Dù mới chỉ học hết lớp 7, nhưng anh Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ, Hải Dương đã sáng chế thành công hơn 30 máy phục vụ cho nông nghiệp như máy đánh luống, máy thu hoạch rau húng, máy rạch hàng, máy cày hai lưỡi, máy phun thuốc trừ sâu. Trong đó, robot gieo hạt tự động là sản phẩm anh tâm huyết...

Clip 1: Anh Phạm Văn Hát nói về những sáng chế.

[WIDGET_VIDEO:::1083]

Clip 2: Anh Phạm Văn Hát nói lý do từ chối 2 tỉ.

Nhà báo Hà Sơn: Những sáng chế đầu tiên của anh tạo ra vào thời gian anh sinh sống tại Isarel?

Anh Phạm Văn Hat: Tôi tình cờ tạo nên những sáng chế trong khoảng thời gian đang lao động tại xứ người. Từ sự vất vả khi ngày ngày phải làm việc trên cánh đồng hàng trăm ha, cách làm việc hết sức thủ công và tốn sức, tôi đã mạnh dạn đề xuất với người chủ mong muốn cải tiến những chiếc máy để đạt hiệu quả cao hơn.

Tôi không giỏi tiếng Anh, nhưng sau một hồi trao đổi qua lại, ông chủ hiểu và đồng ý cho tôi làm việc đó. Ban đầu ông chủ chưa thực sự tin tưởng và tìm tới Đại sứ quán nhờ phiên dịch cặn kẽ từng lời tôi nói để biết được khả năng thành công là bao nhiêu phần trăm.

Sau khi nghe giải thích kỹ lưỡng, họ để tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Tôi chỉ cần hai ngày đã hoàn thành xong việc sáng chế chiếc máy. Ông chủ rất hài lòng và có ý định đưa vào hoạt động nhưng tôi chưa muốn vì có thể khiến nó hoàn thiện hơn nữa. Tôi tiếp tục làm chiếc thứ hai và vẫn cảm thấy chưa thực sự ổn.

Tôi làm chiếc thứ ba, mọi thứ tương đối hoàn hảo và có thể đem ra đồng chạy. Bản quyền sáng chế chiếc máy đó của tôi được bán lại cho nhà nước ngay sau đó và chiếc máy cũng được sản xuất hàng loạt để phục vụ việc đồng áng của người dân. Từ đó, tôi nhận ra mình có tay nghề với ngành cơ khí và tiếp tục sáng chế ra thêm những chiếc máy khác.

Cụ thể những chiếc máy đầu tiên anh tạo ra là...

- Đó là máy dọn rau, máy cắt rau, cắt hành. Sau đó còn có máy phân chia luống và vài sản phẩm khác. Tất cả đều được chủ đưa vào hoạt động và hài lòng. Mỗi khi tôi sáng chế ra một loại máy có ích, chủ đều thưởng và tăng lương cho tôi nhưng tôi vẫn quyết định về nước lập nghiệp.

Những sản phẩm do anh sáng chế được sản xuất hàng loạt trên đất nước Isarel. Vậy người dân ở đó có biết và công nhận anh chính là người đã phát minh ra những chiếc máy đó?

- Tôi qua đó không biết ngoại ngữ, lạ nước lạ cái, hơn nữa hợp đồng của tôi lại là lao động phổ thông chứ không phải làm công việc sáng chế. Bởi vậy, có rất nhiều người không biết chuyện tôi đã tạo nên những chiếc máy đó. Tuy nhiên, một người Việt Nam làm nên điều có ích được ghi nhận tại nước ngoài là một chuyện rất đáng tự hào.

Anh được người chủ bên Isarel tôn trọng, yêu quý và trả một mức lương hậu hĩnh nhưng vẫn kiên quyết trở về Việt Nam. Vì sao vậy?

- Mục đích chính tôi sang nước ngoài lao động là muốn tìm hiểu xem vì sao ở Việt Nam mình trồng rau sạch không thành công và mục đích thứ hai mới là kiếm tiền. Tôi luôn có suy nghĩ đi làm thuê không bao giờ giàu. Cho dù mình có làm ở những nước phát triển, thu nhập cũng chỉ đủ mua đất, mua xe là hết. Nếu muốn giàu cần làm chủ.

Chính vì thế tôi quyết tâm về Việt Nam tự tạo dựng cơ nghiệp cho mình. Khi ấy rất nhiều người nói tôi mơ mộng hão huyền vì bỏ mức lương 2500USD một tháng để trở về Việt Nam với mong muốn làm giàu. Tuy nhiên giờ đây, mọi người đều tâm phục khẩu phục vì tôi đã hoàn thành tất cả những kế hoạch đặt ra.

Khi quyết tâm trở về nước, ngoài suy nghĩ làm chủ để đổi đời, anh có nghĩ đến việc nếu đem những sáng chế của mình về Việt Nam, anh sẽ được cả đất nước biết đến và mọi người xung quanh công nhận tài năng?

- Tôi biết những máy móc tôi tạo ra áp dụng tốt tại nước ngoài chưa chắc đã có thể sử dụng tại Việt Nam. Bởi vậy, về Việt Nam tôi phải bắt đầu lại từ đầu, sáng chế những chiếc máy phù hợp với hoàn cảnh lao động của dân mình.

Tôi đã từng nghiên cứu và có khá nhiều kinh nghiệm về làm nông, tôi biết người dân đang gặp những vấn đề khó khăn gì trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, tôi đã có sẵn trong đầu kế hoạch sáng chế những loại máy cần thiết khi về nước. Tất nhiên, những sản phẩm tôi tạo ra được biết đến rộng rãi và khả năng được công nhận khiến tôi vô cùng tự hào. Nhưng tôi làm việc này không chỉ vì đồng tiền mà còn muốn đem những sáng tạo của mình giúp đỡ cho bà con trên cả nước.

Số lượng máy móc anh sáng chế ra được khoảng bao nhiêu cái?

- Tôi ước tính khoảng trên 30 loại. Khi ở Isarel, tôi sáng chế được ba đề tài. Khi về đến Viêt Nam, ý tưởng của tôi nảy sinh ngày càng nhiều khiến con số tăng lên đáng kể.

Những sản phẩm anh tạo ra giúp ích được rất nhiều cho việc làm nông của bà con, hơn thế còn đem về cho anh mức thu nhập nhiều người mơ ước. Vậy anh giải quyết thế nào khi có người cố ý nhái lại những chiếc máy của anh và đưa vào hoạt động?

- Tôi cũng đã nghĩ nhiều đến vấn đề này. Để nghĩ ra một sản phẩm đưa nó vào hoạt động một cách hiệu quả rất khó nhưng để sao chép lại không hề khó khăn chút nào. Có những người vì lợi ích riêng, không muốn bỏ tiền mua bản quyền sáng chế nhưng vẫn muốn có sản phẩm tốt để tung ra thị trường thu lợi nhuận.

Chính vì thế từ khâu sáng chế, tôi đã cố gắng tạo ra những chiếc máy không dễ sao chép. Một trăm chiếc máy sẽ là một trăm kiểu khác nhau, một khi đã tháo ra, lắp ráp lại sẽ không dùng được nữa. Bên cạnh đó tôi cũng có ý định đi đăng ký sở hữu trí tuệ. Bởi vậy, trường hợp sản phẩm của tôi bị ăn cắp bản quyền gần như không có.

Sản phẩm của anh không chỉ được bán trên khắp Việt Nam mà còn trải rộng sang 14 nước. Tuy nhiên, số lượng công nhân tại xưởng sản xuất không nhiều vậy làm thế nào để anh vẫn có thể cung cấp đủ máy móc cho thị trường?

- Tôi hầu hết đặt linh kiện từ nhiều nơi khác, về đến xưởng chỉ lắp ráp lại. Hơn nữa có một số loại máy móc phức tạp phải do chính tay tôi làm nên tôi không thuê nhiều nhân công. Tôi biết nếu thị trường đang cần sản phẩm mình chậm trễ, họ sẽ tìm đến nhà cung cấp khác. Nhưng tôi tự tin một điều, sản phẩm của tôi độc và lạ, không phải ai cũng có thể làm nên nhiều người sẵn sàng đợi mặc dù hơi muộn để có được những chiếc máy do tôi tạo ra.

Tất nhiên, sắp tới tôi cũng sẽ có điều chỉnh lại về mặt nhân công, không để tình trạng khách phải chờ lâu diễn ra nữa. Nếu được Nhà nước hỗ trợ chương trình sản xuất hàng loạt để máy móc đến tay người dân với giá thành thấp hơn và số lượng nhiều hơn thì quả là một điều may mắn.

Một chiếc máy của anh có giá thành như như thế nào và thời gian sản xuất bao lâu?

- Trung bình cứ hai ngày tôi dựng xong một chiếc máy. Những hôm không bận việc, không phải tiếp khách, tôi chỉ mất một ngày. Một chiếc máy đa năng có giá khoảng 35 triệu đồng, còn những chiếc máy chuyên dụng có giá thành rẻ hơn giao động từ 27 đến 30 triệu đồng.

Anh có nghĩ 35 triệu một chiếc máy là giá hơi cao đối với người làm nông?

- Những linh kiện lắp ráp máy không quá đắt nhưng để suy nghĩ sáng chế và lắp ráp nên một chiếc máy hoàn chỉnh mất rất nhiều chất xám và công sức. Đã có nhưng nơi trả tiền bản quyền cho sản phẩm của tôi lên đến 2 tỷ nhưng tôi không bán. Tôi nghĩ 35 triệu một chiếc máy nguyên gốc sản xuất tại Việt Nam so với những chiếc máy nhập nguyên liệu nước ngoài lắp ráp trong nước vẫn rẻ hơn rất nhiều. Thậm chí sản phẩm của tôi còn nhiều tính ưu việt hơn những chiếc máy nhập khẩu.

Anh chia sẻ, những chiếc máy anh tạo ra khi tháo ra sẽ khó để lắp vào và sử dụng tiếp. Vậy mỗi khi máy gặp trục trặc, người dân sửa bằng cách nào? Sau khi bán máy, anh có chế độ bảo hành cho sản phẩm của mình?

- Những chiếc máy tôi tạo ra suốt nhiều năm nay gần như chưa gặp phải trục trặc gì. Những bộ phận cốt lõi chính của máy được tôi gia công rất tỉ mỉ và cẩn thận. Những phần dễ hỏng chỉ là chi tiết phụ bên ngoài, có thể thay thế dễ dàng. Mỗi khi bán máy, tôi đều tặng cho người mua rất nhiều linh kiện thay thế nên chưa ai phàn nàn gì về chất lượng.

Trong số 14 nước lân cận mua máy móc của anh, quốc gia nào mua nhiều nhất?

- Các nước Đông Nam Á mua nhiều nhất. Các nước châu Âu như Đức, Ý cũng có mua nhưng chỉ một hai chiếc. Chủ yếu tôi bán cho những nước láng giềng gần Việt Nam.

Việc tiến hành đăng kí sở hữu trí tuệ để bảo vệ những đứa con tinh thần của anh ra sao?

- Tôi đã nhiều lần đi đăng kí nhưng vẫn chưa được. Dạo gần đây, thông qua báo đài, tin tức về tôi đã lan rộng và được nhiều người biết đến hơn. Cách đây vài ngày, Bộ Khoa học Công nghệ đã cử một đoàn tới đây hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ tôi trong việc đăng kí bản quyền. Điều đó khiến tôi yên tâm phần nào.

Được "cầm tay, chỉ việc", người dân sử dụng vốn vay hiệu quả

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội CSXH, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn ...

Anh nông dân sáng chế ra 200 loại máy nông nghiệp, thu 3,5 tỷ đ/năm

Bằng việc sáng chế ra những loại máy móc ưu việt phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh nông dân Trần Đình Lai SN 1975, ...

Anh nông dân chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua

Chuyện anh nông dân Phạm Văn Hát sinh năm 1972 chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều ...

http://vietnamnet.vn/vn/hotface/vi-sao-anh-nong-dan-lop-7-sang-che-robot-tu-choi-2-ti-406663.html

/ Vietnamnet