Hơn 445.000 tỉ đồng từ hành vi phạm tội tham ô tài sản và hơn 30.000 tỉ đồng lừa bán trái phiếu đã được bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các thuộc cấp “rửa” sạch nhằm che xóa dấu vết dòng tiền bất hợp pháp. Kịch bản rửa tiền được thực hiện bài bản, trơn tru khiến nhiều bị cáo trong vụ án cho đến khi bị bắt, bị truy tố mới giật mình nhận ra mình đã sai…
- Xét xử giai đoạn 2 “đại án” Vạn Thịnh Phát: Ẩn số danh sách chi hàng ngàn tỷ đồng cho cá nhân
- Bị cáo Trương Mỹ Lan: Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu
Hợp thức hóa dòng tiền phạm pháp
Bước sang tuần thứ 2 xét xử vụ đại án Vạn Thịnh Phát, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo để làm rõ về hành vi rửa tiền. Phiên tòa vắng hơn ngày thường, bởi tòa chỉ tập trung xét hỏi nhóm bị cáo bị truy tố tội rửa tiền gồm: Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quan Công, Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên, Trần Xuân Phượng. Những người này tạo thành một mắt xích tương trợ, giúp sức cho nhau trong suốt quy trình rửa tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo cáo trạng truy tố, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm đã chuyển số tiền 445.000 tỉ đồng tham ô và 30.000 tỉ đồng lừa bán trái phiếu ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB, sau đó chuyển vào tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân. Trong đó, sử dụng hơn 287.000 tỉ đồng để trả cho các khoản vay tại Ngân hàng SCB; chi thực hiện các dự án hơn 1.800 tỉ đồng; rút tiền mặt cho các cá nhân hơn 15.000 tỉ đồng; trả cho các ngân hàng khác hơn 5.000 tỉ đồng; trả gốc và lãi của trái phiếu là hơn 1.600 tỉ đồng; chuyển cho SCB Cầu Giấy Hà Nội hơn 356 tỉ đồng đồng để mua USD; chi khác hơn 48.000 tỉ đồng là các khoản chi trả nợ giữa các công ty hoặc cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay nợ nhau, thanh toán khoản trả phí; chuyển tiền ra nước ngoài tại Ngân hàng SCB là hơn 32.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1,3 tỉ USD) của 29 giao dịch liên quan 9 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (qua các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay nợ, tư vấn...). Còn lại hơn 128.000 tỉ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo dùng cho mục đích khác.
Để có thể rửa số tiền khổng lồ do tham ô, lừa đảo chiếm đoạt mà có, bị cáo Trương Mỹ Lan đã có một bộ sậu giúp sức. Theo đó, việc rút tiền mặt chủ yếu được thực hiện ở Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn theo quy trình: Trương Mỹ Lan chỉ đạo thông qua Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) sau đó Nguyễn Phương Hồng phối hợp với Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tín dụng Ngân hàng SCB), yêu cầu Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula - SPG) lập danh sách các pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền và đồng thời chỉ đạo Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale, Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn phối hợp với Nguyễn Phương Anh triển khai thực hiện. Nguyễn Phương Anh đã chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty “ma” trong nhóm lập các chứng từ và chuyển cho Thái Thị Thanh Thảo thông tin về các pháp nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền để lập các chứng từ hoàn tất thủ tục rút tiền mặt.
Sau khi hoàn tất các thủ tục rút tiền, Thái Thị Thanh Thảo thông báo cho Trần Thị Thúy Ái, kiểm soát viên ngân quỹ Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn để xuất tiền mặt khỏi quỹ giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) tại hầm B1, trụ sở Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn để Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan). Uyên tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan; một số trường hợp Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tại phiên tòa, HĐXX đã lần lượt hỏi từng bị cáo trong nhóm phạm tội rửa tiền. Trước câu hỏi “đã tham gia chạy dòng tiền như thế nào?”. Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung trả lời chủ tọa bằng giọng nghẹn ngào: “Bị cáo nhận được chỉ đạo của bị cáo Lan là phối hợp với bị cáo Nguyễn Phương Anh để lên phương án vay vốn, giải ngân. Còn sau đó dòng tiền đi đâu, đưa cho ai thì bị cáo không biết”. Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung giúp sức cho Trương Mỹ Lan sử dụng hơn 69.000 tỉ đồng cho mục đích của bị cáo Lan mà không hề biết đó là mục đích gì, tiền nhiều như thế đã đi về đâu. “Bản thân bị cáo vào làm việc tại Ngân hàng SCB từ năm 2010, trải qua rất nhiều thời kỳ. Sau khi vụ việc này xảy ra, gặp lại các đồng nghiệp của mình tại tòa, ai cũng tiều tuỵ, đau buồn… bị cáo rất đau lòng”, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB Trần Thị Mỹ Dung bật khóc.
Bị cáo Nguyễn Phương Anh khai đã thành lập và sử dụng khoảng 600 công ty phối hợp với lãnh đạo Ngân hàng SCB lập các khoản vay khống để rút tiền ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ngoài ra, Nguyễn Phương Anh còn là người trực tiếp theo dõi việc thu chi nguồn tiền từ tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và từ nguồn tiền lừa đảo trái phiếu. Trong thời gian làm việc dưới quyền bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Nguyễn Phương Anh là người quản lý 3 công ty để chuyển tiền ra nước ngoài là: Blue Pearl, Sài Gòn Penninsula và Easter View. Để hợp thức hóa, Nguyễn Phương Anh đã lập hợp đồng khống cho 3 công ty, nhận về 35 triệu USD, tương đương hơn 800 tỉ đồng, chuyển đi nước ngoài hơn 1.000 tỉ. Từ tháng 7 đến tháng 10/2020, các công ty này đã chuyển ra nước ngoài 1,8 tỉ USD, nhận về từ nước ngoài 1,4 tỉ USD. Bị cáo Nguyễn Phương Anh thừa nhận, toàn bộ các giao dịch chuyển nhận tiền không phát sinh các giao dịch thực tế với công ty nước ngoài, tất cả chỉ là hợp đồng khống.
Tỏ ra ân hận, bị cáo Phương Anh giãi bày, bản thân không nhận thức được hậu quả xảy ra lại lớn đến vậy. “Bây giờ bị cáo rất hối hận, không biết làm gì để khắc phục được hậu quả to lớn này. Bị cáo chỉ biết cố gắng vận động người thân khắc phục được phần nào hay phần đó”, bị cáo Nguyễn Phương Anh trình bày.
Lái xe khai chi hàng ngàn tỉ đồng có ghi trong sổ tay
Ra tòa ở giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Khánh Hoàng đã bình tĩnh hơn lần đầu. Trả lời mạch lạc, rõ ràng các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Hoàng cho biết, bản thân chỉ phối hợp với bị cáo Phương Anh để lên phương án giải ngân, phụ trách việc giải ngân các khoản vay cho các công ty mà Nguyễn Phương Anh đã thành lập. Còn sau đó dòng tiền giải ngân đã đi đâu là do Phương Anh phụ trách. “Thời điểm bị cáo tiếp nhận Ngân hàng SCB thì đang khó khăn, áp lực trả lãi cho người gửi quá lớn. Bị cáo chỉ nghĩ những việc làm này nhằm giúp sức để tái cơ cấu Ngân hàng SCB thành công. Sau này bị cáo mới biết hành vi của mình là sai”, bị cáo Trương Khánh Hoàng giãi bày.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng với vai trò quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB đã trực tiếp ký giải ngân số tiền hơn 104.000 tỉ đồng. Trong đó có 1.669 tỉ đồng dùng vào việc chi cho cá nhân. Khi chủ tọa hỏi có nhớ chi cho cá nhân nào không thì bị cáo Trương Khánh Hoàng nói không thể nhớ, vì chi nhiều lần, cho nhiều người.
Những cá nhân bí ẩn tiếp tục được HĐXX hỏi bị cáo Bùi Văn Dũng, lái xe riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan. Từ 26/02/2019 đến ngày 12/9/2022, Bùi Văn Dũng đã nhận vận chuyển tổng số tiền 108.000 tỉ đồng và hơn 14.000 USD, trong đó có 6.300 tỉ đồng là tiền có nguồn gốc do Trương Mỹ Lan phạm tội mà có. Tại tòa, bị cáo Dũng khai công việc của mình là sáng chở bà Lan tới công ty, chiều chở bà Lan về nhà.
Mỗi khi được giao đi nhận tiền từ Ngân hàng SCB, bị cáo Dũng sẽ chất các thùng tiền đã được đóng gói cẩn thận sẵn lên ô tô rồi chở đi giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Hôm nào giao không hết tiền thì bị cáo Dũng chở tiền về giao lại cho Trương Mỹ Lan. Trả lời HĐXX về cá nhân nhận tiền, bị cáo Bùi Văn Dũng cho biết không nhớ hết được vì đã làm việc này nhiều lần. Tuy nhiên, bị cáo Dũng khẳng định có ghi chi tiết rõ ràng trong cuốn sổ tay.
Hành vi của bị cáo Bùi Văn Dũng đã giúp cho bị cáo Trương Mỹ Lan che giấu, hợp thức sử dụng số tiền 6.300 tỉ đồng chiếm đoạt được thông qua hành vi phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thừa nhận cáo trạng truy tố nhưng bị cáo Bùi Văn Dũng phân trần, bản thân chỉ là lái xe, không hề biết số tiền vận chuyển là tiền phạm tội và không hề được hưởng lợi gì từ việc này. Mỗi chuyến chở tiền đi “rửa”, Bùi Văn Dũng được trả thù lao từ 500 - 1 triệu đồng.
Một nhân vật quan trọng đang được chú ý trong phiên tòa xét xử lần này là bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan). Ngoài việc bị truy tố tội “rửa tiền”, bị cáo Chu Lập Cơ còn có hành vi sử dụng tiền phạm tội mà có để chi tiêu cá nhân. Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình sinh sống tại Việt Nam và khi đi ra nước ngoài, bị cáo Chu Lập Cơ đã chi tiêu hết 225,5 tỉ đồng bằng các thẻ tín dụng được mở tại Ngân hàng SCB.
Trong số tiền này, hơn 113 tỉ có nguồn gốc từ các khoản vay khống tại Ngân hàng SCB, hơn 80 tỉ từ các khoản vay đã được tất toán bằng chính các khoản vay khống, gần 32 tỉ là tiền tham ô tài sản và các khoản vay chưa được tất toán, còn lại là tiền có nguồn gốc từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành và bán trái phiếu Công ty An Đông.
Ngoài ra, từ năm 2018 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Chu Lập Cơ sử dụng hơn 33 tỉ đồng do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp vào thẻ Visa, Master của ông này. Cơ quan điều tra xác định, đây là số tiền do bị cáo Lan phạm tội mà có.
Trả lời HĐXX, bị cáo Chu Lập Cơ cho biết, bản thân cứ nghĩ tiền trong thẻ là tiền lợi nhuận từ kinh doanh mà có. Cho đến khi bị bắt thì mới biết đó là tiền tham ô, tiền lừa đảo.
Là người cuối cùng bước lên bục xét hỏi trong nhóm bị cáo bị truy tố tội “rửa tiền”, bị cáo Trương Mỹ Lan tỏ ra bình tĩnh, trình bày nhiều nội dung liên quan đến số tiền tham ô, lừa đảo. Nhiều lần, bị cáo Lan bật khóc, cho rằng các thuộc cấp của mình đã khai đúng sự thật nhưng chưa rõ ràng dẫn đến bản chất sự việc chưa thật sự đầy đủ. Sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan nói bản thân tôn trọng kết luận điều tra, tôn trọng cáo trạng, chấp nhận truy tố của VKSND Tối cao về tội “rửa tiền”.