Với dân nhậu, vui cũng uống bia, rượu, buồn cũng uống rượu, bia, hoặc có thể uống bia bia - rượu rượu vì bất cứ lý do gì. Dân nhậu uống cho... vui miệng, còn gánh nặng sau mỗi cuộc vui thì đè nặng lên vai những người thân trong gia đình, nhất là phụ nữ, trẻ em.

va vat trong men say

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đang chăm sóc cho bệnh nhân bị bệnh về gan do uống rượu

Rượu uống tính bằng thùng phi

Tại khoa Cai nghiện (BV Tâm thần TƯ I), anh Nguyễn Văn T. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) luôn thu mình vào 1 góc. Theo điều dưỡng, bệnh nhân mới vào đây được hơn 1 tuần. Ngoài nghiện rượu, anh Tuyến còn bị suy thận, suy gan, xơ gan.

Năm nay anh T. mới 48 tuổi, nhưng già như người 60 tuổi, gương mặt nhăn nheo, dáng xiêu vẹo như cây sậy, cũng bởi anh cao trên 1,7m nhưng chỉ nặng 40kg. Mỗi khi di chuyển, anh phải dựa vào tường, một lúc mới đứng vững được.

Anh bảo, đến với rượu cũng bất ngờ. Năm 20 tuổi, anh lên vùng cao biên giới Bát Xát (Lào Cai) làm việc. Khí hậu lạnh, lại xa nhà, mấy anh em chỉ biết rủ nhau uống rượu. Năm 1986, anh về Hà Nội và được nhân vào làm việc tại công ty in lớn. Anh càng phải giao lưu nhiều hơn, lại sẵn tiền nên những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng liên tục diễn ra.

Được vài năm, thấy anh trễ nải công việc, công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động. Buồn chán, anh càng đến với rượu. Ban đầu, anh uống rượu còn có mồi nhậu, nhưng dần dần chỉ uống suông, 1 trái xoài, trái cóc hay quả khế là thành bữa nhậu. “Hôm nào tôi cũng về nhà trong tình trạng say khướt. Ngày nào không có rượu, tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm - anh T. kể lại - suốt hàng chục năm, trung bình mỗi ngày tôi uống hết 2 lít rượu...”

Uống nhiều rượu, lại đi về một mình, nên những tai nạn với anh không phải là hiếm. Trong 1 buổi nhậu sinh nhật con người bạn, anh được gia chủ sếp vào mâm “đinh” với toàn các “cao thủ” uống rượu. Chủ nhà có câu nhờ tiếp khách hộ, anh ngồi xuống mâm “châm rượu” mời khách. Mâm cơm rôm rả vì mọi người cùng cạ với nhau. Hết người này mời lại đến người kia, nâng xong chai này lại lấy chai khác. Đứng dậy, anh vẫn cứng cựa bảo “tôi chưa say”. Thấy anh đứng vững, đi chưa có biểu hiện xiêu vẹo nên mọi người tin. Khi anh nổ máy, rượu mới ngấm. Đoạn đường toàn đá dăm mới rải, tay lái loạng choạng, xe trượt bánh làm anh ngã sõng xoài xuống đường. Đúng lúc chiếc xe máy khác từ phía sau lao tới, đè vào chân. Sau vụ đó, anh phải vào viện 1 tháng.

Vợ chồng anh có 1 người con. Thế nhưng, anh chưa từng đưa đồng nào cho vợ. Làm được đồng nào, anh nướng hết vào rượu. Cũng vì thế, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông vào chiếc máy khâu của vợ. Vợ anh kỳ cạch làm việc suốt ngày đêm, chắt chiu dành dụm từng đồng. Anh tâm sự: “Nhiều đêm tỉnh rượu, nghe tiếng máy khâu chạy tành tạch, thấy cô ấy vẫn miệt mài làm việc, tôi thương lắm”.

Nghe theo lời khuyên của vợ, năm 2008 anh đến nhà 1 bác sĩ đông y, công tác tại BV 103 nhờ cai rượu. Bác sĩ đã kết hợp điều trị cắt cơn và các phương pháp trị liệu khác nên sau 6 tháng, anh đã cắt cơn nghiện. Tuy nhiên, về nhà được 1 tuần, anh lại gặp bạn bè, người quen, rồi anh lại tái nghiện.

Không muốn chồng tiếp tục lún sâu vào rượu, chị tìm cách dứt anh khỏi rượu. Bao nhiêu rượu trong nhà, chị lén đổ hết xuống cống. Đến lúc uống, anh thấy bình rượu trống trơn, bực lắm, nhưng cố kìm nén không đánh vợ. Có hôm, thấy vợ đang đổ cả bình rượu ngâm xuống đường, anh chạy lại lấy tay vục xuống đất “vét rượu”, đưa vào miệng. Không uống ở nhà, anh lại ra quán. Anh rất hợp gu với lão chủ quán, nên có hôm được miễn phí tiền rượu. Những ngày sau đó, anh tiếp tục tràn trong men say.

Sau suốt nhiều năm chìm ngập trong rượu, gan của anh đã hoàn toàn bị tàn phá, buộc lòng gia đình phải đưa anh tới BV Tâm thần TƯ I điều trị.

Nặng chữ tình

Hơn 18h, trong phòng điều trị ở BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, 2 mẹ con chị Vũ Thị Huệ (Văn Chấn, Yên Bái) đang ăn cơm chiều. Trong nháy mắt, 2 suất cơm hộp đã hết veo, bên cạnh là 1 cơm còn nguyên, được bọc trong chiếc túi nilon, vẫn còn hơi ấm. Chị Huệ cho biết, đó là phần cơm dành cho chồng, đang điều trị ung thư gan tại BV. Chị chỉ vào người đàn ông đang nằm trên giường bệnh, dáng người nhỏ bé, gầy gò, những đường gân hằn lên xanh lét, đầu tóc rối bù, đôi mắt thâm quầng, hốc hác, duy chỉ có phần bụng là to. Chị bảo, anh nhập viện đã được hơn 1 tuần. Hai hôm nay, chị đưa con xuống thăm, cũng là để các cháu gần gũi cha những ngày cuối.

Trước khi đến với nhau, anh, chị là người cùng làng và nảy sinh tình cảm. Gia đình 2 bên biết chuyện cũng vun vén cho đôi trẻ, đám cưới được tổ chức, 2 đứa con lần lượt ra đời. Thế nhưng, do việc đầu tư trồng quế thua lỗ, chán nản, chồng chị sa vào rượu chè. Anh thường ngật ngưỡng về nhà khi người đầy mùi rượu. Rượu vào, lời ra, ban đầu là những lời mắng, chửi, vài câu mạt sát, rồi đôi ba cái bạt tai vì những lý do vô cớ. Nhưng càng về sau, những trận đòn càng dày đặc và tàn nhẫn hơn. Những lúc ấy, chị lại chạy loạn quanh xóm để né tránh đòn roi của chồng. Ấy vậy, nhưng chị vẫn cố chịu đựng, không một lời than trách.

Cách đây mấy tháng, chồng chị bị đầy bụng khó tiêu, sút cân, mệt mỏi vô cớ, hay bị sốt. Chị đưa đi khám mới hay bị ung thư gan. Các bác sĩ cho biết, có thể nguyên nhân là do anh lạm dụng quá nhiều bia rượu.

Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Để chạy chữa, thuốc thang cho chồng và duy trì cuộc sống, chị phải đi vay tiền ngân hàng để nuôi lợn, gà mong có thêm thu nhập. Thế nhưng, nuôi lợn thì bị dịch, giá lại rẻ, chị phải đi vay ngoài với lãi suất cao. Nhiều lúc nhìn chồng quằn quại vì đau, chị ngồi xoa bóp cho anh mà nước mắt nhạt nhòa, trách mình bất lực.

Chồng bệnh, suốt ngày nằm nhà nên hay cáu gắt. Dù là việc nhỏ nhưng không vừa ý cũng nổi khùng, mắng vợ. Chị không dám để bất cứ đồ vật gì cạnh chồng vì sợ ném hỏng. Nhiều đêm, chị tủi thân khóc thầm vì bạn bè ai cũng có chồng khỏe mạnh, là trụ cột trong gia đình, còn mình thì “phận mỏng”. Nhưng khi nước mắt đã khô, chị lại lao vào cuộc mưu sinh vì gia đình. Gần đây, khi bệnh của chồng bước vào giai đoạn toàn phát, gia đình đưa xuống BV Bệnh Nhiệt đới TƯ điều trị.

Sự vất vả và lo toan khiến chị già hơn nhiều so với tuổi 33 của mình. Nhiều đêm nằm viện trông chồng, nước mắt giàn giụa, chị nghĩ quẩn tính chuyện quyên sinh. Nhưng rồi nhìn chồng còn đó, 2 con còn thơ dại lại không đành lòng, vì thế, chị tập trung tất cả để chăm lo cho chồng, con...

60 bệnh do rượu

Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2017, sản lượng sản xuất của ngành bia trong nước đạt khoảng 3,988 tỉ lít, tăng 10% so với 2016, dự kiến sẽ tăng lên 4,6 tỉ lít bia vào 2025. Như vậy, Việt Nam là 1 trong 10 nước tiêu thụ rượu, bia lớn nhất thế giới.

Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, rượu là nguyên nhân của 32% số vụ đánh nhau, 18% các vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh như gan, dạ dày, tim mạch. Còn theo đánh giá của Viện sức khỏe tâm thần TƯ, tỉ lệ bệnh nhân phải điều trị tâm thần do rượu chiếm khoảng 6%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ)- cho biết, mỗi tháng, có gần 300 bệnh nhân đến khám bệnh về gan do rượu. Riêng Khoa Viêm gan, mỗi tháng cũng có từ 70-90 bệnh nhân điều trị dài hạn.

Cũng theo bác sĩ Cấp, uống nhiều rượu, bia rất nguy hiểm. Khi rượu vào cơ thể, sau 30 phút sẽ đạt nồng độ cao nhất trong máu. Hơn 90% rượu sẽ được oxy hóa ở gan, phần còn lại được thải qua phổi và thận. Các biến chứng gan do rượu là xơ gan, dẫn đến suy gan - thận, hoặc nôn ra máu, hoặc thành khối u. Nếu người nghiện rượu vẫn tiếp tục uống rượu khi gan đã bị thương tổn sẽ nhanh chóng gây tử vong.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để hạn chế ngộ độc rượu, cơ quan chức năng và ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu an toàn. Đồng thời, tăng cường sự kiểm tra của các cơ quan quản lý ở TƯ và địa phương nhằm ngăn ngừa tình trạng rượu không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, củng cố hệ thống giám sát và phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu; đầu tư nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của rượu. Ngoài ra, các ban, ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp giám sát cộng đồng đối với sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.
va vat trong men say Cứu sống bệnh nhân nghiện rượu gặp biến chứng sau khi bị viêm tụy cấp

Bệnh nhân nam 56 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có tiền sử uống nhiều rượu, từng được điều trị viêm tụy cấp hoại tử, ...

va vat trong men say Một bợm nhậu tử vong do uống cồn y tế thay rượu

Nghiện rượu, người đàn ông Thanh Hóa mua cồn ở hiệu thuốc về uống, sau đó nhập viện do hôn mê, não phù.

/ https://laodong.vn