Các quốc gia trên toàn cầu từ đầu năm 2022 tới nay đều phải vật lộn để chống chọi với giá xăng dầu liên tục tăng cao do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới; cũng như việc phong tỏa nhiều thành phố, trung tâm kinh tế lớn ở Trung Quốc nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Thế giới ứng phó thế nào với “cơn bão” giá nhiên liệu?

Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã hồi phục và tăng lên nhanh chóng từ cuối năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục do nhiều quốc gia kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 hoành hành suốt hơn 1 năm trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng. Sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine cùng những thông tin về việc Nga mở chiến dịch quân sự càng đẩy giá mặt hàng nhiên liệu sống còn này gia tăng thêm.

Giá dầu Brent khi bước sang năm 2022 phổ biến ở mức 78 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, vào ngày 24-2, khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine”, giá dầu Brent liền vọt lên, áp sát ngưỡng 100 USD/thùng. Thị trường sau đó bắt đầu tăng thẳng đứng, có thời điểm tăng 18% chỉ trong vài phút, lên 139 USD một thùng trong phiên giao dịch ngày 7-3 do tác động bởi thông tin Mỹ sắp cấm nhập dầu Nga. Đây cũng là mức giá cao nhất của thứ “vàng đen” này kể từ năm 2008.

Vật lộn chống chọi với “bão giá” xăng dầu ảnh 1
 Người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới đang vật lộn để chống chọi với giá xăng dầu cao kỷ lục

Giá dầu thế giới sau đó dịu đi khá nhanh, giảm xuống còn dưới mức 100 USD mỗi thùng dầu Brent, tức giảm khoảng 30% chỉ trong một tuần, do thế giới kỳ vọng Arabia Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng sản lượng dầu. Cùng với đó, nhu cầu từ Trung Quốc cũng được dự báo giảm do các lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Hoàng Hà / anninhthudo.vn