Thực tế hiện nay, đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của công nghệ thông tin (CNTT), chưa tìm được mô hình CNTT phù hợp với chiến lược phát triển, việc ứng dụng còn manh mún, rời rạc... Phóng viên Báo Năng lượng mới có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Tin học TP HCM và ông Nguyễn Bửu Tâm - Giám đốc Công ty CP Tin học Lạc Việt về vấn đề này.

Ông Vũ Anh Tuấn: Chậm ứng dụng CNTT là thiệt thòi lớn

PV: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, dần tiếp cận với công nghiệp 4.0, ông có thể cho biết tầm quan trọng của CNTT trong doanh nghiệp (DN) hiện nay?

Ông Vũ Anh Tuấn

Ông Vũ Anh Tuấn: Việt Nam đã và đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương. DN có rất nhiều cơ hội để có thể bán sản phẩm của mình ra nhiều nước trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, các DN nước ngoài cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn và họ đang mạnh hơn chúng ta về cả vốn, kiến thức, kinh nghiệm lẫn công nghệ. Do đó, việc ứng dụng CNTT rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp cho DN nâng cao sức cạnh tranh, nhất là khi mạng xã hội, Internet, điện toán đám mây… giúp cho DN có thể tiếp cận với người tiêu dùng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Trong tình hình đó, nếu chậm ứng dụng CNTT là thiệt thòi rất lớn cho DN.

Do đó, ứng dụng CNTT là việc DN phải làm càng nhanh càng tốt. Như với ngành bán lẻ, chúng ta đã thấy trong thời gian qua rất nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã hiện diện trên các thành phố lớn của chúng ta, chính vì vậy, các DN bán lẻ Việt Nam ngoài việc mở rộng kênh phân phối của mình, cũng cần phải quan tâm hơn đến việc ứng dụng CNTT để nâng cao sức cạnh tranh, tăng thị phần.

PV: Trong ứng dụng CNTT, theo ông, DN phải bắt đầu từ đâu?

Ông Vũ Anh Tuấn: Việc ứng dụng CNTT không khó, nhưng quan trọng là DN phải tìm ra giải pháp phù hợp với mình nhất. Ở đây không có công thức chung cho các DN, mà tùy theo tốc độ phát triển, quy mô mà DN chọn giải pháp phù hợp nhất với đặc thù riêng của mình để tận dụng và phát huy tối đa thế mạnh.

Trước mắt, chúng tôi nghĩ DN cần ứng dụng phần mềm quản trị để tối ưu hóa nguồn lực hiện có của mình, tiếp theo đó là làm sao để tăng cường marketing online, đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. Và hỗ trợ cho những việc đó là vấn đề thanh toán điện tử, giúp cho người mua thuận lợi hơn trong thanh toán.

Hiện nay, hạ tầng CNTT và viễn thông của Việt Nam được đánh giá là giá rẻ, cạnh tranh, đường truyền Internet tương đối ổn định, tạo nhiều thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận và ứng dụng CNTT.

PV: Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT ở các DN được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Anh Tuấn: Thời gian gần đây DN đã bắt đầu chủ động ứng dụng CNTT, rất nhiều DN đã có hệ thống quản lý tốt, như các chuỗi bán lẻ, siêu thị… Trong tương lai, tôi nghĩ số DN chủ động ứng dụng CNTT còn tăng lên cao hơn nữa thông qua những chương trình hỗ trợ. Rất nhiều doanh nghiệp CNTT đang tiếp cận khách hàng bằng những chương trình hỗ trợ như: Tặng miễn phí phần mềm quản lý ứng dụng, hỗ trợ những phần mềm dùng thử một thời gian, khoảng 3-6 tháng để DN làm quen, xem có phù hợp với mình hay không...

PV: Theo ông, việc ứng dụng CNTT có tốn nhiều chi phí của DN không?

Ông Vũ Anh Tuấn: Điều đó chỉ đúng trước đây thôi. Đến bây giờ, với xu hướng điện toán đám mây và đặc biệt là hoạt động cho thuê dịch vụ CNTT thì các DN đầu tư rất ít. Không giống như ngày xưa, ứng dụng CNTT theo hình thức chuyển giao bán cả gói vài trăm triệu đồng hoặc cả tỉ đồng, hiện nay DN có thể thuê dịch vụ với chi phí thấp chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng. Quan trọng là DN có quyết tâm sử dụng và tìm ra được giải pháp CNTT phù hợp nhất với mình hay không thôi.

PV: Ông có thể dẫn chứng một số DN đã ứng dụng thành công CNTT?

Ông Vũ Anh Tuấn: Bán lẻ là một ngành đã đi rất sớm trong ứng dụng CNTT, nhiều hệ thống bán lẻ lớn của nước ta như: Co.op Mart, Vinmart, Thế giới di động… đang ứng dụng CNTT thành công, tiếp cận được với người tiêu dùng hiệu quả, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, khuyến mại, giới thiệu sản phẩm mới. Bên cạnh đó, thanh toán điện tử cũng được ứng dụng rất nhiều.

Theo báo cáo từ Liên Hiệp Quốc công bố tháng 7-2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Sự phát triển Chính phủ điện tử khiến các DN bắt buộc phải thay đổi, tăng cường ứng dụng CNTT cho phù hợp.

PV: Thanh toán điện tử là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thanh toán điện tử?

Ông Vũ Anh Tuấn: Tôi nghĩ đó là thị trường rất lớn. Hiện nay, người Việt chủ yếu vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Theo thống kê, chỉ có dưới 10% người tiêu dùng thanh toán qua thẻ, tiềm năng thanh toán điện tử rất lớn. Tôi nghĩ, thanh toán thẻ sẽ tiện dụng, thuận lợi hơn, giúp cho người tiêu dùng có thể gia tăng mua bán, thanh toán qua mạng Internet.

Ứng dụng CNTT ngày càng được đẩy mạnh ở các doanh nghiệp

Thực tế hiện nay, các giải pháp của DN Việt về thanh toán điện tử rất nhiều và hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu thanh toán của người tiêu dùng chứ không phải chỉ dựa vào các phần mềm nước ngoài như nhiều năm trước. DN Việt hoàn toàn có thể đáp ứng được các khâu của thanh toán điện tử.

PV: Để thanh toán điện tử Việt Nam phát triển cần những giải pháp gì và theo ông, đâu là rào cản lớn nhất phải vượt qua?

Ông Vũ Anh Tuấn: Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là thói quen của người tiêu dùng. Hiện nay, các ngân hàng đã phát hành rất nhiều thẻ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, theo chúng tôi khảo sát, thăm dò các nhóm sử dụng thì hầu như người Việt dùng thẻ để giữ tiền là chính, vẫn rút tiền mặt để chi tiêu chứ ít khi thanh toán trực tiếp qua thẻ. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tin vào thương mại điện tử nên họ muốn đến xem, mua và trực tiếp trả tiền, đó cũng là hạn chế của thanh toán điện tử. Trong thời gian tới, những trang thương mại điện tử cũng như hoạt động mua bán trực tuyến nên tăng giá trị và uy tín của mình lên để tạo lòng tin với người tiêu dùng.

PV: Trong thời gian tới, Hội Tin học TP HCM có những giải pháp nào giúp DN đẩy nhanh quá trình ứng dụng CNTT?

Ông Vũ Anh Tuấn: Chúng tôi sẽ có nhiều buổi hội thảo để đưa những giải pháp cụ thể đến từng nhóm ngành hàng như: bất động sản, xây dựng, du lịch, nhà hàng, khách sạn, các nhà máy sản xuất... Đặc biệt, chúng tôi cũng đưa ra những giải pháp công nghệ riêng cho các nhà máy sản xuất sắt, thép, xi măng, giấy, tôn, nhựa, cao su…; các phần mềm cho bán lẻ, dịch vụ chăm sóc khách hàng… Rất nhiều giải pháp đã sẵn sàng để cung ứng, triển khai trong thời gian tới. Để DN tiếp cận với những dịch vụ này, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối DN CNTT Việt Nam có sản phẩm, giải pháp công nghệ, dịch vụ chất lượng uy tín đến cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong từng nhóm ngành hàng chuyên biệt; tạo cơ hội cho DN hợp tác, chọn lựa giải pháp ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Bửu Tâm: Doanh nghiệp phải quyết tâm đổi mới đến cùng

PV: Theo ông đâu là điều quan trọng nhất để DN thành công trong ứng dụng CNTT?

Ông Nguyễn Bửu Tâm

Ông Nguyễn Bửu Tâm: Hiện nay, các giải pháp CNTT khá đầy đủ, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của DN. Điều quan trọng là DN có chịu tiếp nhận, chịu thay đổi để tốt lên hay không. Để ứng dụng thành công CNTT đòi hỏi chủ DN phải tâm huyết, theo đuổi tới cùng. Vì khi ứng dụng CNTT thì rất nhiều thói quen thủ công của DN phải thay đổi, làm cho nhân viên cảm thấy khó chịu, đặc biệt trong quá trình triển khai ban đầu. Nếu không quyết tâm thì ứng dụng CNTT rất dễ bị thất bại.

PV:Nguồn nhân lực của các DN hiện nay có đủ để tiếp nhận các ứng dụng CNTT hay không?

Ông Nguyễn Bửu Tâm: Nguồn nhân lực để ứng dụng CNTT hiện nay tương đối tốt, thậm chí các DN có những người rất giỏi, sử dụng thành thạo các phần mềm về văn phòng, phần mềm chuyên dụng.

PV: Ông nhận xét thế nào về thực trạng ứng dụng CNTT trong các DN nước ta hiện nay?

Ông Nguyễn Bửu Tâm: Hiện nay, việc ứng dụng CNTT còn rất manh mún, rời rạc, nhỏ lẻ, thiếu chiều sâu. Ví dụ, ở một DN, bộ phận quản lý thì đầu tư phần mềm quản lý, kế toán thì đầu tư phần mềm chuyên dụng cho kế toán, phòng mua hàng đầu tư những ứng dụng liên quan đến mua hàng… Những phần mềm đó thường rời rạc với nhau, thậm chí của nhiều nhà cung cấp khác nhau, không được liên kết, liên thông, gây ra sự hạn chế trong khai thác thông tin, số liệu giữa các phòng, ban, không hỗ trợ tốt cho người quản trị DN để ra những quyết định tối ưu.

PV: Ông có lời khuyên gì cho DN trong việc triển khai ứng dụng CNTT?

Ông Nguyễn Bửu Tâm: Chúng tôi đã triển khai dịch vụ cho nhiều khách hàng, có những khách hàng triển khai thành công, cũng có những khách hàng không thành công. Với kinh nghiệm từ thực tế, tôi khuyên các DN là trước khi muốn đầu tư ứng dụng CNTT thì nên tính toán đầu tư mang tính hệ thống, có lộ trình, không nên hôm nay đầu tư cái này, sau đó quy mô lớn hơn lại bỏ đi để đầu tư cái mới, rất tốn kém, mất thời gian, công sức. Ngay từ đầu, DN nên hoạch định trước các bước đầu tư cũng như chi phí triển khai, để làm sao sau một quá trình đầu tư, DN có được một giải pháp xuyên suốt, hoàn chỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Công ty Phần mềm Mekong soft: Ứng dụng CNTT trong kinh doanh là xu hướng tất yếu để tồn tại và phát triển

Ông Nguyễn Văn Trường

Khi ứng dụng CNTT vào hoạt động, DN giải phóng được rất nhiều thời gian, công sức, quản trị doanh nghiệp chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả hơn. Một DN sau khi ứng dụng CNTT có thể mở thêm các chi nhánh mới, văn phòng mới, đồng thời giúp chủ DN quản lý nhân viên từ xa, kiểm soát tốt được mọi mặt hoạt động, để có kế hoạch phát triển đúng đắn. Trong thời đại hội nhập sâu rộng như hiện nay, nếu DN vẫn giữ cách quản lý thủ công thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do đó, việc ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh là xu hướng tất yếu để DN tồn tại và phát triển.

Từ trải nghiệm thực tế hơn 7 năm cung ứng các dịch vụ CNTT cho khách hàng tôi nhận thấy, còn nhiều rào cản trong ứng dụng CNTT ở DN. Đặc biệt, ở những DN tự thân, công ty gia đình mà người chủ không được đào tạo bài bản, không biết nhiều về CNTT, thì có tâm lý sợ, nghĩ rằng CNTT là điều gì đó lớn lao, ngoài sức của mình nên không dám tiếp cận. Cùng với đó là sự ngại thay đổi, nhiều DN hiện nay vẫn giữ thói quen ghi sổ, mặc dù lượng thông tin giao dịch và khách hàng rất lớn. Ngoài ra, nhiều chủ DN vẫn nghĩ ứng dụng CNTT chỉ có trong công việc kế toán, do đó không có ý định đầu tư ứng dụng CNTT trong các hoạt động khác, đặc biệt là trong quản trị DN.

/ Mai Phương/petrotimes.vn