Để tìm được câu trả lời không chỉ dựa vào các chuyên gia quốc tế mà bản thân tự nền kinh tế trong nước phải giải quyết...
Trước thềm Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2019, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2030 với nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước cùng tham dự, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đặt ra 6 câu hỏi để trả lời cho nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 5 đột phá giai đoạn này.
Kinh tế Việt Nam còn lạc hậu. Ảnh: thép Việt Đức |
Sau khi trải qua vài phút im lặng, những chuyên gia, học giả quốc tế cũng đưa ra những ý kiến mang tính gợi mở, góp ý mà không có được câu trả lời trực tiếp, đủ thuyết phục có thể giải đáp một cách thỏa đáng các câu hỏi của Bộ trưởng.
Lý giải về việc này, PGS.TS Lê Cao Đoàn – Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, sự im lặng, ngỡ ngàng của các chuyên gia, học giả quốc tế trong hoàn cảnh này là rất dễ hiểu.
Theo vị PGS, đầu tiên phải nhìn rõ cái khó của các học giả, chuyên gia quốc tế khi phải mang tư duy, trình độ của một nước rất phát triển soi vào điều kiện thực tại của nước đang phát triển như Việt Nam.
Việt Nam bây giờ mới bước vào tư duy của một nền kinh tế phát triển trong khi các nước đã hướng tới một nền kinh tế công nghệ, nền kinh tế tri thức, nền kinh tế toàn cầu hóa. Tức là xét về khoảng cách, chúng ta đang ở rất xa so với họ.
"Khi Việt Nam còn đang loay hoay chưa làm rõ được nội hàm ý nghĩa của một nền kinh tế thị trường, vẫn đang từng bước chinh phục mục tiêu định hướng phát triển kinh tế gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì thế giới đã bước tới con đường cách mạng khoa học công nghệ, tức là đã đi tới một nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Kinh tế tri thức là hình thức phát triển cao nhất hiện nay của nền kinh tế hàng hóa, trong đó công thức cơ bản Tiền - Hàng - Tiền được thay thế bằng Tiền - Tri thức - Tiền và vai trò quyết định của tri thức.
Những sản phẩm được tạo ra từ nền kinh tế tri thức là lao động chất xám được khai thác và phát huy tối đa khả năng sinh lợi, mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp hóa chỉ là một phần và không thể tách rời khỏi quá trình phát triển kinh tế.
Khi đã đứng ở trên đỉnh quá cao mà nhìn xuống phía sau, thì khó tránh khỏi những phản ứng lúng túng, khó có được tiếng nói chung", vị chuyên gia nhận định.
Cũng theo PGS Lê Cao Đoàn, khoảng cách về tư duy, trình độ còn có thể rút ngắn theo thời gian nhưng để xóa bỏ sự khác biệt cơ bản giữa hai hình thái kinh tế mới là điều khó khăn nhất.
Bởi vì sự khác biệt cơ bản giữa hai hình thái kinh tế sẽ dẫn tới cách điều hành cũng như quan niệm thúc đẩy phát triển nền kinh tế sẽ rất khác nhau.
Một nền kinh tế toàn cầu là nền kinh tế tích hợp của nền kinh tế thị trường hiện đại với cách mạng khoa học công nghệ và kinh tế trí thức cùng với mạng dịch vụ sản xuất toàn cầu... Những yếu tố trên, chính là nền tảng phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Muốn xóa bỏ được những khoảng cách trên thì trước hết nền kinh tế Việt Nam cũng phải hòa nhập và đi theo xu hướng đó.
Bắt đầu từ việc xác định và xây dựng định hướng phát triển nền kinh tế thị trường theo một quy chuẩn chuẩn và hiện đại.
Theo vị PGS, chính nhờ có một nền kinh tế thị trường chuẩn và hiện đại mà kinh tế của các nước đã xuyên qua được hai làn sóng phát triển đó chính là làn sóng công nghiệp và làn sóng khoa học công nghệ để trinh phục nền kinh tế tri thức, nắm giữ một vị trí đỉnh cao của sự phát triển.
Trong khi, quan niệm về kinh tế thị trường trong nước vẫn còn nhiều điểm đối lập, thậm chí còn gây khó khăn, cản trở sự phát triển chung. Với một quan niệm đối lập như vậy không những rất khó giúp Việt Nam giải được bài toán phát triển mà khi đó, những nhân tố được xem là động lực thúc đẩy quá trình phát triển lại trở thành rào cản cho quá trình phát triển của nền kinh tế.
Lấy ví dụ như vốn FDI, đây là yếu tố rất quan trọng, yếu tố mang tính quyết định trong mạng lưới kết nối dịch vụ hiện đại toàn cầu, có khả năng giúp các nền kinh tế kém phát triển cải tổ tạo ra sự thay đổi nhảy vọt trong phương thức sản xuất trong tất cả các yếu tố cấu tạo nên hệ kinh tế thị trường, phục vụ mục tiêu phát triển.
Tuy nhiên, với một hệ kinh tế còn chứa đựng quá nhiều những yếu tố đối lập, thậm chí còn cản trở sự phát triển thì FDI không trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển mà còn là yếu tố kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
"Bằng chứng là những chính sách ưu đãi cũng như những lợi thế mà khối doanh nghiệp FDI và khối DNNN đang có bỗng nhiên trở thành gọng kìm kẹp chặt, kìm hãm sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Khi doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển, không thể vươn lên được thì không thể xây dựng được một hệ thống cơ bản tạo ra sự phát triển.
Ở hoàn cảnh “bẫy thu nhập trung bình” luôn giương cung chờ bắn mà bài toán phát triển không tìm được lời giải thỏa đáng thì nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” là khó tránh khỏi", vị chuyên gia nhận định.
Tiếp tục phân tích ở mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, PGS Lê Cao Đoàn cho biết, đây là yếu tố mang tính then chốt quyết định tới quá trình phát triển đã được đặt ra từ những năm 70 về trước nhưng tới nay mọi cuộc cách mạng khoa học công nghệ có thể nói là đều thất bại.
Từ cách mạng công nghiệp cơ khí hóa, hóa học hóa... đều không mang lại kết quả gì. Điều này là dễ hiểu, bởi khi chưa xây dựng được một nền kinh tế thị trường theo chuẩn hiện đại thì cũng không thể có được một chuẩn hiện đại trong ngành khoa học công nghệ.
Cũng giống như lâu nay chúng ta luôn nói tới tái cấu trúc nền kinh tế nhưng lại không hiểu rằng tái cấu trúc kinh tế là phải để tự nó thay đổi, tự nó tổ chức, tự sắp sếp, tự điều chỉnh lại trật tự của nền kinh tế theo xu hướng phát triển chung mà không cần chịu sự chi phối của bất kỳ một mệnh lệnh hành chính hay việc áp đặt các kế hoạch hành động cụ thể nào.
Khi nền kinh tế tự tái cấu trúc thì việc xác định lại vai trò chủ thể trong nền kinh tế là tất yếu. Khi đó, kinh tế tư nhân mới là chủ thể, nhà nước chỉ đóng vai trò đứng cạnh và hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển. Đây cũng chính là câu trả lời cho vai trò của một Nhà nước kiến tạo là phải như thế nào.
Vị PGS nói tiếp, cũng bằng với tư duy trên, vai trò của giáo dục tiếp tục được nhấn mạnh mà không hiểu hết rằng muốn tạo ra được nguồn nhân lực thích hợp với trình độ phát triển thì phải do chính hệ thống kinh tế thị trường tự tổ chức, tự hình thành, xây dựng lên các lực lượng sản xuất tương thích, đáp ứng yêu cầu phát triển của nó. Thậm chí, từ yêu cầu phát triển chính nền kinh tế sẽ tự thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước tham gia vào.
Ở Việt Nam, lâu nay giá trị GDP được tạo ra nhờ lao động, vốn, kỹ thuật và những yếu tố năng suất tổng hợp. Vì thế, nguồn lao động được xem là một nhân tố vật chất của nền kinh tế.
Trong nền kinh tế hiện đại, kinh tế trí thức nguồn nhân lực có sự thay đổi rất căn bản. Khi đó, khoa học, công nghệ chính là nguồn nhân lực thay thế mang tính quyết định trong phát triển kinh tế. Trong đó, tri thức là lực lượng cơ bản bao trùm. Khái niệm về nguồn nhân lực "con trâu đi trước cái cày đi sau" trở thành lạc hậu, lao động chân tay tụt xuống hàng thứ yếu, không được coi trọng.
Vì điều này mà đòi hỏi xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất nan giải đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Bởi trong quá trình phát triển, vấn đề đào tạo nguồn lao động chất lượng cao đã bị bỏ rơi phía sau, không được quan tâm đúng mức. Cho đến nay, nền kinh tế trong nước vẫn phát triển chủ yếu dựa vào nguồn lao động chân tay, không phù hợp với quá trình phát triển kinh tế hiện đại.
Một điều đáng lo ngại khác là khi nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cấu trúc lao động trong cộng đồng dân cư cũng bị thay đổi. Theo đó, số lao động trong tổng số dân số sẽ ngày càng thu hẹp, dân số ăn theo số người lao động càng lớn, nói một cách dễ hiểu là trước đây một đứa trẻ lớn lên có rất nhiều người nuôi như ông bà, bố mẹ thì sau này sẽ là một đứa trẻ phải nuôi rất nhiều người già.
Ở đây câu chuyện dân số và lao động là những yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển mà cần phải kiểm soát được các yếu tố này thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế.
"Để làm được như vậy thì quan niệm về đào tạo, xây dựng nguồn lao động chất lượng cao cũng phải thay đổi. Nguồn nhân lực cao thích hợp phải do chính hệ thống kinh tế thị trường tự tổ chức, khi đó chính nền kinh tế sẽ tự xây dựng nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển của nó.
Việc tách riêng công nghiệp hóa với phát triển kinh tế và bây giờ lại tách riêng giáo dục ra khỏi yêu cầu phát triển của nền kinh tế, sẽ rất khó xây dựng được một ngành công nghiệp phát triển và khó có được lực lượng nhân lực phù hợp", PGS Lê Cao Đoàn nhận định.
Từ sự quan sát nói trên, vị chuyên gia cho biết, tất cả những câu hỏi của Bộ trưởng đặt ra đều là những vẫn đề thực tế đang diễn ra trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, để tìm được câu trả lời thì không chỉ dựa vào các chuyên gia quốc tế mà bản thân tự nền kinh tế trong nước phải giải quyết nó.
Muốn giải quyết được nó thì yêu cầu đổi mới sẽ là không đủ mà phải dám mạnh dạn, phá hủy, từ bỏ những yếu tố không phù hợp đã lạc hậu để dần tiệm cận tới những yếu tố hiện đại, tiến bộ hơn.
Vấn đề là ai làm được và cái gì quyết định được sự thành bại trong lần thay đổi này, chính là yếu tố thị trường. Sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra động lực, tạo lợi nhuận. Nếu không thay đổi, sẽ không thể cạnh tranh. Sức sản xuất kém sẽ bị đè xuống.
Đây mới là những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hãy mơ cùng giấc mơ Việt ------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- 6 câu hỏi của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đặt ra cho các nhà học giả quốc tế là: Thứ nhất, xu hướng của nền kinh tế thế giới sẽ diễn ra như thế nào và những tác động tới nền kinh tế Việt Nam? Thứ hai, sự khác biệt về nội hàm của thuật ngữ nền kinh tế công nghiệp hoá và nền kinh tế phát triển. Việt Nam nên đặt vấn đề phát triển theo hướng nào để phù hợp với xu thế của thế giới cũng như đạt mục tiêu đề ra? Thứ ba, Nhà nước pháp quyền và Chính phủ kiến tạo có những đặc trưng nổi bật nào và đâu sẽ là trở ngại trong cải cách thể chế kinh tế? Thứ tư, hạn chế lớn nhất của Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực hiện nay là gì khi Việt Nam đứng trước tình cảnh "chưa giàu đã già". Với bối cảnh này, mô hình giáo dục nào sẽ phù hợp nhất? Thứ năm, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nên đi theo hướng nào? Làm thế nào để thúc đẩy và bài học thất bại và thành công từ các quốc gia đối với Việt Nam? Thứ sáu, làm thế nào để các vùng trọng điểm và cực tăng trưởng phát triển nhanh nhưng không "bỏ rơi" khu vực miền núi, khu vực khó khăn. Phân bổ nguồn lực như thế nào khi Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững? |
Hoài An (ghi)
Chủ tịch Cần Thơ làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Ông Võ Thành Thống, tân Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, là tiến sĩ kinh tế, từng làm hiệu trưởng Cao đẳng kinh tế ... |
Bị giả mạo văn bản, Bộ KH-ĐT đề nghị công an vào cuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Cục An ninh tiền tệ (A84) thuộc Bộ Công an để xem xét, điều ... |