Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Để chuyển đổi số thành công, bên cạnh sự cố gắng, quyết tâm của các doanh nghiệp, vẫn rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước.
- Bất thường trong đấu thầu tại Công ty Điện lực Lạng Sơn
- Hình ảnh cột điện không lõi gãy ngang trong bão số 5: Điện lực nói gì?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022
Thành công bước đầu
Là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh với dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Hiện tại, Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp; khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều doanh nghiệp đã có những sáng kiến, giải pháp, công nghệ hữu ích áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số ở Việt Nam. Tiêu biểu là Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty TNHH Sản xuất hàng
tiêu dùng Bình Tiên… đã có định hướng trong việc xây dựng nhà máy thông minh, quản lý chuỗi cung ứng thông minh và các sản phẩm, dịch vụ thông minh; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Daiichi Việt Nam, Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông... đã triển khai đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa sản xuất, đổi mới mô hình quản trị, kinh doanh tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế số; Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam… đã có sản phẩm số thông minh, giải pháp công nghệ số xuất sắc được ứng dụng trong công nghiệp 4.0.
Là doanh nghiệp được vinh danh “Top công nghiệp 4.0 Việt Nam” (I4.0 Awards) lần thứ nhất, năm 2022, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, thời gian qua, EVN đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập đoàn quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Trong đó, tự động hóa quy trình sản xuất sẽ thúc đẩy và mang lại hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống điện liên tục, an toàn, ổn định để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, thì quá trình chuyển đổi số ở nước ta còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho hay, tuy đã có chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, song những văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện còn thiếu rất nhiều. Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rồi do các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn và đặc biệt là trình độ công nghệ của các doanh nghiệp đang ở mức rất khiêm tốn. Việt Nam cũng khó khăn trong việc tạo ra thị trường cho công nghệ số, cho những sản phẩm công nghệ số cũng như còn thiếu nhiều nền tảng công nghệ số quan trọng.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 97% số lượng doanh nghiệp, nhưng là nhóm gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số nhất. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 11-2021 cho thấy, 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, in 3D. Mặc dù đã có những nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số, song do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa còn chưa cao, nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó áp dụng chuyển đổi số. Việc này đã hạn chế đáng kể sự phát triển của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ mới thông qua nhiều chương trình quốc gia, như: Dự án FIRST, Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình công nghệ cao… Việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về internet vạn vật (IoT Innovation Hub)… cũng là nỗ lực, nhằm hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài. Để các doanh nghiệp tiếp nhận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần có các cơ chế, chính sách cũng như hạ tầng thông tin, hạ tầng truyền thông, hạ tầng năng lượng… phù hợp; cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt. Yếu tố vô cùng quan trọng là vấn đề về nhận thức, về mô hình quản lý. “Các doanh nghiệp cần phải chọn lĩnh vực và công nghệ phù hợp cũng như chọn bước đi thích hợp trong 4 giai đoạn: Tiếp thu - Làm chủ - Thay đổi - Sáng tạo (công nghệ) để có hướng đi bền vững”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.