cơ hữu để tăng chỉ tiêu, tuyển sinh chui, mập mờ về thông tin trong đề án tuyển sinh… Tất cả ... |
Vì sao các trường quân đội dừng đào tạo hệ dân sự từ năm 2019? Từ năm 2019, các trường quân đội dừng tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp hệ dân sự. |