Giá vàng trong nước chiều 3/8 đã bốc hơi hơn 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.

Cụ thể, lúc 14h30 chiều nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 65,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,8 triệu đồng/lượng (bán ra), 1,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 1,62 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng nay.

Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 65,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,60 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 2,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 1,75 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trong khi đó, giá vàng thế giới đang đứng ở ngưỡng 1.764 USD/ounce.

vang-20-15570264
Giá vàng trong nước lao dốc không phanh. (Ảnh minh hoạ).

Đêm qua, giá vàng của thế giới có thời điểm tăng lên 1.805 USD/ounce - mức giá cao nhất trong 1 tháng qua. Thế nhưng sau đó, giá vàng bị bán tháo xuống còn 1.760 USD/ounce lúc 6h ngày 3/8.

Căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung Quốc đang gia tăng khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi "hạ cánh" viếng thăm Đài Loan. Trung Quốc đe dọa sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với chuyến thăm của bà Nancy Pelosi.

Phản ứng trước thông tin này, nhiều người lo ngại rủi ro có thể xảy ra trên thị trường tài chính. Từ đó, một số nhà đầu tư tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào kim loại quý. Số khác thì bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chìm trong sắc đỏ.

Đặc biệt tại Phố Wall, các chỉ số Dow Jones giảm mạnh 402 điểm, S&P 500 giảm 27 điểm, Nasdaq giảm 20 điểm. Nhiều nhà đầu tư đã dịch chuyển vốn vào thị trường vàng, tạo sức mạnh cho giá vàng thế giới tăng lên 1.805 USD/ounce lúc 20h ngày 2/8.

Thế nhưng tại thời điểm này, một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9/2022, Fed sẽ tăng thêm lãi suất cơ bản 0,5 điểm. Lập tức, đồng USD đảo chiều tăng giá so với nhiều ngoại tệ khác.

Trước sức mạnh của USD, có lẽ giới đầu cơ giá nhận thấy giá vàng không thể tăng thêm. Thế nên họ mạnh tay bán tháo thu về lợi nhuận. 

Giá vàng thế giới giảm một mạch 25 USD/ounce xuống còn 1.764 USD/ounce.

Ngọc Vy / VTC News