Sau 10 phiên giá vàng đi xuống, nhiều người như ngồi trên đống lửa khi lỡ ôm hàng chục cây vàng lúc giá trên đỉnh.

Từ ngày 2/3 đến 8/3, thị trường vàng trong nước liên tục "nổi sóng" khi giá vàng chỉ trong vòng 1 tuần đã tăng 7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng cũng rơi tự do khi giảm 7 triệu đồng/lượng chỉ trong 4 ngày.

Ngày 17/3, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết phổ biến ở mức 67,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,6 triệu đồng/lượng (bán ra).

Sự biến động dữ dội này khiến một số nhà đầu tư mạo hiểm lướt sóng đã kiếm bộn tiền nhưng cũng có không ít người ôm trái đắng khi chưa kịp thoát hàng.

Trong bối cảnh này, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đầu tư vàng bằng tiền tiết kiệm thì vẫn cố chờ giá lên để chốt lời. Nhưng với những người vay mượn tiền mua vàng lướt sóng thì như ngồi trên lửa, cuống cuồng lo đẩy hàng để cắt lỗ vì áp lực về tài chính.

Vàng giảm giá liên tiếp, nhà đầu tư sốt ruột lo bán cắt lỗ - 1
Nhiều nhà đầu tư bắt đầu cắt lỗ vàng.

Anh Trần Minh Nhật (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, anh mua 20 cây vàng lúc giá 70 triệu đồng/lượng, tương đương 1,4 tỷ đồng. Trong một nửa số tiền này, anh Nhật phải đi vay mượn người thân.

Khi mức giá lên đỉnh lịch sử 74,4 triệu đồng/lượng, anh Nhật đã định bán để chốt lời. Nhưng nghĩ rằng giá vàng đang trong đà đi lên, dư địa tăng vẫn còn, hơn nữa, nếu bán thời điểm này, lợi nhuận anh đạt được chỉ khoảng 50 triệu đồng, kém xa kỳ vọng nên anh Nhật lại tiếp tục "ôm" hàng, chờ cơ hội khác.

Tôi đã chấp nhận đi vay tiền để lướt vàng thì mong muốn sẽ kiếm được mức lợi nhuận lớn hơn, vì thế, lúc giá đỉnh tôi vẫn quyết định chờ”, anh Nhật chia sẻ.

Tuy nhiên, trái với suy đoán của anh Nhật, giá vàng lại rớt liên tiếp nhiều phiên, chỉ sau 2 ngày, đã giảm sâu về mức 68 - 69 triệu đồng/lượng. Nhiều ngày sau đó, giá gần như không biến động nhiều, xu hướng suy giảm vẫn diễn ra.

Vàng thì đi xuống không biết bao giờ tăng lại, trong khi đã đến hạn trả tiền, chắc tôi đành phải bán cắt lỗ 10 cây vàng để trả bạn”, anh Nhật buồn rầu nói.

Nếu anh Nhật bán thời điểm này, anh buộc phải chấp nhận lỗ số tiền hơn 30 triệu đồng.

Giống anh Nhật, chị Nguyễn Thị Nguyệt (Định Công, Hà Nội) cũng đành chấp nhận bán cắt lỗ vàng vì lo sợ giá sẽ tiếp tục sụt giảm. Chị Nguyệt mua 10 cây vàng khi giá lên 69 triệu đồng/lượng, vì vậy, nếu thời điểm này cắt lỗ, chị lỗ khoảng gần 20 triệu đồng.

Giới đầu tư vàng trong nước vừa trải qua tuần giao dịch với sự thất vọng tràn trề, vì cứ ngỡ giá vàng sẽ duy trì xu hướng tăng để mong đạt được lợi nhuận, sau khi tăng đầu tư trong tuần trước đó. Thế nhưng diễn biến của thị trường thay đổi, giá từ mức cao kỷ lục đã liên tục giảm nhanh khiến nhiều người giữ vàng lo lắng, những ai không đủ kiên nhẫn và chịu áp lực tài chính đành chấp nhận phải cắt lỗ.

Trước đó, chuyên gia cũng đưa ra nhận định đầu tư vàng tuy được cho là kênh trú ẩn nhưng cũng nhiều rủi ro vì giá của kim loại quý thời gian này biến động rất mạnh. Vì vậy, người dân không nên đầu cơ lướt sóng và đặc biệt không nên đi vay tiền để đổ vào vàng lúc này.

NGỌC VY

Giá vàng 15/3: Vàng trong nước giảm mạnh Giá vàng 15/3: Vàng trong nước giảm mạnh
Giá vàng tăng trở lại, vượt mốc 70 triệu đồng/lượng Giá vàng tăng trở lại, vượt mốc 70 triệu đồng/lượng
Giá vàng cắm đầu đi xuống, có nên mua ‘lướt sóng’? Giá vàng cắm đầu đi xuống, có nên mua ‘lướt sóng’?

/ vtc.vn