Các bộ - ngành, địa phương tuyển vượt 5.087 biên chế, sử dụng lao động vượt quy định 63.279 người làm tăng chi ngân sách 859 tỉ đồng

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21-5, Quốc hội (QH) đã nghe các thành viên Chính phủ trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016, tờ trình dự án Luật Trồng trọt, tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Tăng thu chủ yếu từ đất

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết theo nghị quyết tại QH khóa XIII, tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỉ đồng, tổng số 1.574.448 tỉ đồng; bội chi 248.728 tỉ đồng, bằng 5,52% GDP.

Trong khi đó, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước đánh giá mặc dù thu NSNN năm 2016 vượt dự toán 92.881 tỉ đồng nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỉ đồng, cùng lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (DN) 19.346 tỉ đồng. Như vậy, vượt thu chỉ còn 23.916 tỉ đồng.

van lo bien che va thu ngan sach

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, đánh giá chính sách thu ngân sách còn chậm cải cáchẢnh: TTXVN

Báo cáo cũng chỉ rõ một số bộ - ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa bảo đảm mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định. Bên cạnh đó, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN vẫn diễn ra khá phổ biến.

Về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án sử dụng NSNN, báo cáo nêu con số một số bộ - ngành, địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người. Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi NSNN 859 tỉ đồng. Ngoài ra, một số đơn vị được chọn mẫu kiểm toán có số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, ban, ngành vượt so với quy định; giữ chức danh hàm và hưởng phụ cấp hàm không có trong quy định của nhà nước.

Thu ngân sách chưa bền vững

Tại báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỉ trọng các khoản thu - chi NSNN còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương (loại trừ thu sử dụng đất) hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỉ đồng; loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách trung ương hụt thu cân đối 1.398 tỉ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu. Ngoài ra, việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách trung ương vẫn tiếp tục diễn ra. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỉ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,5%).

Theo ông Nguyễn Đức Hải, việc ước thực hiện thu không sát đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lập dự toán NSNN năm 2018. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo, nâng cao hơn chất lượng dự báo về thực hiện dự toán thu NSNN tại kỳ họp cuối năm của QH.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá nguyên nhân các bất cập, hạn chế trong chi thường xuyên, chi đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các bộ - ngành, địa phương; đồng thời thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng điều hành chi NSNN, bảo đảm việc quản lý, sử dụng NSNN hiệu quả, tiết kiệm.

Điểm danh vụ đất đai ở Phước Kiển, thương vụ AVG

Tại báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH nhất trí với các kết quả nêu trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, UBKT đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề, trong đó có việc cố tình làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản, vốn của nhà nước của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, DN. Về những nội dung này, UBKT đề cập Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận ký chuyển nhượng hơn 30 ha phần diện tích đền bù tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM); vụ án hình sự Công ty Dịch vụ Viễn thông MobiFone mua Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu An Viên (AVG).

Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tại báo cáo riêng gửi QH, Chính phủ cho biết qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành trong cả nước đã phát hiện và xử lý sai phạm về đất đai 17.586 ha; thu hồi trên 175 tỉ đồng; xử lý hành chính 238 tập thể, 944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 49 đối tượng.

van lo bien che va thu ngan sach Đề án cải cách tiền lương: Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển

Đây là quan điểm của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - khi trao đổi với PV Báo Lao động ...

van lo bien che va thu ngan sach Lương công chức nặng gánh ngân sách ra sao?

Chỉ riêng tiền lương chi trả cho công chức hiện nay tại Việt Nam đã chiếm tới 50% chi thường xuyên của ngân sách Nhà ...

THÙY DƯƠNG - NGUYỄN DUY

/ https://nld.com.vn