Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố việc nhận viện trợ kinh tế trực tiếp từ Mỹ giúp quân đội Ukraine chiến đấu hiệu quả.

RT đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố hôm 17/10 (giờ địa phương), rằng quân đội Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ để chiến đấu trong cuộc xung đột với Nga "một cách hiệu quả".

bo-truong-tai-chinh-my-01-08334080
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: Getty Images)

Theo tính toán gần đây của Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã phê duyệt ít nhất 113 tỷ USD viện trợ cho Kiev, bao gồm hơn 40 tỷ USD hỗ trợ quân sự.

“Tôi đã đến Ukraine và tôi có thể nói rằng viện trợ kinh tế trực tiếp mà chúng tôi đang cung cấp cho họ chính là điều giúp họ có thể chiến đấu trong cuộc chiến này. Nó giúp các bệnh viện tiếp tục hoạt động, các trường học vẫn được mở cửa và hỗ trợ những người chiến đấu tuyến đầu”, bà Yellen nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post đầu tháng này, quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine Gennady Kovalenko cũng thừa nhận Ukraine “phụ thuộc 100% vào Mỹ” và viện trợ của Mỹ là "thiết yếu".

Tuy nhiên, nguồn viện trợ trong tương lai của Mỹ cho Ukraine trở nên không chắc chắn. Hiện ngày càng nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa tuyên bố phản đối việc tiêu tiền thuế của người dân Mỹ để tài trợ cho các hoạt động của Kiev.

Tháng trước, các nghị sĩ đảng Cộng hòa thậm chí còn quyết không thông qua kế hoạch tài khóa năm 2024 nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden không bỏ khoản hỗ trợ trị giá 24 tỷ USD khỏi dự luật chi tiêu. Điều này dẫn đến nguy cơ chính phủ liên bang Mỹ bị đóng cửa luôn thường trực.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby tuần trước cũng nhấn mạnh viện trợ của Mỹ dành cho Kiev không phải là "vô thời hạn". Đồng thời ông nói Washington sắp hết tiền cho Ukraine, trừ khi Quốc hội phê chuẩn nguồn tài trợ bổ sung.

Ông nói: “Về nguồn tài trợ của Ukraine, chúng tôi đang ngày càng hết cách".

Bộ trưởng Tài chính Yellen nhấn mạnh, năng lực tài chính của Washington vẫn đủ để hỗ trợ cả Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga cũng như Israel trong cuộc xung đột leo thang với Hamas.

Tuy nhiên, bà cảnh báo vẫn chưa rõ nguy cơ kinh tế tiềm ẩn từ một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường dầu mỏ và khí tự nhiên toàn cầu vốn đã biến động mạnh. Việc này đã và đang góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở một số nền kinh tế phương Tây trong năm qua.

binh-si-ukraine-01-08354892
Binh sĩ Ukraine tác chiến trong một cuộc giao tranh với quân đội Nga ở Avdiivka, tỉnh Donetsk. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Biden tìm kiếm gói viện trợ 100 tỷ USD cho Israel và Ukraine

Theo Bloomberg, Tổng thống Joe Biden được cho là có ý định đề xuất một dự luật viện trợ trị giá 100 tỷ USD, bao gồm tài trợ cho Israel, Ukraine, Đài Loan (Trung Quốc) và bảo vệ biên giới với Mexico.

Một nguồn tin giấu tên nói với Bloomberg, chi tiết của dự luật “vẫn đang được thảo luận”, lưu ý gói viện trợ sẽ dành cho toàn bộ năm tài chính 2024.

Trong khi đa số cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều ủng hộ việc gửi viện trợ quân sự cho Israel thì đảng Cộng hòa lại ít bị thuyết phục hơn về việc tăng thêm tiền cho Ukraine.

Tuần trước, ông Michael McCaul, Chủ tịch đảng Cộng hòa của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã đề xuất kết hợp viện trợ nước ngoài với dự luật an ninh biên giới, như một cách để khiến một số đồng nghiệp trong đảng của ông dễ chấp nhận hơn.

Tuy nhiên, Hạ viện cần bầu một chủ tịch mới trước khi có thể tiến hành bất kỳ dự luật nào. Điều này đã không thể thực hiện được hôm 17/10 vì ông Jim Jordan, đảng viên Cộng hòa Ohio, không có đủ phiếu bầu từ chính đảng của mình.

Trong khi đó, ông Chuck Schumer, Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện, nói với Bloomberg rằng ông kỳ vọng đề xuất của Nhà Trắng sẽ đến sớm nhất “vào cuối tuần này”.

Ông nói: “Chúng tôi muốn gói bổ sung được thông qua càng nhanh càng tốt vì nhu cầu rất lớn ở cả Israel và Ukraine”.

Theo New York Times, Israel được cho là đã yêu cầu Mỹ viện trợ "khẩn cấp" trị giá 10 tỷ USD để chống lại lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Hoa Vũ / VTC News