DW ngày 13/12 dẫn lời tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông tin về việc Berlin chưa thể cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Theo DW, tân Ngoại trưởng Annalena Baerbock khẳng định việc Đức chưa cấp phép cho "Dòng chảy phương Bắc 2" là bởi tuyến đường ống này không đáp ứng các yêu cầu về luật năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) và điều đáng lo ngại nhất đó là báo cáo về tính an toàn của dự án vẫn đang được xem xét.
Trước đó, Cơ quan điều hành năng lượng Đức cho biết sẽ đình chỉ quá trình phê chuẩn Dòng chảy phương Bắc 2 cho tới khi đơn vị điều hành dự án tại Thuỵ Sĩ chuyển đủ những tài sản quan trọng và nhân lực cho công ty con tại Đức.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là tuyến đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic. Dự án bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9/2021.
Dù được thiết kế để cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga đến châu Âu nhưng dự án vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Ukraine và Ba Lan với lý do lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Trước đây, từng có nhiều suy đoán cho rằng, quá trình cấp phép có thể được đẩy nhanh khi giá khí đốt tại châu Âu gia tăng do ảnh hưởng của thời tiết và nhu cầu khí đốt tăng vọt khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được dỡ bỏ. Tuy nhiên, tuyên bố của tân Ngoại trưởng Đức đã đi ngược lại so với những suy đoán này.
Nhận định về tuyên bố nêu trên, chuyên gia Henning Gloystein của Eurasia Group cho rằng, dự án đang bị tác động bởi những căng thẳng về mặt chính trị. “Bằng cách dừng cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2, chính phủ mới của Đức đã truyền đi một thông điệp rõ ràng là họ không sẵn sàng cúi đầu trước sức ép của Nga. Đây cũng là tín hiệu gửi tới các đồng minh như Mỹ và Ba Lan rằng, Berlin không phớt lờ những lời chỉ trích của họ đối với dự án”, ông Henning Gloystein nêu rõ.
Được biết, bà Annalena Baerbock là một chính trị gia của đảng Xanh. Các thành viên của đảng này đã công khai phản đối "Dòng chảy phương Bắc 2" trong chiến dịch bầu cử vừa qua, đồng thời kêu gọi không cấp phép cho dự án.
Tuy nhiên, 2 đối tác còn lại trong liên minh cầm quyền là đảng Dân chủ Xã hội và đảng Dân chủ Tự do (FDP) bày tỏ lập trường dè dặt hơn. Trước đó, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng tái khẳng định cam kết của Berlin ủng hộ việc trung chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu thông qua Ukraine.
Linh Đan
Dòng chảy phương Bắc-2 bị dùng làm công cụ khống chế Nga? |
Cửa ải cuối cùng đưa đường ống đắt giá Dòng chảy phương Bắc 2 vào hoạt động |