Trong bối cảnh truy xuất nguồn gốc nông sản trở thành yêu cầu cấp thiết về an toàn thực phẩm và minh bạch chuỗi cung ứng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thực thi hiệu quả.
- Nhập khẩu nông sản tăng mạnh: Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ rõ lý do
- Nông sản Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh
Điển hình như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP… khuyến khích đầu tư nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ; hay Nghị định số 98/2018/NĐ-CP hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy các mô hình đảm bảo minh bạch nguồn gốc và gia tăng giá trị nông sản Việt... Những văn bản pháp quy này củng cố hành lang pháp lý, tạo đòn bẩy chiến lược giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng xanh, sạch, minh bạch, bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường toàn cầu.
Thực hiện những chính sách này, vừa qua, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá trên địa bàn thành phố, nhằm chuẩn hoá phương thức thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng một cách nhất quán trên toàn địa bàn.
Qua đó, thành phố xây dựng các tài liệu hướng dẫn về mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố và sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhằm chuẩn hóa phương thức thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng một cách nhất quán trên địa bàn. Đặc biệt là hoạt động liên kết với các tỉnh, thành trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, thuỷ sản và thực phẩm đã thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Theo TS. Vũ Quế Anh - Vụ Khoa học và công nghệ, các ngành kinh tế, kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong bối cảnh sự minh bạch, an toàn đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt là nông sản đang rất được quan tâm thì việc truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp tối ưu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
![]() |
Truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp người tiêu dùng an tâm hơn về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm mà còn nâng cao uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp trên thị trường. Việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản giúp doanh nghiệp xây dựng một hệ thống thông tin chính xác, nhanh chóng và đáng tin cậy.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã và đang chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mã số mã vạch theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Phạm Văn Quân - CEO Công ty cổ phần Công nghệ Checkee nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là chiến lược cạnh tranh trong nền kinh tế số. Truy xuất nguồn gốc chính là điểm giao giữa công nghệ và nhu cầu thị trường.
“Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thực hiện quá trình truy xuất nguồn gốc hiệu quả, bao gồm: Thu thập và phân tích dữ liệu; tự động hóa trong nông nghiệp; quản lý thông tin trong vận chuyển và lưu kho; bán hàng đa kênh; kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng; đưa sản phẩm lên cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia”, ông Quân cho biết.
Theo Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, chuyển đổi số cũng đã mở ra những cơ hội lớn cho hội viên, nông dân như giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên; tiếp cận thị trường mới; quản lý rủi ro tốt hơn; nâng cao kiến thức và kỹ năng và kết nối hữu hiệu với khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận của những doanh nghiệp, nhất là những hộ nông dân trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, cần được hỗ trợ cả về tài lực và công nghệ.
Để khắc phục tình trạng này, trước tiên các bộ, ngành cần phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật và tài liệu để hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ trang trại, cơ sở sản xuất thực hiện đúng quy trình và dán nhãn cho hàng hóa trước khi đưa ra thị trường.
Hiện nay, khi doanh nghiệp sử dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sẽ được cung cấp mã tem điện tử dạng QR Code (mã xác thực hàng hóa) và tem in điện tử, sau đó dán lên sản phẩm, hàng hóa. Người tiêu dùng tải ứng dụng truy xuất nguồn gốc hoặc sử dụng các ứng dụng zalo, viber… là có thể quét được mã tem trên sản phẩm, giúp dễ dàng tra cứu thông tin về sản phẩm qua điện thoại thông minh.
https://thoibaonganhang.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-truy-xuat-nguon-goc-nong-san-167840.html