Chiếc xích lô đậu sát mái hiên nhà ở góc giao lộ Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng (P. Tân Định, Q.1, TP.HCM). Trên xe, ông cụ nước da sậm ngồi trên đó đưa mắt nhìn ra đường.
Những ngày cuối đời của một ông già
Một chị bán hàng ở gần đó cho biết, mỗi ngày cứ sau 12 giờ ông đưa xe về ngay vị trí này để nằm nghỉ. Hôm sau ông lại đậu trước chợ Đakao hết buổi sáng. Hàng chục năm nay ông đều như thế.
| |
Chiếc xích lô trên lề giao lộ Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng. |
Những năm đầu, xích lô đông khách ông còn có được đồng ra đồng vào. Sau đó, lượng khách vơi dần, mỗi ngày ông kiếm được chừng vài ba chục. Gần đây thì không còn ai đi xe ông nữa.
Có thể do lượng xe ôm quá nhiều cộng thêm lệnh cấm xích lô làm ông mất khách. Cũng có thể nhiều người nghĩ ông đã quá già, trên 80 tuổi rồi sức đâu mà đạp xe. Thương ông, để ông chở lỡ xảy ra chuyện gì thì làm sao?
| |
Ông Lê Văn Có. |
Ông ngủ ngoài đường suốt đêm. Ông không nhà cửa, vợ con. Chỉ một mình, ông có mặt tại đây hàng chục năm nay và trở thành người quen của khu vực này. Không còn chạy xe, hàng ngày ông vẫn được bà con thương tình người cho cái bánh, cái kẹo, người cho vài chục. Có lần có người cho ông 5 gói mì. Lúc ngồi buồn ông lấy ra ăn sống chứ làm gì có bếp núc mà nấu. Nhìn ông nhai, hàm răng trệu trạo thấy rất tội nghiệp...
Chúng tôi đến bên ông. Ông nở nụ cười thân thiện. Ông vẫn ngồi trên xe. Chung quanh xe ông treo nhiều túi xách. Mui xe đã rách. Xe cũng đã cũ lắm rồi...
"Tên tôi là Lê Văn Có, sinh năm 1937. Tên là Có mà tôi chẳng có gì cả. Nhà cửa không. Vợ con không. Cả tiền bạc cũng không. Tôi chỉ có một niềm vui, là hàng ngày được ngồi ở đây xem cảnh đường phố, nhìn người qua lại. Thế thôi", ông nói với chúng tôi.
| |
Đôi chân sưng húp. |
Tôi về khu vực này đã nhiều năm nay rồi. Tôi xem nơi đây như là nhà. Bà con chung quanh đây như ruột thịt. Chúng tôi hỏi thăm ông về sức khỏe và sinh hoạt, ông duỗi đôi bàn chân rồi nói: "Anh xem đây, nó sưng húp mấy tuần rồi. Đau lắm anh ơi. Đau thì chịu đau chứ tiền đâu mua thuốc, khám bệnh. Hai ba ngày tôi mới đi tắm ở nhà vệ sinh chợ Tân Định một lần. Mỗi lần tắm và giặt khoảng 10.000đ nhưng tiện được đồng nào hay đồng nấy. Tiền bây giờ là tiền của những người hảo tâm cho nên không dám xài thoải mái. Mỗi ngày tôi chỉ ăn 1 đĩa cơm giá 15.000đ vào buổi trưa. Chiều nếu đói, ăn thêm ổ bánh mì không.
Chúng tôi vô cùng ái ngại. Tuổi xế chiều mà vẫn đơn thân. Cô độc một mình, ông lầm lũi sống không một tiếng kêu than. Vẫn vui vẫn lạc quan dù cuộc sống quẩn quanh, hiu quạnh.
Nguồn sống của người già
Tôi người ở đây chính gốc - ông bắt đầu kể. Sinh ra tại bệnh viện Từ Dũ, tôi lớn lên trong vòng tay của cha mẹ. Gia đình tôi nghèo nên tôi phải ra đời rất sớm. Tôi vào làm bốc xếp tại cảng Nhà Rồng (lúc này còn trong tay người Pháp).
Quá khứ trôi qua đã lâu, tuổi tôi đã cao nên trí nhớ không còn minh mẫn nữa. Vì thế, tôi không thể nói chính xác từng năm mà chỉ kể cho anh nghe từng sự kiện. Ông trải lòng với chúng tôi.
Làm bốc xếp được nhiều năm tôi lớn dần và nghĩ đến chuyện lập gia đình. Bà xã tôi, cũng là người TP.HCM. Bà ở quận 4, bán hàng tại chợ Xóm Chiếu. Tôi gặp bà rồi gá nghĩa sống với nhau.
3 trai 2 gái, những đưá con tôi lần lượt ra đời. Vợ chồng phải làm việc cật lực mới nuôi nổi. Cho đến khi đứa con gái út được vài tuổi, vợ tôi chịu không nổi cảnh khổ đã bỏ nhà ra đi tìm duyên mới.
| |
Niềm vui, dòng xe trên đường. |
Tôi nghỉ làm bốc xếp đi học lái xe rồi làm cho một hãng vận tải chuyên chở hàng đi các tỉnh miền Trung. Làm tài xế đường dài, lương khá hơn đủ gởi về cho ông bà nội nuôi các con. Những chuyến xe xuôi ngược đã giúp tôi yên tâm ngồi sau tay lái...
Tôi còn nhớ năm ấy tôi lái xe cho ông Đào Văn Kiểng ở Đà Lạt. Ông Kiểng giao cho tôi chở 8 tấn gạo khi đến Bàu Cá (Long Khánh) thì bị tạm giữ. Ở tù khoảng 3 - 4 tháng tôi được thả ra cùng chiếc xe. Tôi đem xe về giao lại cho chủ rồi xin làm chỗ khác.
Tôi lái thuê cho bà Chín Phòng ở Phan Rang. Sau 2 chuyến hàng trót lọt, đến chuyến thứ 3 với 10 tấn muối đi từ Cà Ná lên Bảo Lộc. Khi đến Miếu Ba Cô, trời tối tôi dừng xe lại. Anh phụ xe ra ngoài một lát thì có người đến yêu cầu xuống hàng. Đang lay hoay thì cảnh sát lại ập đến. Lần này thì tôi bị nhốt đến năm 1975, khi miền Nam giải phóng tôi được thả ra. Sau này tôi mới biết, những chủ xe tôi lái thuê đều làm cho cách mạng.
Những đứa con tôi lớn lên rồi tự chúng tìm phương cách sống. Nay đứa ở Bình Dương, đứa về Tây Ninh. Có một đứa hiện làm bò viên bỏ mối cho các quán ở Hóc Môn. Buồn nhất là đứa gái út, nó tự tử chết chỉ vì tình duyên không thành.
Tôi không còn lái xe và chuyển sang nghề xích lô từ dạo ấy. Lúc đầu kiếm ăn được lắm nhưng dần dần đến hôm nay thì kiệt quệ. Một mình tôi, sống trên chiếc xe này không phiền hà con cháu, không vướng bận người thân. Được bảo bọc bởi tình thương của những tấm lòng vàng, tôi cố gắng sống nốt những ngày còn lại.
Tôi chào từ giã ông. Ông giữ tay tôi lại và nói, anh viết sao thì viết đừng để người ta đưa tôi vào viện dưỡng lão nhé. Ở đây có thiếu thốn nhưng bù lại được nhìn người và xe cộ qua lại, tôi vui lắm...
Tôi hứa cho ông vui lòng. Ngoài đường dòng xe vẫn hối hả tiếp nối nhau. Chỉ vậy thôi mà lại là nguồn sống của một người già hay sao?
Trần Chánh Nghĩa
Cuộc sống nông dân giữa nơi xa hoa mới của Sài Gòn Ông Hơn lội xuống dòng kênh ngập quá đầu để bắt con cá rô cho bữa ăn chiều. Người nông dân này là một trong ... |
Những cặp đôi chung tình của showbiz Việt (Showbiz Việt không phải chỉ có bê bối tình ái với những chuyện ngoại tình, lăng nhăng. Nhiều cặp đôi nổi tiếng vẫn bên nhau ... |
Bộ tranh về cuộc sống khiến người xem suy ngẫm Hoạ sĩ Davide Bonazzi đưa vào tác phẩm của mình những điều thường xảy ra hàng ngày, cùng triết lý sâu sắc về cuộc sống. |