Trong ngôi nhà ấy, những chú chó vừa thoát khỏi lò mổ được chữa trị từng vết thương, vết lở loét. 

vao lo mo giai cuu cho

“Ngôi nhà hạnh phúc” của những chú chó cùng với sự chăm sóc, yêu thương của con người. Ảnh: CHÂU TƯỜNG

Chúng cũng được tắm rửa, vệ sinh và cho ăn uống như một người bệnh vậy. Phải có một tình yêu lớn, ngôi nhà ấy mới được hình thành. Người thực hiện việc làm ý nghĩa này là các bạn trẻ ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

ành trình giải cứu

“Nhà trẻ” - đó là tên gọi thân thương mà nhóm đặt cho chỗ ở của hàng chục chú chó. Chúng hầu hết được giải cứu từ lò mổ. Ai đó nói: “Đôi khi chúng ta phải cảm ơn sự cay nghiệt của đời. Và người bất hạnh có thể đón nhận tia sáng hạnh phúc sau một chặng đường đầy ngã nghiệt”. Hạnh phúc đến với đàn chó tội nghiệp cũng như thế.

vao lo mo giai cuu cho

Thăm khám, chăm sóc những vết thương cho từng con chó.

Chúng tôi đi trên con đường nhỏ xíu nhưng đầy rẫy ổ gà vào “nhà trẻ” mới thấy các bạn trẻ nhọc nhằn dường nào. Vừa nghe tiếng xe từ xa của nhóm, đàn chó đã sủa vang, vẫy đuôi không ngừng. Anh Nguyễn Hồ Ngọc Hải - thành viên nhóm - cười tươi: “Tụi nhỏ quen rồi, chỉ cần nghe tiếng xe hoặc bấm còi là chúng biết tụi mình đến à!”.

Cổng vừa mở, đàn chó liền ùa ra vây lấy mọi người. Đáp lại, anh Hải luôn miệng nói với đàn chó cưng: “Được rồi, được rồi! Ba thương, ba thương”. Rồi anh quay sang chúng tôi: “Vật nuôi là thế, càng sống với chúng, tình cảm giữa con người và chúng sẽ dần lớn lên”.

Đến giờ, bạn Bùi Nguyễn Thảo Vy vẫn không tin rằng chính mình là người khởi xướng hành trình “giải cứu” chó đầy ý nghĩa này.

Trung tuần tháng 11 năm ngoái, chú chó Vy nuôi đột nhiên biến mất. Sau nhiều ngày sốt ruột tìm kiếm, nơi cuối cùng Vy đặt chân đến là lò mổ. Nhìn cảnh chó bị nhốt, chích điện vật vờ chết, rồi những tiếng sủa nghe rất thảm thiết không khác gì lời cầu cứu… Vy nước mắt ngắn dài. Vy thẫn thờ về nhà, rồi kể lại câu chuyện đó với bạn của mình là Nguyễn Hoài Dương. Những gì Vy kể cứ ám ảnh mãi Dương. Và Dương quyết định chia sẻ câu chuyện lên Facebook nhờ mọi người giúp đỡ. Anh Nguyễn Hồ Ngọc Hải đã đọc được và đồng cảm. “Vậy là hai anh em kêu gọi bạn bè cùng nhau giải cứu những chú chó tội nghiệp” - Dương kể.

Lúc đó vì số tiền chuộc chó rất cao, gần cả trăm triệu đồng nên nhóm chỉ chuộc trước 6 chú chó đáng thương nhất về chia nhau nuôi, cho người yêu chó nhận nuôi mà không nhận bất kỳ chi phí nào. Sau nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân cùng với tiền tích góp của mỗi người, nhóm đã chuộc thêm 60 chú chó.

Mọi người nhớ như in ngày 30.11.2016. Đó là ngày đi chuộc những chú chó về nuôi. “Nhóm chia làm hai, một nửa lên chuộc chó, một nửa đi tìm chỗ ở cho chúng. Cứ nghe người ta bảo là ngày mai sẽ bán hết nên lật đật lên chuộc về mà chưa biết mang về rồi để đâu, cũng may anh Hải tìm được chỗ” - Dương rơm rớm nước mắt nhớ lại ngày khởi nguồn của mọi việc.

Giải cứu cùng lúc hơn 60 con chó bệnh tật, yếu ớt xong, cả nhóm lại lao vào chăm sóc cho chúng. Việc đầu tiên là nhóm gọi bác sĩ thú y để khám và chữa bệnh cho đàn chó. Việc vệ sinh, cho ăn cùng lúc mấy chục con chó khỏe thì đơn giản, nhưng bệnh lại nhiều nên càng vất vả hơn. Tưởng đâu mọi việc đã xong xuôi khi đàn chó bắt đầu ổn định, nhưng chỉ được 2 tuần thì chủ nhà không cho thuê nữa do đàn chó sủa ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống bà con xóm giềng. “Ngày xảy ra trận lụt lịch sử cuối năm ngoái là ngày phải dọn đi. Nước cao ngang ngực, tụi mình phải lội nước một đoạn dài ẵm từng con đưa ra xe tải chuyển đi nơi mới. Người dân trong vùng thấy thương nên cho mượn ghe để chở tụi nó ra nhanh hơn, vì nước mỗi lúc một cao” - Dương kể.

Trải qua mấy bận di chuyển nơi ở, đối mặt với lắm gian nan, nhóm mới tìm được chỗ ở hiện tại cho đàn chó. Mỗi lần chuyển chỗ, nhóm lại tốn tiền làm chuồng trại cho đàn chó, có lúc lên tới hơn 10 triệu đồng. Lúc đầu còn có các bạn sinh viên giúp đỡ nhưng sau ai cũng có việc bận nên chỉ còn lại 5 người trong nhóm thay phiên nhau chăm sóc đàn chó. Để giờ đây, những chú chó được giải cứu ngày nào đã lành vết thương, mập mạp, được tẩy giun sán, tiêm phòng đầy đủ nên sức khỏe luôn đảm bảo. Trong “gia đình” nhỏ đó, còn có thêm những chú chó “đi bụi”, lang thang ngoài đường cũng được nhóm đem về nuôi.

Làm “con sen” cho… chó

Mỗi người trong nhóm ai cũng có công việc riêng, nhưng không vì vậy mà ảnh hưởng đến việc chăm sóc đàn chó. Ai cũng cố gắng sắp xếp thời gian vào chăm đàn chó lúc 15h hằng ngày.

Cô đầu bếp của “nhà trẻ” Hồ Phương Ca chịu trách nhiệm mỗi ngày nấu 5kg gạo cùng thức ăn (trị giá 100.000 đồng) cho đàn chó, rồi cả nhóm cùng nhau vào vệ sinh chuồng trại, tắm rửa, cho ăn uống, rửa chén ăn của chó, thăm khám sức khỏe của từng con. “Ở nhà thì được cơm bưng nước rót, vào đây làm “con sen” cho tụi nhỏ, vậy mà mình thấy vui lắm” - anh Hải hóm hỉnh nói. Vy tiếp lời: “Ngày nào cũng làm quan tòa phân xử cho tụi nó cũng có lắm chuyện vui rồi. Có con bị cắn đau đến “méc” với vẻ mặt tội nghiệp thấy thương, có con thì làm nũng cứ thích vuốt ve, con thì lại thích moi đất làm bụi bay tung tóe hết…”.

Việc làm của nhóm được các mạnh thường quân tiếp sức, nhưng nguồn phí giúp đỡ ấy không thường xuyên. Để duy trì việc chăm sóc, thuốc men, bệnh tật cho đàn chó hơn 20 con, các bạn trong nhóm cố gắng làm việc thật nhiều để kiếm tiền. “Chỗ ở của đàn chó buộc phải ở xa nhà dân để tránh làm phiền và tránh trộm chó nên các bác sĩ thú y ngại đến chăm sóc. Nhiều lúc đêm tối mấy đứa nó bệnh, chúng mình phải vào ẵm từng con đi siêu âm, khám bệnh rồi lại chở về. Đường sá khó đi nên việc té xe xảy ra như cơm bữa” - Vy nói.

Mỗi chú chó được nhóm đặt cho một cái tên rất đáng yêu như Tí em, Xúc xích, Misa, Mập, Mimi, Lu… Cả nhóm nhớ nằm lòng từng hoàn cảnh nhận nuôi “các em chó”. Có con được mẹ đẻ ngay khi thoát khỏi lò mổ, có con thì bị chủ vứt trong thùng rác, con thì đi lang thang ngoài đường được đưa về nuôi...

Anh Hải kể: “Hồi mới đưa về, các em bệnh, ghẻ lở, sứt tay què chân, vết thương trên người nhiều lắm, nhưng nhờ biết cách chăm sóc nên chúng đều khỏe lại. Nuôi chúng gần 1 năm nay nên cả nhóm ai cũng biết và hiểu hết tính tình của từng con. Ngược lại, tụi nó cũng thương mình lắm”.

Câu chuyện về chú chó động kinh được mọi người kể lại như chứng minh cho tình yêu thương vô bờ bến của con người dành cho những con chó của mình. Không chịu tiêm thuốc để giúp chú chó động kinh ấy “ra đi” sớm (vì đa số chó bị động kinh đều chết), nhóm đã quyết định chữa lành bệnh cho nó. Và điều kỳ diệu đã đến, trải qua cơn bạo bệnh, chú chó này vẫn sống, khỏe mạnh hơn và được Dương đem về nhà làm bạn với mình.

Chị Ngọc chủ nhà thì thấy việc làm ý nghĩa của nhóm nên chỉ lấy tiền điện, nước hằng tháng mà không lấy tiền nhà. “Nhiều hôm mưa gió, đường sá lầy lội khó đi mà 11, 12 giờ đêm tụi nhỏ vẫn vào ẵm chó đi chữa bệnh, thấy mà thương lắm. Không những nuôi chó của mình, mấy đứa nhỏ còn nuôi cả chó hàng xóm nữa. Tụi nó có tâm lắm, chỉ mong có thêm nhiều sự giúp đỡ của mọi người để nhóm có thể tiếp tục lo cho đàn chó”.

Nhìn những chú chó nô đùa, chạy nhảy tung tăng như những đứa trẻ, không ai biết chúng từng có quá khứ bất hạnh. Thật may mắn khi đàn chó được những người chủ tốt bụng giải cứu, nuôi dưỡng và yêu thương hết mực. Trong ngôi nhà ấy, chúng sống vui vẻ, hạnh phúc với nhau, không phải “lo lắng” bị đưa vào lò mổ hay vứt ra đường như trước

Nhưng đâu đó, bao lo lắng về sự an toàn của đàn chó, câu chuyện chú chó “ham vui” sổng chuồng “đi chơi”, hay những băn khoăn về kinh phí để lo cho đàn chó trong tương lai… vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của các bạn trẻ.

Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15.9.2017), hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm phòng vaccine phòng dại cho động vật bắt buộc… sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vaccine hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Ngoài ra, các hành vi: Giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép… sẽ bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng.
vao lo mo giai cuu cho Đội bắt chó thả rông chứng minh tấm lòng cao cả

Theo ông Đa, việc giữ chó lại sau 72h có 1 ý nghĩa đó là tạo cho chủ chó có niềm vui, nếu có lỡ ...

vao lo mo giai cuu cho Bắt chó thả rông - sao đám đông phải “ném đá”?

Qui định đã có từ lâu – các hộ gia đình nuôi chó không được thả rông, dắt chó ra ngoài phải mang rọ mõm, ...

vao lo mo giai cuu cho Chó thả rông: Ai phạt, phạt ai?

Hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền ...

(https://laodong.vn/phong-su/vao-lo-mo-giai-cuu-cho-564929.ldo)

Báo Lao Động Online