Sau khi bị các thiết bị không người lái (UAV) của Ukraine tấn công vào Moskva, Nga bắt đầu phát triển các loại vũ khí mới để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự.
- UAV Ukraine đâm vào tòa nhà ở trung tâm tài chính Moscow
- Iran ra mắt UAV tấn công giống hệt UAV Mỹ, có thể bay 24h liên tục
Nga đã bắt đầu phát triển một hệ thống kiểm soát hàng không vũ trụ mới có thể giám sát hiệu quả các loại máy bay không người lái có tốc độ thấp và nhỏ gọn, sau khi quân đội Ukraine liên tục thực hiện các cuộc tấn công thành công vào các mục tiêu của Nga, bao gồm cả thủ đô Moskva bằng cách sử dụng các thiết bị như vậy.
Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Rostec, ông Serge Chemezov đã tuyên bố vào ngày 7/8 rằng, “công ty đang tiến hành công việc để tạo ra một hệ thống giám sát hàng không vũ trụ. Thiết bị này có hệ thống radar tiên tiến có thể phát hiện các mục tiêu nhỏ gọn, bay ở tốc độ thấp”.
Ông nói thêm: “Các radar hiện nay không phải lúc nào cũng phát hiện được các mục tiêu như vậy vì chúng bay rất thấp, trong khi các radar được thiết kế chỉ có khả năng đánh chặn các vật thể bay cao như máy bay, tên lửa”.
Một tòa như ở Moskva bị hư hại sau khi bị UAV Ukraine tấn công.
Các hệ thống phòng không của Nga luôn được các nhà phân tích ở cả châu Á và phương Tây thừa nhận là dẫn đầu thế giới, với các khí tài nổi tiếng và không có đối thủ cạnh tranh như hệ thống phòng không S-400 và S-500.
Các khí tài phòng không của Nga đã gây thiệt hại nặng nề cho các loại máy bay của Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, bao gồm cả máy bay không người lái Byraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, loại UAV được các nhà phân tích phương Tây ban đầu rất kỳ vọng.
Tuy nhiên Ukraine đã nhanh chóng bổ sung nguồn cung cấp máy bay thông qua các quốc gia NATO. Đối với những loại máy bay cao cấp hơn như máy bay chiến đấu sẽ phải mất nhiều thời gian để đào tạo phi công và những yêu cầu về bảo trì khó có thể được giải quyết trong điều kiện thời chiến.
Nga triển khai hệ thống phòng không trên nóc các tòa nhà ở Moskva.
Ukraine không phải là trường hợp đầu tiên sử dụng máy bay tốc độ thấp để trốn tránh sự phát hiện của radar, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này là Triều Tiên. Quốc gia Đông Á này đã đầu tư rất nhiều vào việc chế tạo những loại máy bay có khả năng bay thấp và có kích thước nhỏ gọn, đặc biệt là sản xuất máy bay cánh quạt chuyên dùng cho nhiệm vụ đưa lực lượng đặc biệt tấn công các mục tiêu quan trọng ở Hàn Quốc.
Những chiếc máy bay như vậy có tín hiệu nhiệt không đáng kể và cực kỳ khó bị radar phát hiện. Một số nguồn tin quân sự tiết lộ rằng, máy bay không người lái của Triều Tiên được cho là đã nhiều lần xâm nhập sâu vào không phận Hàn Quốc bằng cách bay ở tốc độ thấp, chúng bay qua các tòa nhà chính phủ rất nhạy cảm ở thủ đô Seoul.
Bản thân Nga từ những năm 1990 đã đầu tư phát triển động cơ vectơ lực đẩy cho máy bay chiến đấu, nhằm hạn chế khả năng phát hiện và theo dõi của radar bằng cách tắt động cơ trong thời gian ngắn.
Hệ thống phòng không Pantsir-S1 được bố trí trên nóc tòa nhà Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga đã tập trung đầu tư vào các hệ thống phòng không trên mặt đất nhiều hơn so với lực lượng không quân kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Bởi việc hiện đại hóa các thiết bị phòng không có chi phí thấp hơn nhiều so với các khí tài không quân, vì vậy các đơn vị không quân của Nga đã bị thu hẹp đáng kể về quy mô máy bay so với thời Liên Xô.
Các chuyên gia quân sự nhận định mạng lưới phòng không hiện nay của Nga đủ sức bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa lớn. Đặc biệt, hệ thống S-500 có khả năng đánh chặn các phương tiện bay siêu thanh tốc độ cao, cũng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuy nhiên những mối đe dọa cấp thấp như máy bay không người lái nhỏ gọn, lại đang đặt ra những thách thức đối với hệ thống phòng không của Nga, vì vậy cần phải có những biện pháp để giảm thiểu hoặc ngăn chặn các mối đe doại này.