Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Berne về “Bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật”, cam kết với thế giới về việc xây dựng và tuân thủ các biện pháp bảo hộ quyền tác giả, đấu tranh chống nạn vi phạm quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta vẫn đang ở mức báo động.
Khi tác giả chính là “nạn nhân”
Không ít tác giả đã giật mình khi tình cờ phát hiện ra tác phẩm văn học - đứa con tinh thần tâm huyết của mình bị xâm phạm với nhiều hình thức: bị người khác đứng tên, bị tập hợp in thành sách phát hành số lượng lớn và tái bản nhiều lần nhưng không hề được thông báo và trả nhuận bút, bị chuyển thể thành kịch bản mà không xin phép...
Cảm giác đầu tiên của họ là phẫn nộ trước sự tùy tiện của các nhà sách cũng như của chính những người biên soạn, biên tập sách; rồi mỗi người có một cách phản ứng: gọi điện đến nhà sách hỏi về quyền tác giả, viết thư ngỏ gửi đến nhà xuất bản, đưa thông tin lên trang mạng xã hội (facebook), tìm đến các trung tâm bảo hộ quyền tác giả nhờ giải quyết theo luật pháp...
Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu của bạn đọc rộng rãi, những cuốn sách nối tiếp nhau ra đời với hình thức in ấn bắt mắt, được cấp phép bởi các nhà xuất bản uy tín và phát hành với số lượng lớn đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các công ty làm sách, đặc biệt là sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Phải chăng điều ấy đã khiến một số công ty sách chỉ hướng đến lợi nhuận mà bất chấp cả luật pháp về quyền tác giả văn học?
Bìa sách "Hoa cúc áo" |
Giữa tháng 9 vừa qua, làng văn lại “nóng” lên với câu chuyện bị vi phạm bản quyền của nhà văn Trần Đức Tiến. Thật tình cờ là vào buổi sáng ngày 16/9, nhà văn đưa truyện ngắn “Hoa Cúc Áo” của mình lên trang facebook thì chỉ ít giờ sau đó, ông phát hiện ra truyện này lại được in thành sách ở Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Tác phẩm “Hoa Cúc Áo” được in khổ lớn (19x27cm), được minh họa rất bắt mắt, tái bản đến lần thứ 8 và bán với giá 9.500 đồng, nhưng tên tác giả lại là Thu Hương. Nhà văn nhớ lại, trước khi đưa lên facebook thì truyện ngắn "Hoa Cúc Áo" đã được in ở một số sách báo, trong đó có cả sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, vì thế ông đã đưa những thắc mắc của mình lên trang cá nhân: Tại sao Nxb Giáo dục sử dụng tác phẩm để in sách, thậm chí tái bản nhiều lần trong suốt 8 năm mà không hề thông báo với tác giả? Thu Hương là ai, tại sao lại đứng tên tác giả truyện ngắn này?
Bìa sách "Trăng vùi trong cỏ" |
Ngay buổi chiều hôm đó, một đại diện của Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông (CTCPMT&TT) trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nội đã gọi điện cho nhà văn để trao đổi. Phía CTCPMT&TT cho biết: Năm 2005, tác giả Trần Đức Tiến gửi một chùm truyện tham dự cuộc thi “Sáng tác cho lứa tuổi mầm non” của Nxb Giáo dục (và được giải Nhất), trong đó có “Hoa Cúc Áo”, CTCPMT&TTđã sử dụng bản thảo “Hoa Cúc Áo” từ cuộc thi này để in cuốn sách nói trên. Ngoài bìa cuốn sách chỉ in tên sách, tên nhà xuất bản, nhưng bên trong (bìa phụ - bìa lót) có in trên đầu trang là “Thu Hương sưu tầm và biên soạn”, phía dưới in: “Dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến” và “Tranh: Nguyễn Kim Duẩn”. Người đại diện CTCPMT&TTmuốn được làm việc trực tiếp với tác giả để thỏa thuận giải quyết vụ việc và muốn ông ngay lập tức gỡ bài liên quan đến cuốn sách này trên trang facebook Trần Đức Tiến.
Về phía nhà văn Trần Đức Tiến, sau cuộc trao đổi điện thoại, ông không đồng ý với những lời lí giải và những đề nghị từ CTCPMT&TT nên đã quyết định ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (nơi ông đã ký hợp đồng bảo hộ tác quyền) làm việc. Ông cho biết: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng Trung tâm sẽ đòi lại được sự công bằng cho mình cũng như các nhà văn đã từng bị xâm phạm bản quyền, vì họ đã làm được vụ bản quyền của các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa với chính nhà xuất bản này. Tôi đã tập hợp được những bằng chứng để chứng minh tác phẩm đó thuộc quyền sở hữu của mình và Trung tâm cũng đang tiếp tục thu thập đầy đủ những cuốn sách in truyện ngắn “Hoa Cúc Áo”. Nhà văn nói thêm: “Tôi cho rằng CTCPMT&TT không có bất cứ lý do gì để biện minh cho sự vô trách nhiệm, vô cảm của họ khi im lặng một cách thản nhiên “luộc” tác giả đến lần thứ 8.”
Cách “chữa cháy” từ phía công ty sách
Tác giả Hồ Huy Sơn |
Trường hợp vi phạm bản quyền của các công ty sách trực thuộc hoặc liên kết với Nxb Giáo dục không phải chỉ xảy ra với tác phẩm của nhà văn Trần Đức Tiến. Khi bị tác giả phát hiện việc làm sai trái, các công ty thường có cách cư xử khá “lạ lùng” khiến cho nhiều người cảm thấy bị đối xử bất công, thậm chí bị xúc phạm.
Cách đây gần một năm, hồi cuối tháng 12/2016, nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn từng kiện Nxb Giáo dục về việc tự ý in hai bài viết “Con đường rơm” và “Hãy can đảm lên” của anh vào 2 cuốn sách:“Luyện tập Tiếng Việt 3”(trình bày trên giấy ô li)do Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản Giáo dục Gia Định tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm nội dung và “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3” của TS Lê Phương Nga chủ biên, do một công ty ở Hà Nội thực hiện - hai cuốn sách này đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giữ quyền công bố tác phẩm.
Là một tác giả, Hồ Huy Sơn cảm thấy buồn và bất bình khi bài viết của mình bị sử dụng khi chưa có sự cho phép, anh đã chia sẻ câu chuyện này trên trang cá nhân của mình. Sau đó một tháng, ông Nguyễn Văn Tùng - đại diện của NXB Giáo dục có gọi điện để trao đổi, trong đó có nói xin lỗi tác giả và xin được trả nhuận bút mỗi bài là 600.000 đồng.
Không đồng ý với cách giải quyết này, Hồ Huy Sơn đã chất vấn: “Mức nhuận bút 600.000 đồng/bài được căn cứ vào đâu? Vì cho đến hiện tại, tôi chỉ biết cuốn sách “35 đề luyện tập Tiếng Việt 3 xuất bản vào năm 2012, còn cuốn “Luyện tập Tiếng Việt 3” tôi hoàn toàn không được biết năm xuất bản. Ngoài ra, cả 2 cuốn sách tôi cũng không được biết về số lượng in, số lần tái bản như thế nào?”.
Sau đó, anh tiếp tục gửi thư cho ông Nguyễn Văn Tùng qua email, trong đó đề nghị gỡ bỏ hai bài viết của mình ra khỏi hai cuốn sách nói trên. Bên cạnh đó, anh cũng yêu cầu NXB Giáo dục và những người liên quan phải có công văn giải trình về việc này và phải xin lỗi tới tác giả. Tuy nhiên, sau đó anh không hề nhận được bất cứ văn bản nào từ NXB Giáo dục cũng như những người liên quan. Ngoài ra, tôi cũng không nhận được thêm bất cứ phúc đáp nào từ ông Nguyễn Văn Tùng - đại diện NXB Giáo dục.
Truyện "Hoa Cúc Áo" đăng trong tập Trăng vùi trong cỏ của tác giả Trần Đức Tiến |
Nhà văn Trần Đức Tiến sau khi ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam làm việc thì nhận được thông tin từ Trung tâm: CTCPMT&TT đã gửi email và công văn với nội dung: xin lỗi tác giả Trần Đức Tiến và xin được hoàn trả số tiền nhuận bút theo quy định. Tuy nhiên, Trung tâm cũng như chính nhà văn đều không chấp nhận cách giải quyết này bởi lẽ đó chỉ là cách “chữa cháy” chứ không xử lí vấn đề một cách hợp pháp. Nếu chỉ xin lỗi tác giả bằng email và công văn mà không công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì độc giả vẫn hiểu lầm Thu Hương mới là tác giả của truyện ngắn “Hoa Cúc Áo” khi số lượng phát hành cuốn sách trong suốt 8 lần tái bản là quá lớn. Bên cạnh đó, người biên soạn, biên tập sách lại không hề phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước tác giả và pháp luật về việc này?
Vẫn là sự “chờ đợi”?
Trong một cuộc hội thảo về bản quyền, ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam nêu ý kiến: “Ở Việt Nam, người ta không ăn cắp những cuốn sách cụ thể trong các hiệu sách, mà ăn cắp quyền tác giả, quyền đứng ra sản xuất các ấn phẩm. Điều này dường như đã trở thành một phong trào. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả, dẫn đến những hành động nửa vời, không triệt để. Nói cách khác, chúng ta không quy được trách nhiệm cụ thể khi có các vụ việc liên quan xảy ra.”
Với tư cách độc giả, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cũng cho rằng, việc bảo vệ bản quyền sách ở Việt Nam vẫn còn yếu kém và chưa được tiếp cận một cách nghiêm túc. Điều đáng buồn là nhiều độc giả rất thờ ơ, thiếu trách nhiệm với việc bảo vệ bản quyền khi họ vô tư chấp nhận và sử dụng những sản phẩm vi phạm bản quyền như một sự bình thường trong cuộc sống.
Đáng buồn hơn là không chỉ độc giả, mà ngay cả cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cũng không mấy mặn mà với vấn đề này. Chẳng hạn trường hợp Công ty Sáng tạo Trí Việt - First News khi phát hiện cơ sở in Huy Thi đã in lậu hàng chục ngàn bản sách của First News, trị giá lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng làm đơn khởi kiện thì ngay cả thẩm phán còn ngạc nhiên thắc mắc: “Sao lại kiện bản quyền nhỉ?”
Ông Đỗ Hàn – Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam là người trực tiếp đảm nhận giải quyết vụ vi phạm bản quyền của CTCPMT&TT với nhà văn Trần Đức Tiến, ông cho biết sau khi nhận được công văn từ Công ty, phía Trung tâm đã có công văn trả lời, trong đó yêu cầu rất cụ thể các nội dung: CTCPMT&TT phải công khai xin lỗi nhà văn Trần Đức Tiến trên phương tiện truyền thông đại chúng; thanh toán toàn bộ số tiền nhuận bút tính từ lần xuất bản đầu tiên đến lần tái bản thứ 8 và tính lãi suất theo đúng quy định của ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tìm ra Thu Hương là ai và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng trái phép tác phẩm của nhà văn, nếu Thu Hương là một người “không có thật” thì Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tuy nhiên, đến giờ này Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kì sự hồi đáp nào từ CTCPMT&TT... Những người quan tâm đang đặt ra câu hỏi: Liệu câu chuyện vi phạm bản quyền văn học có tiếp tục bị rơi vào im lặng vô cảm và sau một thời gian sẽ tái diễn trên diện rộng?
Nhà văn bị xâm phạm bản quyền: Đừng mủi lòng Trong hai tuần vừa qua, làng văn lại “nóng” lên với câu chuyện nhà văn Trần Đức Tiến bị “cướp trắng” tác phẩm “Hoa Cúc ... |
Tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong phòng ngủ khách sạn Sau một thời gian tạm dừng, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tuyên bố tiếp tục triển khai thu tác ... |