Nằm cách thành phố Huế 10km, nơi hạ nguồn phần hợp lưu giữa sông Hương và sông Bồ, xóm vạn chài Thuỷ Phú (xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã hình thành cách đây hơn nửa thế kỉ. Mỗi gia đình bảy, tám con người sinh ra và lớn lên trên những còn đò chật hẹp, sống lênh đênh với rác thải, bệnh tật. Giờ đây, họ chỉ có một ước mong là có miếng đất cắm dùi trên bờ, để những đứa trẻ vạn đò có cuộc sống... “ra con người” hơn.
Nước sông rịn vào cơm áo
Huế những ngày giá rét, gió lạnh cắt da, cắt thịt thổi cả khúc sông, những tấm bạt bằng ni lông quây kín những kẽ hở trên con đò để chắn gió bay phất phơ khiến xóm vạn đò Thuỷ Phú đượm vẻ đìu hiu. Hơn nửa thế kỷ trước, những người vạn chài trên phá Tam Giang dọc theo con nước đã tập hợp về đây để hình thành nên xóm vạn đò Thuỷ Phú, tổng cộng 24 hộ với 120 nhân khẩu.
Trời về chiều, người lớn và trẻ con ngồi trong những chiếc ghe nhìn ra ngoài trời, không khí ảm đạm, mùi xú uế, rác thải bốc lên khiến không khí thêm ngột ngạt. Thấy có người lạ, những đứa trẻ dáo dác nhìn trước, ngó sau, tỏ ra ngạc nhiên rồi chạy lui sâu vào trong ghe, cuộn mình trong chiếc chăn mỏng manh. Ở góc khác, nhóm thanh niên ngồi túm tụm trên chiếc ghe nhỏ, đang chuyện trò rôm rả và chuyền tay nhau chiếc ly, dường như họ đang nhậu để xua đi cái lạnh chiều đông. “Trời lạnh, chưa đi làm cá được nên chúng nó đem rượu ra uống”- một người dân giải thích khi tôi ngước mắt nhìn về phía nhóm thanh niên.
“Nước sông rịn vào cơm áo” là câu ví von của người dân vạn đò Thuỷ Phú. Những phận người sống dựa vào tôm cá trên sông, họ ăn uống, tắm gội, giặt giũ nhờ vào nguồn nước sông đục ngầu và đầy rác thải trôi dạt. Từ đời cha ông đến con cháu, suốt đời sấp mặt với sông nước, rồi họ lớn lên và lấy nhau, lại sống lênh đênh trên đò như một định mệnh.
Anh Lê Toan (40 tuổi) nói như mếu: “Sông nước bốn mặt nhưng cái thiếu nhất của dân vạn đò lại là nước. Nước sạch nhà tui mua chỉ dùng tiết kiệm, chủ yếu nấu thức ăn. Tắm rửa, giặt giũ đều dùng nước sông”. Gia đình anh Toan 5 nhân khẩu, sống trên con đò rộng chừng 10 mét vuông, mọi sinh hoạt bó gọn trong một khoảng không gian tối tăm, nhỏ hẹp. Gian giữa là nơi đặt bếp, cũng là nơi ăn chốn ngủ. Những đứa con anh Toan hầu như không có góc học tập. Màn đêm buông xuống, khi người ta đã rúc vào chăn ấm thì những người vạn đò mới bắt đầu công việc của mình, họ lên những chiếc thuyền máy chạy về phá Tam Giang đánh cá, đầm mình dưới dòng nước lạnh đến sáng sớm hôm sau mới nghỉ. Cả đêm quần quật trên phá, trời thương thì được chút lộc đem ra chợ đổi gạo còn không thì được mớ cá nhỏ chỉ đủ cải thiện bữa ăn.
“Tôi chỉ mong cho mấy đứa con ăn học đàng hoàng, may ra sau này nó làm ăn khá khẩm, để không phải theo cái nghề sông nước cực khổ”- vừa nhấp ngụm trà, anh Toan vừa nói về giấc mơ. Tuy nhiên, kinh tế gia đình khó khăn buộc đứa con gái đầu của anh đang học lớp 10 phải nghỉ học, vào Sài Gòn kiếm sống. Đứa con gái sau học tới lớp 8 cũng xin ba mẹ cho nghỉ học với lí do mà em ghi trong nhật kí: “Mình ước mơ được làm cô giáo. Nhưng gia đình quá nghèo, mình phải đi làm cho mấy đứa em sau được đi học”. Đêm xuống, khi không đi giăng lưới được, anh chị lại lật giở những dòng nhật kí mà con viết để đọc, những câu chữ, những ước mơ của con cứ ám ảnh cả 2 vợ chồng. Thương nhớ đứt ruột đứa con ở phương nam xa xôi, biết được giấc mơ của đứa con, anh chị nhiều lúc cũng muốn kêu con về, nối lại giấc mơ cho con, nhưng rồi nghĩ đến gia cảnh, anh chị lại đành dập tắt ý định đó. Cố kìm nén những giọt nước mắt vào trong, anh chị cũng chẳng biết than thở với ai vì cả xóm vạn chài này, ai cũng như nhau. Mỗi người một số phận.
Cũng giống như hoàn cảnh gia đình anh Toan, trong 24 hộ vạn đò ở Thuỷ Phú, không có ai học lên tới được bậc đại học, cao đẳng. Đa số đều nghỉ học từ cấp 2 để theo nghề sông nước hoặc vào phương nam kiếm sống. Kiếp vạn chài ăn sông, ngủ đò cứ vin lấy họ từ đời này qua đời khác, nhiều người muốn buông ra nhưng nghĩ lại không biết đi đâu về đâu nên lại bám lấy nó như định mệnh đã an bài.
24 hộ sống quây quần trên một đoạn sông, chật chội khiến cuộc sống, không khí bức bí. Rác thải được lùa xuống sông, nước không chảy, rác đọng lại nổi lềnh bềnh cả đoạn sông, ô nhiễm. Biết là ô nhiễm nhưng rồi chả biết làm sao, những hộ dân ở đây đành sống chung với ô nhiễm.
Mơ có miếng đất cắm dùi
Xóm vạn chài Thủy Phú nằm khuất sau một loạt nhà kiên cố, nếu không để ý thì khó ai có thể nhận ra. Ở một khúc sông, ranh giới giữa xóm vạn chài và những căn nhà kiên cố chỉ cách nhau vài bước chân. Dưới sông là những chiếc đò tuềnh toàng, dập dềnh theo sóng nước, và cạnh đó là những ngôi nhà kiên cố, chễm chệ trên cạn, che mất mặt tiền của xóm vạn chài. Hôm tôi đến, một người dân hỏi câu đầy hoài nghi: “Răng biết chúng tôi sống sau ni mà tìm tới”. Chẳng biết trả lời thế nào, tôi cười ,miệng méo xẹo.
Hộ gia đình bà Lê Thị Lồng (80 tuổi) gồm 8 người thuộc 3 thế hệ sinh sống chen chúc trên con đò chật hẹp, bà sống suốt đời trên sông nước, chỉ mong ước lúc chết đi được nằm trên một cái giường ngay ngắn. Bà sinh được 9 người con thì chết mất 2 người, 7 người còn lại lấy vợ, sinh con rồi tiếp tục sống trên đò. Cặm cụi làm ăn quanh năm, suốt tháng không mua nổi miếng đất để lên bờ, có đứa thì mua được mảnh đất trên cạn, nhưng làm miết cả mấy năm chẳng trả hết nợ.
Em Trần Thị Ngọc, năm nay lớp 7, dù điều kiện sống khó khăn nhưng nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi, em mong muốn được học lên cao để làm bác sĩ, em bảo: “Em không muốn theo nghiệp cha mẹ, em muốn sau này được sống trên bờ, để không còn vất vả nữa, để đưa ba mẹ lên bờ, chứ cả đời lênh đênh trên mặt nước khổ cực rồi”.
Sống ở xóm vạn chài rách nát nên Ngọc thường xuyên gặp sự kì thị của bạn bè đồng trang lứa vì kiếp sống đò: “Họ gọi em là đồ ở đò, đồ ở nôốc”. Ở đò, ở nôốc là cách gọi chỉ sự quê mùa, nghèo khổ. Em thường xuyên sống trong sự mặc cảm đó, đã từng nhiều lần không dám đến lớp vì xấu hổ. Những đứa trẻ sinh ra trên đò, thường xuyên đối mặt với nguy cơ bệnh tật vì môi trường sống bẩn thỉu, sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Bên cạnh đó là nguy cơ ngã nước, có những đứa trẻ từ 4 tuổi đã theo cha mẹ đi đánh cá vì không có người giữ, hoặc nếu nhà đông anh chị em thì cha mẹ để mặc ở nhà để chúng tự trông chừng nhau. Đặc biệt , trong những mùa mưa bão, cả gia đình 7, 8 người cùng trú ẩn trên con đò nhỏ hẹp, chòng chành và không hề có bất kì thiết bị bảo hộ nào.
Nhiều thế hệ ở xóm vạn đò, họ chỉ có một mong ước duy nhất là được lên bờ. Họ mong có thể tìm được một công việc khác ổn định hơn, con cái được học hành đàng hoàng và không phải lo lắng những đứa trẻ ngã nước khi chúng ở một mình. Thế nhưng, ước mong của họ bao đời nay vẫn chưa thành hiện thực.
Tôi hỏi, nếu không được lên bờ định cư thì sẽ như thế nào, sống tiếp ở đây à? Anh Toan rít lấy điếu thuốc rồi bảo: “Nếu không được lên bờ định cư thì cũng chịu thôi, cả đời sống ở đây rồi, lênh đênh cả kiếp người rồi, chỉ sợ cho lũ trẻ, chúng còn cả tương lai, tôi mong được lên bờ cũng chỉ muốn lũ trẻ được thoát kiếp vạn đò”.
Chưa có kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cho người dân xóm vạn đò Nhằm tạo điều kiện để người dân xóm vạn đò được sử dụng nước sạch, chính quyền xã Hương Vinh có gói hỗ trợ “Vốn vay nước sạch” để người dân vay tiền bắt máy nước, sử dụng nguồn nước ngầm. Tuy vậy, điều trớ trêu là, người dân vạn đò không có đất thì làm sao bắt được máy nước, và đa số đều sử dụng toàn bộ số tiền trên vào việc trang trải cuộc sống. Ông Trương Đắc Giàu - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh - cho biết: “Hiện tại, quỹ đất đã có, tuy nhiên, do tỉnh chưa có kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa thể chuyển người dân vạn đò Thuỷ Phú lên bờ được”. |
Lấn biển, băm nát làng chài Thời gian qua, làng chài Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang bị băm nát để mở nhà hàng, quán nhậu và xây công ... |
Tình người cao hơn sóng dữ Việc một giám đốc công ty cùng 7 nhân viên liều mình lao vào tâm bão giữa những con sóng dữ để cứu 200 người ... |