Phương thức thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ưu điểm, có thể tuyển chọn thí sinh đầu vào đại học tốt nhất.

Kiến thức thi trải rộng cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội

Năm 2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển thí sinh vào các trường đại học thành viên và một số trường ngoài hệ thống.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA.

Bài thi này đánh giá các năng lực cơ bản của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cụ thể, Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút theo cấu trúc đề thi như sau:

Phần 1. Sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh): Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học  khả năng dùng từ, khả năng đọc hiểu, khả năng phân tích bài viết Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Phần 2. Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (toán học, tư duy logic, phân tích số liệu): Các vấn đề về toán phổ thông; Các bài suy luận và xác định các quy luật logic; Các bài phân tích và chọn phương án trả lời tương ứng với từng bảng số liệu cho trước.

Phần 3. Giải quyết vấn đề (vấn đề thuộc lĩnh vực hóa học, vật lí, sinh học, địa lí, lịch sử, chính trị, xã hội): Những vấn đề liên quan đến kiến thức khoa học xã hội và tự nhiên.

Kết quả thi đánh giá năng lực được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo Lý thuyết Ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT).

Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.

Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.

Giáo viên đánh giá cao phương thức thi đánh giá năng lực

Thầy Trần Văn Bình, tổ trưởng chuyên môn tổ Toán, Trường trung học phổ thông Hồng Đức (quận Tân phú, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, phương thức thi đánh giá năng lực xuất phát từ cách làm của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016.

Những năm qua, phương thức thi này đã được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng và mang lại hiệu quả cao cho việc xét tuyển thí sinh vào đại học.

Thầy Bình chia sẻ, hàng năm thầy đều khuyến khích học sinh tham dự kì thi này vì kết quả của học sinh phản ánh rất tốt.

Cấu trúc đề thi yêu cầu học sinh phải có năng lực phân tích và giải quyết vấn đề. Kết quả thi sử dụng cho việc xét nguyện vọng vào các trường thành viên của Đại học Quốc giaThành phố Hồ Chí Minh nếu học sinh có nhu cầu.


20 trường sử dụng bài thi năng lực của Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh

Cũng theo thầy Bình, phương thức thi đánh giá năng lực khiến học sinh không thể học lệch, không cần luyện thi, bởi kiến thức trong đề trải rộng cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Học sinh nhiều trường tư thục đa phần không dám đăng kí dự thi kì thi này vì các em học lệch phục vụ cho việc thi trung học phổ thông quốc gia trước mắt, sau đó mới lấy kết quả xét tuyển vào đạo học.

Tuy nhiên, thầy Bình cho rằng nên cải tiến điểm ưu tiên giữa các đối tượng. Chẳng hạn như thí sinh ở khu vực 1 được ưu tiên cộng tối đa l00 điểm thì không công bằng cho các thí sinh khác.

“Năm vừa rồi, tôi có học sinh thi được 889 điểm nhưng vẫn rớt vì điểm chuẩn là 890 điểm, chỉ thiếu đúng 1 điểm. Trong khi đó có thí sinh được cộng ưu tiên đến 100 điểm thì rõ ràng là thiếu công bằng”, thầy Bình dẫn chứng.

Cùng quan điểm, thầy Lê Văn Quyền, giáo viên giảng dạy môn Vật lí, Trường trung học phổ thông Vĩnh Viễn (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao về kì thi năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Quyền nói rằng, bài thi này giá người học một cách toàn diện về những kiến thức căn bản và tư duy logic.

Để làm tốt bài thi, học sinh phải học tốt tất cả các môn, không học lêch. Ngoài ra, đề thi còn có nhiều câu hỏi giải quyết các vấn đề thực tiễn, đưa kiến thức gần hơn với cuộc sống.

Ngoài ra, thầy Quyền cũng nêu ý kiến, việc sử dụng bài thi trong tuyển sinh đại học nên có hai đề. Một đề thiên về khoa học tự nhiên và một đề thiên về khoa học xã hội.

Đề thiên về khoa học tự nhiên sẽ có nhiều câu hỏi hơn về lĩnh vực tự nhiên, và đề thiên về khoa học xã hội sẽ có nhiều câu hỏi hơn về xã hội. Từ đó, các trường đại học thiên về bài thi nào sẽ lấy bài đó để xét tuyển.

Năm 2020, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 2 đợt.

Đợt 1 vào ngày 29/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Nha Trang. Đợt 2 vào ngày 5/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/giao-duc/dai-hoc-quoc-gia-tphcm-cong-bo-de-minh-hoa-thi-nang-luc-2020-trong-thang-12-1154746.html

[2] //vnuhcm.edu.vn/sinh-vien_33386864/cau-truc-bai-thi-danh-gia-nang-luc-dhqg-hcm/313832396864.html?fbclid=IwAR04TxjD9_V0fnKxzvk6gRFdO6BhnNrx9ZLDy24waLq3Qvf7aE9vSki59Xg

Cao Nguyên    13/12/2019 06:11

Dự án Đại học VinUni công bố định hướng tuyển sinh năm học 2020 – 2021

Ngày 11/11/2019, Dự án Đại học VinUni công bố định hướng tuyển sinh năm học 2020 – 2021 cho 3 ngành: Kinh doanh Quản trị, ...

Trường ĐH đầu tiên công bố phương án tuyển sinh có nhiều điểm mới

Trường ĐH Nha Trang công bố phương án tuyển sinh năm 2020 và có nhiều điểm mới sau khi Luật Giáo dục đại học đã ...

Đề tuyển sinh đại học năm 1895 gây sốt

Nhiều chuyên gia tin rằng các thí sinh thậm chí không trả lời nổi một câu trong đề tuyển sinh đầu vào của một trường ...

/ giaoduc.net.vn