Theo ông Bùi Kiến Thành thì muốn văn hóa được củng cố, phải giáo dục, đào tạo con người, phải khơi dậy được ý thức tự tôn dân tộc ngay từ thưở ấu thơ.

Từng là Đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại Mỹ, cũng là tư vấn cho chính sách Đổi mới, cố vấn cho nhiều đời Thủ tướng Việt Nam, từng có rất nhiều và cũng từng mất rất nhiều, ông Bùi Kiến Thành trải nghiệm và chiêm nghiệm để xác quyết, cái còn lại không phải là tiền tài, vật chất.

Thiếu văn hóa, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng

- Thưa ông, là một chuyên gia kinh tế tài chính, ông nghĩ sao về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa?

Nhân học rất quan trọng, đó là nền tảng và chi phối mọi quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ kinh tế. Vì vậy, mối liên hệ giữa văn hóa và kinh tế rất chặt chẽ, khăng khít.

Một đất nước có nền văn hóa sâu gốc bền rễ, hài hòa thì sự phát triển kinh tế ở đất nước đó sẽ ổn định, ít gặp trục trặc, biến cố do các yếu tố chủ quan cũng như khách quan và sẽ tiến lên một cách bền vững. Các nền kinh tế cường thịnh đều được xây dựng trên nền tảng một nền văn hóa phát triển, vững chắc.

Tất nhiên, vẫn xảy ra tình trạng lệch pha giữa kinh tế và văn hóa, thậm chí, có thể nói, đây là hiện tượng không cá biệt. Ví dụ, một lý thuyết kinh tế ra đời vào thế kỷ thứ XVII - XVIII mong muốn khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế châu Âu thời kỳ đó, dựa trên nền tảng tôn giáo phương Tây nếu áp dụng cứng nhắc vào thế giới phương Đông thế kỷ XIX - XX mà không có những điều chỉnh phù hợp thì sẽ khó có khả năng thúc đẩy nền kinh tế tiến lên. Đó là sự lệch pha giữa văn hóa và kinh tế, lệch pha giữa kinh tế và bối cảnh lịch sử xã hội.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành.

- Ở ta đã có trường hợp nào lệch pha như ông nói không?

Phú Quốc là điển hình. Nền kinh tế du lịch của hòn đảo này phát triển nóng trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng văn hóa kinh doanh không đi theo kịp, dẫn đến tình trạng đua nhau chặt chém, hét giá khiến nhiều du khách quay lưng. Rõ ràng, nếu con người đối xử với nhau theo cách thiếu văn hóa, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

-  Khi cuộc sống khấm khá hơn, tiện nghi hơn, nhưng chúng ta lại thấy xuất hiện ngày càng nhiều xung đột nảy sinh trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội... Đây có phải là những biểu hiện của sự lệch pha giữa kinh tế và văn hóa đang diễn ra hay không, thưa ông?

Xã hội Nho giáo vận hành theo trên nền tảng: quân - sư - phụ, nghĩa là đứng đầu là vua, tới người thầy rồi mới đến người cha. Chế độ quân chủ không còn tồn tại, chữ quân có thể thay bằng dân tộc, nhưng ở đây cần lưu ý, tại sao triết gia Khổng Tử xưa kia lại đặt chữ sư trên chữ phụ? Cha mẹ sinh ra mỗi người, cho họ cái thân thể vật chất để lớn lên. Người thầy dạy cho họ đạo lý để họ hiểu về chính họ, về cuộc đời, về con đường họ sẽ đi qua và cái đích họ cần hướng tới.

Vậy nhưng, hiện nay, trong rất nhiều trường hợp, con trẻ không biết tôn trọng thầy cô giáo nữa. Ở trường, chúng có những biểu hiện, lời nói bất kính. Ở chiều ngược lại, các thầy cô cũng có những cách ứng xử, hành vi không tạo được sự kính nể từ phía học trò.

Trong gia đình, vì tài sản phân chia không đều, không khéo mà con cái hỗn hào với cha mẹ, anh em ẩu đả lẫn nhau. Một phần cũng do cha mẹ không có còn đủ thời gian bảo ban dạy dỗ lễ nghi, phép tắc cho con cái nữa.

 

Vậy nên, chúng ta phải xây dựng và củng cố lại thứ bậc trong xã hội, con người phải biết khiêm cung, biết kính trên nhường dưới, tiên học lễ hậu học văn. Từ đó, các mối quan hệ trong xã hội diễn ra hài hòa, xã hội không bị nhiễm trùng bởi nhân tố xấu, mà có thể cải hóa những nhân tố xấu từ khi chúng mới xuất hiện.

Tôi cho rằng, không chỉ nên dừng lại ở hiện tượng lệch pha giữa văn hóa và kinh tế như câu hỏi đã nêu ra. Muốn kinh tế phát triển, phải củng cố khu vực dân doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu và vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, đồng hành được cùng sự vận động của nên kinh tế thế giới.

Tương tự, muốn văn hóa được củng cố, phải giáo dục, đào tạo con người, phải khơi dậy được ý thức tự tôn dân tộc ngay từ thưở ấu thơ. Hai quá trình này phải được thực hiện đồng thời, có tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Có như vậy, văn hóa và kinh tế mới cùng đồng hành trên con đường phát triển của dân tộc, của đất nước.

Đừng để “tiền tài phá nhân nghĩa”

- Cụ Nguyễn Du từng cay đắng viết: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Ông có cho rằng cụ Nguyễn Du thời ấy cũng nhận thấy, kinh tế và văn hóa lệch pha và nguyên nhân của sự lệch pha ấy là do “đồng tiền”?

Từ xưa, cha ông ta đã răn dạy: Tiền tài phá nhân nghĩa, nếu chỉ để đồng tiền lên trên hết thì chúng ta sẽ mất nhân nghĩa. Điều cụ Nguyễn Du nói chính là câu chuyện ngàn đời, con người thời xưa phải có ý thức thận trọng với đồng tiền, con người thời nay cũng vậy.

Đồng tiền chỉ là một phương tiện để trao đổi trong xã hội, đồng tiền nằm ngoài mối quan hệ trao đổi đó thì không có giá trị gì. Chúng ta cần đồng tiền để mua đồ ăn, thức uống, quần áo, học tập… nhưng không ai nên vì đồng tiền mà làm những việc bất nhân bất nghĩa, coi rẻ luân thường đạo lý.

- Người xưa có câu “Có thực mới vực được đạo”, yếu tố tiên quyết là phải “có thực” thì mới nói đến chuyện “có đạo”, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cần bao nhiêu ‘thực” thì mới “vực được đạo”. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Đó là một thực tế trong xã hội rằng có ăn thì con người mới sống được. Nếu người ta đang đứng trước vực thẳm của sự chết đói, khó có thể nói về đạo lý được. Điều này chẳng có gì cao siêu cả.

Nhưng nói về đạo lại là một câu chuyện khác. Hồi 5 - 6 tuổi, tôi đọc trong Tư văn dân uyển chuyện về một anh đãi khách bằng sữa bò như thế này: “Đem bò mẹ sớm chiều bỏ cỏ/Hãm bò con không bú mẹ bò/Nào ngờ vú sữa cương to/Ít lâu sữa lại dần khô mất dần/Khi khách khứa quây quần tiệc yến/Vắt sữa bò miệng chén không vơi/Nghề làm phúc phải làm ngay/Đợi khi giàu có biết ngày nào nên”.

Có nghĩa là, không phải chỉ khi đạt được sự giàu sang, quyền thế, con người ta mới bắt đầu hành đạo. Những người quan niệm như vậy cần phải suy nghĩ lại.

Cá nhân tôi không đặt ra câu hỏi có “thực” hay không có “thực” hay có bao nhiêu “thực” mới bắt đầu “vực đạo”. Tôi có may mắn là không bao giờ phải nghĩ đến chuyện đủ ăn, vì thế, tôi dành thời gian, dùng kiến thức của mình để giúp đỡ cho nền kinh tế phát triển ổn định, lành mạnh. Những gì tôi thấy cần làm, làm được, tôi làm; những gì phải làm và có thể làm thì tôi sẽ cố gắng làm. Điều đó khiến tôi hạnh phúc.

Đúng là con người phải bảo đảm cuộc sống cho mình trước nhưng tôi cho rằng, đừng nên tâm niệm “có thực mới vực được đạo” như một điều kiện bởi nó sẽ dẫn đến nhận thức, làm việc này thì tôi sẽ được gì? Xã hội mà có quá nhiều người chỉ nghĩ đến quyền lợi cục bộ thì sẽ không thể lớn mạnh được.

Xin cảm ơn ông.

https://vtc.vn/van-hoa-sau-goc-ben-re-thi-kinh-te-on-dinh-ar850426.html

HOÀNG HẠNH / VTC News