Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không hạ điểm sàn thấp, đánh đổi chất lượng để lấy số lượng, nhất là khi nguồn tuyển giáo viên, cán bộ y tế không thiếu.

Vừa qua, Hội đồng điểm sàn họp và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu và với khối ngành Y Dược và Sư phạm. 

Đây là kết quả sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường thuộc 2 khối ngành; hài hòa giữa sự phát triển của các đại học với yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động Y dược, Sư phạm.

Chất lượng là tiêu chí xác định điểm sàn 

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, ở góc độ khoa học và thực tiễn, căn cứ chủ yếu để xác định điểm sàn là yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của các ngành cần quy định điểm sàn và phổ điểm thi của thí sinh.

Bên cạnh đó, các yếu tố về chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh lựa chọn, điểm ưu tiên... của các trường trong khối ngành Y, Sư phạm cũng là những cơ sở để Hội đồng điểm sàn tham khảo, lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng.

 

Bà Phụng cho rằng, điểm sàn sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn tuyển, chất lượng đầu vào của các ngành quan trọng là đào tạo thầy cô giáo và đào tạo đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế - những người có vai trò quyết định tới trí tuệ, thể chất và sức khoẻ của các thế hệ trẻ nói riêng và toàn dân tộc nói chung. 

Đặc biệt là chính sách điểm sàn sẽ ngăn chặn một số trường do thiếu nguồn tuyển nên có thể lấy điểm sàn quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực nói chung.

Việc nâng cao chất lượng đầu vào sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dạy và học, đến chất lượng đầu ra, từ đó có tác động tích cực trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Qua đó tạo sức cạnh tranh cho lao động trình độ cao của Việt Nam trong thị trường lao động ngày càng không biên giới.

“Căn cứ chủ yếu để xác định điểm sàn là yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của ngành sư phạm và sức khoẻ, để đảm bảo và nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, thầy thuốc và cán bộ y tế. Nguồn tuyển chỉ là một tiêu chí để tham khảo, nếu điều kiện cho phép như có nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển thì có thể nâng điểm sàn lên đến mức có thể, không được phép căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn. 

Không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, hay nói cách khác là chúng ta không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, nhất là trong điều kiện hiện nay, nguồn để tuyển dụng giáo viên và cán bộ y tế không thiếu", bà Phụng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Phụng, bài toán thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ ở một số khu vực, cấp học. Các Sở GD-ĐT hoàn toàn có thể thu hút, tuyển dụng giáo viên ở những nơi khác. Vì vậy, mặc dù năm trước, ngành sư phạm tuyển được không nhiều nhưng năm nay, Hội đồng điểm sàn vẫn quyết định điểm sàn của hai nhóm ngành này 18-21 cho trình độ đại học, phù hợp với mặt bằng chung của điểm thi năm nay và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ y tế.

Xác định điểm sàn quá thấp là thừa nhận vị trí kém 

TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, năm nay, đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018. 

Năm 2018, toàn hệ thống có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thuỷ lợi.

Những nhóm ngành này sinh viên ra trường có việc làm sớm, làm đúng ngành đào tạo, thậm chí có ngành thiếu nhân lực, nhưng do không được thí sinh ưa thích, lựa chọn nên phải xác định điểm sàn thấp. Nhưng những trường ở địa bàn không thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển.

TS Phụng cũng nhấn mạnh: “Không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Nhưng mặt khác, chúng ta phải xác định giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.

Theo quy định, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để thanh kiểm tra và xã hội giám sát. Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các thí sinh không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường. 

Thực tế, trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, một số ít trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường hợp này, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với lãnh đạo nhà trường những thông tin chung về nguồn tuyển, phổ điểm, đánh giá chất lượng của từng ngưỡng xét tuyển… để khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình.

Nếu xác định điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng của mình trong hệ thống. 

Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo của các trường này để đưa ra những khuyến cáo kịp thời.

Hàng loạt đại học lấy điểm sàn xét tuyển 12-13
Điểm sàn nhóm ngành hot ĐH Bách Khoa TP.HCM tăng 1 điểm
Đại học Hà Nội, Kiến trúc Hà Nội công bố điểm sàn xét tuyển

/ vtc.vn