Các lãnh đạo EU đã đồng ý xem xét việc trao cho Ukraine quy chế ứng viên khi toàn bộ khối họp thượng đỉnh vào cuối tuần này. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ có quyết định tại hội nghị ở Brussels vào ngày 23 và 24 tháng 6.
Dấu hiệu “tích cực”
Việc EU sẽ xem xét trao cho Ukraine quy chế ứng viên thành viên EU được nhắc đến nhiều hơn và đã có những dấu hiệu “tích cực” kể từ hôm 17-6 khi Ủy ban châu Âu (EC) lên tiếng đề xuất EU nên sớm xem xét vấn đề này ngay tại hội nghị thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra tại Brussels trong hai ngày 23 và 24-6 tới. Chủ tịch EU Ursula von der Leyen thông báo ý kiến đề xuất trên của EC. Vài tuần trước, chính Chủ tịch von der Leyen là người đã lên tiếng ủng hộ viêc kết nạp thành viên cho Ukraine và kêu gọi EU sớm xem xét quy chế ứng viên cho Ukraine khi bà đến thăm Kiev giữa lúc chiến sự đang diễn ra ác liệt ở miền Đông Ukraine.
Một ngày trước thông báo của bà Chủ tịch von der Leyen, lãnh đạo 3 cường quốc chủ chốt của EU là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi đã cùng nhau đến Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Ukraine gia nhập EU.
Việc lãnh đạo 3 quốc gia chủ chốt ủng hộ Ukraine (và Moldova) gia nhập EU có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ vì tiếng nói có trọng lượng của các quốc gia này, mà còn vì nước Pháp hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU. Với vai trò này, Tổng thống Pháp Macron sẽ thúc đẩy việc kết nạp thành viên cho Ukraine một cách thuận tiện hơn bao giờ hết.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU cũng đã từng vài lần nhận được yêu cầu gia nhập khối này từ phía Ukraine nhưng dường như EU chưa bao giờ xem xét đến việc trao cho Ukraine một quy chế ứng viên, bởi khối này luôn xem việc mở rộng khối đến sát biên giới nước Nga là một việc mạo hiểm, không nên làm, vì việc này có thể mang lại hậu quả khó lường.
Tuy nhiên, khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, các quốc gia EU bắt đầu cảm thấy sức ép gia tăng đối với việc kết nạp Ukraine làm thành viên. Ngày 28-2, chỉ vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra yêu cầu rằng khối EU cần xem xét kết nạp Ukraine làm thành viên ngay lập tức bằng một quy trình thủ tục đặc biệt. Nhưng, cuộc chiến ở Ukraine khiến lãnh đạo các quốc gia EU đối mặt cùng lúc áp lực từ nhiều phía khác nhau. Ông Scholz đang phải đối mặt với sức ép không chỉ từ các nước phía Đông EU mà còn cả trong nội bộ nước Đức, bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock thuộc đảng Greens và các bộ trưởng của đảng Dân chủ Tự do (FDP), những người đang thúc đẩy mạnh mẽ việc Ukraine có quan hệ chặt chẽ hơn với khối EU.
Ngoài ra, áp lực đối với các lãnh đạo quốc gia EU còn xuất phát từ chính họ, với chính sách không muốn nhượng bộ nước Nga. Một cuộc giằng co đang diễn ra giữa Nga và EU là trong khi Nga đang dùng tất cả sức lực để giữ Ukraine tránh xa châu Âu, thì ngược lại EU càng muốn thúc đẩy việc kết nạp thành viên cho Ukraine.
Bên cạnh Ukraine, EC cũng khuyến nghị EU xem xét trao quy chế ứng viên cho nước láng giềng của nước này là Moldova. Moldova cũng là một quốc gia Đông Âu, có vị trí địa chính trị gần tương đồng với Ukraine. Moldova có vùng lãnh thổ ly khai là Transnistria (tên chính thức là Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian) có thể biến thành một địa bàn xung đột mới khi Nga đang có một lực lượng khoảng 1.000 quân đồn trú tại đây, đồng thời Nga cũng đang hỗ trợ quốc gia ly khai này duy trì lực lượng quân đội riêng.
Trong phát biểu tại chuyến thăm Moldova cùng ngày sau khi đến thăm Kiev, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố việc kết nạp Moldova không thể tách rời khỏi Ukraine bởi hai quốc gia này có vị trí địa chính trị giống nhau, trong khi Georgia (Gruzia) lại ở xa hơn, nằm sâu trong lục địa châu Á, địa chính trị cũng khác hẳn nên không thể tham gia cùng với Ukraine và Moldova.
Quy trình kéo dài và không dễ dàng
Nếu được EU trao cho quy chế ứng viên, Ukraine sẽ phải thực hiện nghiêm các yêu cầu của khối trong một quy trình kéo dài. Điều 49 trong Hiệp ước của EU quy định rằng bất kỳ quốc gia châu Âu nào muốn gia nhập khối phải cam kết tôn trọng và thúc đẩy các giá trị cơ bản của EU được quy định tại hiệp ước. Những giá trị này bao gồm tôn trọng tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền,... Sau khi nhận được đơn đăng ký, các thành viên EU sẽ đánh giá sự phù hợp của quốc gia trên cơ sở các điều khoản này.
Cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Copenhagen năm 1993 đã đề ra các tiêu chí cụ thể hơn, được gọi là Bộ tiêu chí Copenhagen. Các tiêu chí này bao gồm các điều kiện thiết yếu mà tất cả các quốc gia ứng cử viên phải đáp ứng. Trong số đó có một nền kinh tế thị trường đang vận hành, một nền dân chủ, pháp quyền ổn định và sự chấp nhận tất cả các luật lệ của EU, bao gồm cả luật của đồng Euro.
Thủ tục trở thành thành viên của EU bao gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, quốc gia muốn kết nạp được trao cho tư cách của ứng viên chính thức. Trong giai đoạn thứ hai, các cuộc đàm phán thành viên chính thức với ứng cử viên bắt đầu, bao gồm việc thông qua luật của EU thành luật quốc gia và thực hiện các cải cách tư pháp, hành chính, kinh tế và các cải cách khác, được gọi là tiêu chí gia nhập. Sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất và ứng cử viên đã đáp ứng tất cả các tiêu chí gia nhập, họ có thể gia nhập EU.
Trở thành thành viên của khối là một quá trình lâu dài và phức tạp. Ngay cả sau khi quốc gia xin gia nhập khối được cấp cho quy chế ứng viên, phần còn lại của quá trình này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành. Cuộc thương lượng nói riêng diễn ra trong một thời gian dài và khoảng thời gian này có thể khác nhau giữa các quốc gia. Croatia, thành viên gần đây nhất của EU, đã gia nhập EU vào năm 2013 sau hành trình 10 năm để hoàn tất quá trình này. Hiện tại, EC chỉ khuyến nghị Ukraine (và Moldova) được cấp tư cách ứng cử viên. Khuyến nghị này sẽ được 27 quốc gia thành viên của EU thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh vào ngày 23 và 24-6.
Để tiến hành các cuộc đàm phán gia nhập, điều kiện cần và đủ là tất cả các quốc gia thành viên EU nhất trí chấp thuận thành viên tương lai. Để việc xin gia nhập khối của Ukraine được thúc đẩy, đòi hỏi Ukraine phải làm sao thuyết phục cả khối đồng ý rằng Ukraine đã đáp ứng Bộ tiêu chí Copenhagen. Đàm phán (bước tiếp theo) sẽ diễn ra trong một hội nghị liên chính phủ, có sự tham gia của các bộ trưởng và đại sứ của các chính phủ thành viên EU và quốc gia ứng cử viên.
Theo CNN, hiện đang có nhiều ý kiến lo ngại rằng Ukraine khó có thể đáp ứng Bộ tiêu chí Copenhagen. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Ukraine được xếp thứ 122 trong danh sách 180 quốc gia. Marie Dumoulin, Giám đốc chương trình Wider Europe tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nói với tờ Euronews: “Điều này liên quan đến các vấn đề về pháp quyền và cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine. Đây là những vấn đề thực tế và Chính phủ Ukraine cũng thừa nhận rằng họ phải giải quyết”.
Trong khi Ukraine mong muốn quá trình kết nạp thành viên khối EU tiến triển nhanh chóng, các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo rằng thời gian sẽ kéo dài. Trong một bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 9-5, Tổng thống Pháp Macron cho biết: “Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng quá trình cho phép họ (Ukraine) tham gia sẽ mất vài năm - thực tế là có thể vài thập kỷ”.
Một số nước EU đang không mặn mà với việc trao quy chế ứng viên cho Ukraine. Đan Mạch và Bồ Đào Nha lập luận rằng nếu Ukraine không xảy ra chiến tranh với Nga, nước này sẽ không thể đáp ứng đủ điều kiện để bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên. Chiến tranh đang trở thành cái cớ xác đáng để EU biện bạch cho việc tiến hành thủ tục kết nạp Ukraine một cách chóng vánh. Nhưng, chiến tranh cũng là vấn đề làm phát sinh rào cản cho việc gia nhập EU của Ukraine. Chính phủ nhiều nước khác trong EU tuy đã lên tiếng ủng hộ việc cấp tư cách ứng viên cho Ukraine, nhưng lại đang đặt ra các điều kiện bắt buộc rằng các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine không thể bắt đầu cho đến khi Ukraine trở lại là một quốc gia toàn vẹn lãnh thổ và không còn chiến tranh, đồng thời Kiev đạt được những bước tiến lớn hơn trong việc chống tham nhũng, củng cố pháp quyền và cải tổ mạnh mẽ các thể chế dân chủ.
Một vấn đề khá nghiêm trọng mà nhiều quốc gia EU đều quan tâm, đó là việc Ukraine đang động chạm vào lòng tự ái mạnh mẽ của EU trong vấn đề tranh chấp với nước Anh. Trong khi mong muốn gia nhập EU, Tổng thống Ukraine Zelenskiy lại chỉ trích các lãnh đạo EU không đủ cứng rắn trong chính sách đối với nước Nga và Tổng thống Putin. Ông Zelenskiy lại khen ngợi Thủ tướng Anh Boris Johnson là người nhanh lẹ trong việc ủng hộ Kiev chống Nga khi ông Johnson là lãnh đạo châu Âu đầu tiên đặt chân đến Kiev để thể hiện đoàn kết với Kiev chống Nga. Vấn đề là London và Brussels đang có những tranh chấp khá gay gắt xung quanh các quy chế đối với Bắc Ailen và việc đàm phán giữa hai bên đang gặp khó khăn.
Một cuộc tranh cãi đã và đang diễn ra trong lòng EU xung quanh việc kết nạp Ukraine. Phe chống kết nạp Ukraine có nhiều lý do để chống lại việc này. Ukraine hiện tại còn quá xa để có thể đáp ứng được các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Copenhagen. Đó là chưa kể việc kết nạp Ukraine vào EU sẽ còn kéo theo những hệ lụy nằm ngoài khả năng dự báo của khối này.
Trong khi đó, phe ủng hộ cũng có không ít luận điểm để thuyết phục giới chính trị cũng như dư luận về sự cần thiết và cấp bách để lôi kéo Ukraine vào khối càng sớm càng tốt. Đó không chỉ là một hành động dang tay giúp đỡ Ukraine trước sức mạnh từ Nga, mà còn là vấn đề mở rộng tầm ảnh hưởng của châu Âu về phía Đông, khẳng định rằng EU dù còn nhiều thứ phải liên quan đến Nga nhưng EU cũng sẵn sàng hành động để ít nhất chứng minh rằng EU không “phụ thuộc” Nga.
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/ukraine-gia-nhap-eu-duong-toi-dich-con-xa-i657768/