Quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu, công sở, nơi công cộng kể cả trường học. Nạn nhân của quấy rối tình dục có thể là bất cứ ai, không chỉ có phụ nữ, mà nhiều trẻ em cũng trở thành đối tượng bị lạm dụng.
Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến quấy rối, xâm hại tình dục, mà nạn nhân là trẻ em. Thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh ở Hoài Đức, rồi có ông thầy quấy rối tình dục học sinh suốt 4 năm ở Bình Dương...
Trong một buổi tọa đàm diễn ra cuối tháng 4.2018 liên quan đến chủ đề quấy rối tình dục, bà Nguyễn Vân Anh–GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã dẫn ra nhiều con số chứng minh vấn đề “quấy rối tình dục” đang ở mức báo động.
Theo nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% số em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; 11% số học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Trẻ em gái từ 5-9 tuổi có nguy cơ cao nhất bị bạo lực thể chất, tình trạng bạo hành tinh thần cũng phổ biến hơn ở trẻ em gái; 64% tổng số ca bị xâm hại tình dục là trẻ em gái…
Tọa đàm kêu gọi nạn nhân của quấy rối tình dục hãy dũng cảm lên tiếng. Ảnh: Hà Linh
"Hiện môi trường giáo dục ở Việt Nam đang bị mất cân bằng quyền lực. Giáo viên có quyền lực cao đối với các vấn đề liên quan đến học sinh. Nhiều người đã lợi dụng quyền làm thầy của mình để có những hành vi quấy rối, xâm hại trẻ em" - chuyên gia Nguyễn Vân Anh chia sẻ.
Trong một nghiên cứu khác của CSAGA tại 3 tỉnh/TP TPHCM, Hà Giang, Quảng Ninh cũng cho ra con số giật mình: 13-14% số học sinh nữ từng ít nhất 1 lần bị xâm hại tình dục. Có những em bị đến 14 lần.
“Khi báo cáo kết quả đó, chúng tôi có mời lãnh đạo của các trường đến để cùng bàn luận, thầy cô trong trường cũng rất sốc. Khi các vụ xâm hại tình dục được phanh phui, cả xã hội đều lên án, nhưng chỉ ồn ào được vài hôm rồi mọi việc lại lắng xuống. Rồi những vụ việc khác lại xảy ra. Nếu vẫn chống nạn quấy rối, xâm hại tình dục theo cách này theo tôi là không ổn”- bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ.
Vậy làm gì để ngăn chặn nạn quấy rối tình dục? Bà Nguyễn Vân Anh đề xuất: Đã đến lúc cần đưa giáo dục giới tính vào trong trường để giảng dạy một cách chính thức, bài bản càng sớm càng tốt, để các em hiểu hành vi nào là không được phép với thân thể của mình, để học sinh có kỹ năng phòng tránh, tự biết cách bảo vệ mình trước những hành vi sai trái của người xung quanh”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty luật Fanci - nhấn mạnh: "Khi xã hội có những cái xấu thì pháp luật phải can thiệp để xã hội không bị kéo tụt lùi và được phát triển. Ngoài việc có chế tài đủ mạnh, những nạn nhân của quấy rối tình dục cần dũng cảm nói ra, vạch trần cái xấu. Lãnh đạo các cơ quan, trường học cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng một môi trường trong sạch để NLĐ làm việc, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn".
Chống quấy rối tình dục ở làng giải trí Ấn, Nhật Các nữ diễn viên Bollywood và nữ thành viên Đảng quốc đại Ấn Độ bắt đầu kêu gọi chiến dịch chống nạn quấy rối tình ... |
Phụ nữ không phải mồi vui trên bàn nhậu, càng không phải trò đùa Rất nhiều đàn ông ở Việt Nam nghĩ việc trêu ghẹo phụ nữ chỉ để “vui thôi mà”. Đến một lúc nào đó, người ta ... |
Tài tử Nhật Bản bị buộc ngừng hoạt động vì quấy rối tình dục Tài tử Yamaguchi Tatsuya, thành viên nhóm nhạc TOKIO, khiến dư luận Nhật Bản rúng động khi cúi đầu thừa nhận tội quấy rối tình ... |
Quấy rối tình dục Trên một chuyến tàu điện ngầm ở Singapore, tôi và một vài người bạn tình cờ nói chuyện với một người đàn ông Hà Lan. ... |
Trẻ em "khổ sở" vì hình ảnh phản cảm nơi công cộng Sau khi phóng viên báo Lao Động phản ánh thông tin về loại bánh mang hình dạng bộ phận sinh dục nam được bày bán ... |