Tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik mà Nga sử dụng trong đòn tập kích vào tỉnh Dnipro miền Trung Ukraine có tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh và mang theo nhiều đầu đạn.
- Những tín hiệu leo thang nguy hiểm từ xung đột Nga - Ukraine
- Ukraine cáo buộc Nga tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
- Ông Zelensky: Nga sử dụng tên lửa mới có 'đặc điểm của ICBM'
Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/11 xác nhận Nga đã lần đầu tiên sử dụng một tên lửa đạn đạo tầm trung mang tên Oreshnik tấn công Nhà máy chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash), một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn nhất Ukraine đặt tại thành phố miền Trung Dnipro.
Mặc dù Ukraine trước đó tin rằng, quả đạn đánh xuống Dnipro là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, tức loại tên lửa có tầm bắn xa hơn 5.500km, nhưng các quan chức phương Tây sau đó đều loại trừ khả năng này, mô tả tên lửa mà Nga sử dụng đạt tầm bắn nằm trong khoảng 500-5500km.
Trong tuyên bố, ông Putin xác nhận tên lửa đạt vận tốc lên đến 3km mỗi giây, tương đương Mach 10, tức gấp 10 lần vận tốc âm thanh. Yếu tố này đảm bảo nó vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có ở Ukraine cũng như trên thế giới.
Nga là quốc gia sở hữu năng lực tên lửa hàng đầu. Theo RiaNovosti, Nga sở hữu một số loại tên lửa có khả năng đạt tầm bắn trung bình, bao gồm tên lửa đạn đạo RS-26 Rubesh, mẫu tên lửa mà Mỹ và Ukraine cho là đã được sử dụng để phát triển Oreshnik.
Phân tích video ghi lại khoảnh khắc vụ tập kích ở Dnipro, RiaNovosti phát hiện 6 vệt sáng của vật thể đánh xuống mặt đất ở vận tốc rất lớn, cho thấy tên lửa Oreshnik có khả năng mang theo ít nhất 6 đầu đạn tấn công độc lập bên trong đầu đạn lớn.
Các tên lửa đạn đạo tiên tiến của Nga, nhất là các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, đều có khả năng mang theo nhiều đầu đạn tấn công, được gọi là thiết bị hồi quyển độc lập (MIRV). Mỗi MIRV có thể mang khối nổ thông thường hoặc khối nổ hạt nhân để tấn công các mục tiêu khác nhau.
Cũng theo RiaNovosti, các đầu đạn từ Oreshnik sau khi đánh xuống mặt đất ở Dnipro không gây ra các vụ nổ lớn. Có hai khả năng cho tình huống này. Một là đầu đạn được sử dụng là loại đạn rỗng, không mang khối nổ, nhằm mục tiêu thử nghiệm và răn đe. Khi bắn trúng, động năng của chúng sẽ phá hủy các mục tiêu mặt đất ở quy mô vừa phải.
Trường hợp thứ hai, đầu đạn được sử dụng là loại xuyên ngầm. Nó không gây nổ lớn trên mặt đất, nhưng phá hủy các hệ thống đường hầm ngầm bên trong nhà máy Yuzhmash – một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn và quan trọng nhất của Ukraine.
Trên tờ RG của Nga, chuyên gia quân sự nổi tiếng người Nga Alexey Leonkov mô tả Oreshnik là thế hệ tên lửa tầm trung thứ hai của Nga, sau thế hệ tên lửa đạn đạo di động mặt đất tầm trung RSD-10 Pioneer do Liên Xô chế tạo vào cuối những năm 1970. RSD-10 có tầm bắn 5000km, đủ khả năng mang theo 3 MIRV trang bị đầu đạn hạt nhân với sức công phá 150 kiloton.
RSD-10 Pioneer là một trong những yếu tố thúc đẩy Mỹ ký Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Liên Xô năm 1987, cấm hai bên phát triển và triển khai các loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Sau khi tham gia INF, Liên Xô đã loại biên RSD-10 Pioneer. Tuy nhiên, INF đã sụp đổ năm 2019 vì Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Chuyên gia Leonkov đánh giá, Oreshnik không thể bị đánh chặn vì nó "không thể nhìn thấy trên radar của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Mỹ".