Trong những năm gần đây, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đã nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Một tiết học của cô trò trường THCS Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Kim Chiến)
Nếu làm đúng, dạy thêm, học thêm là chính đáng
Khi xã hội phát triển, nhu cầu học tập của con em nhân dân ngày càng cao, vì thế, ngoài buổi học chính khóa, phụ huynh có nhu cầu tổ chức cho con em mình được học thêm buổi để củng cố, nâng cao kiến thức như một nhu cầu tất yếu. Đặc biệt là học sinh cuối cấp, chuẩn bị cho những kỳ thi tuyển sinh.
Dạy thêm, học thêm được các nhà trường tổ chức theo quy định của UBND tỉnh, thành phố, của Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Số buổi được tổ chức theo đúng quy định của từng địa phương.
Công tác dạy thêm, học thêm nếu được tổ chức đúng theo quy định sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực đối với người dạy và người học. Đối với đội ngũ giáo viên, đây sẽ là cơ hội để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Bởi lẽ, khi dạy những lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, giáo viên phải đầu tư chuyên sâu với những chuyên đề để dạy cho học sinh. Vì thế, đây là dịp để các thầy cô giáo trau dồi kiến thức nghiệp vụ và tăng thu nhập chính đáng.
Đối với học sinh, ngoài buổi học chính khóa, tham gia các lớp học thêm, các em sẽ có cơ hội để củng cố, nâng cao kiến thức. Từ đó, các em sẽ được ôn tập theo một hệ thống chuyên đề chuyên sâu để chuẩn bị những tri thức cần thiết cho các kỳ thi.
Nếu được tổ chức một cách khoa học, hài hòa giữa học chính khóa và học thêm, tuân thủ quy định tại các nhà trường thì việc dạy thêm, học thêm luôn là việc làm, là nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh.
Dạy thêm, học thêm tràn lan diễn ra chủ yếu ở thành thị
Bên cạnh những cơ sở tuân thủ quy định về việc dạy thêm, học thêm thì trong những năm gần đây, ở hầu khắp các địa phương, nhất là ở các khu trung tâm, thành phố, việc tổ chức dạy, học thêm ngoài nhà trường diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là một bộ phận giáo viên đã tự tổ chức dạy tại nhà, mở các trung tâm dạy thêm không theo quy định dẫn đến hiện tượng dạy thêm diễn ra tràn lan.
Đã có nhiều việc làm, nhiều hiện tượng xấu liên quan đến dạy thêm, học thêm. Cụ thể như, giáo viên dạy trên lớp một cách “cầm chừng” bài học để sau buổi học, sẽ dạy sâu, dạy kỹ tại buổi dạy thêm vẫn cho lớp học sinh ấy tại nhà mình. Có giáo viên đưa ra “chiêu bài” cho học sinh điểm cao trên lớp nếu em học sinh đó theo học lớp học thêm do mình tổ chức và ngược lại…
Nhiều nhóm học thêm được các thầy cô giáo tổ chức, mỗi nhóm có từ 3-4 em, góp từ 70-100 ngàn đồng/học sinh để thầy cô dạy hai tiếng/buổi, địa điểm ngay tại nhà thầy cô, hoặc có khi mượn nhà văn hóa để tổ chức...
Trước thực trạng nhức nhối trên, các địa phương cũng đã vào cuộc để chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng này nhưng dường như vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm. Hiện tượng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vẫn diễn ra.
Nếu nhìn nhận trên diện tổng thể sẽ nhận thấy, việc tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan diễn ra chủ yếu ở các thành phố, thị xã, tức những vùng miền có điều kiện, đời sống tốt hơn. Và nạn dạy thêm, học thêm cũng có nguyên nhân có chủ ý từ một bộ phận giáo viên của các nhà trường. Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ, tạo hình ảnh xấu tới toàn thể đội ngũ giáo viên và các nhà trường nói chung.
Trên thực tế, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc đưa học sinh đến trường, tổ chức được cho các em học thêm tại trường đã là một việc khó rồi thì nói gì việc các em có nhu cầu học thêm tại nhà thầy cô hay nhà của mình. Hơn nữa, điều kiện của học sinh những vùng này không thể học thêm được như các bạn ở thành phố.
Trách nhiệm của phụ huynh học sinh
Đa số phụ huynh khi đưa con đến trường đều có nhu cầu các nhà trường tổ chức dạy thêm để con em mình được củng cố, nâng cao kiến thức. Đó là nhu cầu hết sức chính đáng, và tuân theo một quy luật “có cầu ắt có cung”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một bộ phận phụ huynh đã ỷ thế và có tư tưởng phó mặc vào việc học thêm của con em mình để giải quyết các công việc khác. Cụ thể là nhiều phụ huynh học sinh mải mê công việc làm ăn, kinh doanh cả ngày nên tuy con em mình học không giỏi vẫn có nhu cầu đưa con đến nhà thầy cô để học thêm với mong muốn ngoài học thêm, thầy cô còn trông con giúp mình, bỏ một khoản tiền cũng chẳng thấm vào đâu. Chính vì nhu cầu đó nên ở các thành phố lớn, vào những ngày hè, trẻ em ít có cơ hội được nghỉ ngơi, vui chơi hay trải nghiệm, thay vào đó là ngay từ sáng sớm đến tối các em phải “vùi đầu vào việc hoc”...
Nhiều phụ huynh học sinh chưa xác định được mục đích của việc học thêm nên cứ theo trào lưu, thuê thầy cô giỏi dạy thêm cho con em mình mà không biết học thêm để làm gì, học như thế nào cho hiệu quả.
Giá như mỗi gia đình xác định được việc học thêm của con em mình ở thời điểm nào, mức độ nào, ở đâu cho hiệu quả thì có lẽ sẽ góp phần giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Từ những phân tích trên, để việc tổ chức dạy thêm, học thêm hiệu quả, đúng mục đích, các địa phương cần tổ chức theo đúng quy định của pháp luật và chú trọng đến chất lượng. Cần kiểm tra và cấp phép dạy thêm cho các nhà trường, các trung tâm theo quy định./.
Sao thầy thuốc được mở phòng mạch còn thầy giáo dạy thêm lại coi là vi phạm? Cùng là thầy, sao thầy thuốc được mở phòng mạch còn thầy giáo dạy thêm lại bị coi là vi phạm? – câu hỏi trăn trở ... |
Thầy giáo dạy ngoại ngữ ở Hà Nội: Ép con học thêm tiếng Anh sớm là phí tiền! Thầy Thái Bá Tân đã thẳng thắn rằng: Cho con học tiếng Anh quá sớm là tốn tiền, không hiệu quả. |
Dạy trước chương trình: Tưởng là đón đầu hóa ra tụt hậu! Nhà giáo Tùng Sơn gửi tới VietNamNet bài viết nhằm làm rõ vấn đề tại sao những giáo viên có lớp dạy thêm vẫn dạy trước ... |
(http://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/vai-suy-nghi-ve-day-them-hoc-them-454416.html)