Không chỉ hạn chế về số tài xế, công nghệ mà mức giá của các ứng dụng Việt cũng chưa thực sự hấp dẫn.
Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam hồi cuối tháng 3, các ứng dụng gọi xe đã ồ ạt ra mắt. Cũng như Mai Linh Bike, VATO ra mắt trước đó, Aber -
ứng dụng do một nhóm kỹ sư người Việt tại châu Âu phát triển vừa ra mắt cuối tuần trước đưa ra tuyên bố không tăng cước giờ cao điểm và cước sẽ rẻ hơn Grab vài trăm đồng đến 1.000 đồng.
Aber còn tuyên bố không thu chiết khấu với lái xe mà chỉ thu phí dùng từ 70.000 đến 300.000 đồng (với xe máy), 750.000 đồng đến 2 triệu mỗi tháng với ôtô.
Nhiều hãng gọi xe ra mắt sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam. Ảnh: Anh Tú.
Tuy nhiên, dù có bất kỳ cam kết nào khi ra mắt, sau một thời gian, các ứng dụng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cả người dùng lẫn tài xế.
Với tâm lý ủng hộ hàng Việt, anh Nghĩa Hiệp – một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội đặt thử xe đi sân bay Nội Bài từ phố Duy Tân qua VATO vài ngày sau khi ứng dụng này ra mắt và được tính với giá 236.000 đồng. Thế nhưng, theo anh, mức này
chỉ rẻ hơn Grab vài nghìn nhưng còn đắt hơn 40.000-60.000 đồng nếu so với các taxi chạy dịch vụ sân bay đặt trước. "Tôi còn bị nhầm khi đợi xe đến đón vì tài xế sử dụng xe Toyota Vios nhưng ứng dụng lại hiển thị là dòng xe Haima", anh Hiệp kể về một vài sự bất tiện.
Với tiềm lực hạn chế, không ít ứng dụng gọi xe đủ khả năng chạy những khuyến mại ưu đãi lớn và liên tục cho khách. Chị Thu Hương, nhân viên một ngân hàng tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng đây chính là một trong những "điểm trừ" bởi hồi
Uber, Grab mới ra mắt, hai bên luôn đua nhau tung các mã khuyến mại "khủng" để thu hút khách hàng. "Bên cạnh đó, một số ứng dụng cũng chưa có một hệ sinh thái với chính sách tích điểm và sử dụng điểm thưởng sau mỗi chuyến đi", chị Hương nói.
Công nghệ chưa thuận tiện, ổn định là hạn chế mà hầu hết các ứng dụng gọi xe Việt Nam đang gặp phải. Trên một số diễn đàn, nhiều người tiêu dùng cũng nhận định, VATO, T.net, Mai Linh Bike... chưa giải quyết tốt bài toán về công nghệ như nhiều lúc vẫn còn bị treo, định vị không chính xác.
Trên trang fanpage của Aber, một số tài xế phản ánh gặp khó khăn khi đăng ký trở thành đối tác qua ứng dụng này vì thường bị bật ra ngoài trong quá trình thao tác.
Không chỉ ở khu vực xa trung tâm, ứng dụng VATO, T.net, Mai Linh Bike cũng không có xe tại khu vực Giảng Võ khoảng 4h30 chiều 11/6. Ảnh: Anh Tú.
Bên cạnh đó, một thực tế phổ biến là các ứng dụng này đều rất ít tài xế, khiến khách hàng không có nhiều lựa chọn.
Đức Huy, sinh viên năm thứ tư Học viện Báo chí và Tuyên truyền trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, muốn ủng hộ các ứng dụng gọi xe của Việt Nam nhưng khó đặt được chuyến đi. Lý do là quanh khu Huy ở hầu như rất ít xe. "Có lần mình đặt được một chuyến xe của Mai Linh Bike thì phải đợi hơn 10 phút tài xế mới tới đón vì trước đó ở cách mình khoảng 2-3 km", Huy nói.
Không chỉ vậy, một số khách hàng phản ánh ngay cả ở những tuyến phố trung tâm, đôi khi cũng không có một tài xế nào của các hãng.
Trong khi đó, giới tài xế cũng chưa toàn tâm, toàn ý cho các hãng cung cấp dịch vụ gọi xe Việt.
Dù cơ chế đãi ngộ của Grab hiện đã giảm đi nhiều so với trước đây, nhiều tài xế vẫn chỉ đăng ký các ứng dụng mới với tâm lý thử nghiệm hay như là một phương án dự phòng.
"Tôi thường bật song song cả Grab và VATO nhưng một ngày chỉ có khoảng 2,3 cuốc khách từ VATO. Thế nên tôi vẫn xác định chạy chính Grab để đảm bảo thu nhập, trả nợ ngân hàng, trang trải các chi phí khác", anh Duy Ngọc - tài xế taxi công nghệ cho hay. Theo lái xe này, nếu một ngày doanh thu không vượt 700.000 đồng coi như chạy xe không công.
Trong khi đó, Văn Nam - một người có kinh nghiệm 2 năm chạy taxi công nghệ cho rằng chính sách không tăng giá cước vào giờ cao điểm của các ứng dụng Việt có thể thu hút khách hàng nhưng lại khiến họ gánh thêm chi phí xăng xe khi tắc đường. "Nhiều ngày vào giờ tan tầm, tôi chỉ chạy được 1 - 2 chuyến xe", tài xế này nói.
Sắp tới, thị trường trường gọi xe nước ta sẽ đón thêm nhiều doanh nghiệp mới. MVLchain - một startup của Singapore sẽ chính thức vào Việt Nam từ giữa tháng sau với chiến lược không thu hoa hồng tài xế. Công ty này đang trong đợt tuyển dụng tài xế đầu tiên. Viet - Go (đơn vị nhận chuyển giao công nghệ từ Go - Jek, đối thủ trực tiếp của Grab tại Indonesia) cũng ra mắt sản phẩm tại TP HCM trong tháng này.
Còn giới tài xế như anh Ngọc, anh Nam thì vẫn mong mỏi các ứng dụng Việt sớm tăng thêm lượng khách hàng để họ không phải phụ thuộc vào một hãng nào như hiện nay, đặc biệt khi không còn Uber trên thị trường.
Anh Tú
Grab sắp đón một loạt đối thủ xe công nghệ tại thị trường Việt Nam Go-Jek vừa tuyên bố đầu tư vào thị trường Việt Nam với số tiền hàng trăm triệu USD. Một ứng dụng thuần Việt là ABER ... |
Go-Jek chi 500 triệu USD gia nhập thị trường Việt Nam cùng 3 nước khác Hãng gọi xe đến từ Indonesia này cho hay sẽ mở rộng ra các thị trường nước ngoài, trước mắt là thị trường Việt Nam, ... |