Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, EVN mua điện giá thị trường (giá cao), bán điện theo giá điều tiết của CP (thấp hơn giá mua trên thị trường phát điện cạnh tranh).
- Đại biểu Quốc hội: Tăng giá điện do EVN lỗ lớn là chưa phù hợp
- EVN đang làm gì để ứng phó với nguy cơ thiếu điện?
Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ, trong đó thị trường Phát điện cạnh tranh vận hành từ ngày 1/7/2012. Như vậy theo nguyên tắc của thị trường, EVN sẽ mua các nguồn điện có giá thấp rồi đến giá cao, do đó các nguồn từ thủy điện, điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho EVN.
Mua giá thị trường, bán giá điều tiết
“Nếu EVN không phải người mua duy nhất thì khách hàng phải chịu giá điện cao từ đơn vị sản xuất. Đơn cử, chúng ta vận hành Thị trường bán lẻ cạnh tranh theo thiết kế, lúc đó các nhà máy phát điện được chọn bán cho các khách hàng trực tiếp, như vậy nếu khách hàng mua điện của nhà máy sản xuất bằng dầu, khí thì khách hàng phải tự trả tiền, không ai mua hộ cả. Đấy là nguyên tắc của thị trường bán lẻ cạnh tranh. Còn EVN hiện vẫn là người mua duy nhất thì chi phí mua đắt tất cả dồn cho EVN chịu trong khi giá bán điện lại do Nhà nước điều tiết”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trả lời báo chí về khoản lỗ của EVN.
Theo ông An, EVN mua điện theo giá thị trường (giá cao), bán điện theo giá điều tiết của Chính phủ (thấp hơn giá mua trên thị trường phát điện cạnh tranh). Đó là chưa kể thời điểm này thủy điện (giá rẻ) không có nước nên sản lượng phát điện rất thấp, hiện tại hệ thống điện đang huy động nguồn điện có giá thành sản xuất cao để phục vụ cho nhu cầu của xã hội.
Ông An cũng thông tin thêm, khi vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh, các nhà máy phát điện sẽ được chọn bán cho các khách hàng trực tiếp. Như vậy, trong trường hợp khách hàng mua điện của nhà máy sản xuất bằng dầu, khí, sẽ phải tự trả tiền. Đấy là nguyên tắc của thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Về thông tin EVN có thể đề xuất tăng giá điện khi nguồn đầu vào huy động với giá cao, ông An cho rằng nhiệm vụ của EVN là phải đảm bảo cung ứng điện. Do đó, tập đoàn này hoạt động không vì hiệu quả kinh tế mà cắt điện, mặc dù chi phí mua điện mùa khô tăng cao.
"Chi phí sản xuất cao mấy thì cũng phải huy động mọi nguồn để đảm bảo cung ứng điện", ông An khẳng định nhưng cho biết chưa nắm rõ thông tin về việc EVN muốn tiếp tục tăng giá điện.
Đại biểu quốc hội đề nghị làm rõ khoản lỗ 26.000 tỷ đồng
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 báo lỗ 26.000 tỉ đồng.
Theo bà Yên, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019) và vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.
Các phóng viên nêu câu hỏi tại cuộc họp báo.
Đặc biệt, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Dẫn chứng, hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng…
"Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên hỏi.
Về nội dung số đại biểu Quốc hội vừa qua đã đưa ra ý kiến cần minh bạch khoản lỗ của EVN (năm 2022 được thông báo khoảng 26 nghìn tỷ đồng), ông Đặng Hoàng An cho biết, có một nghịch lý là EVN chỉ chiếm khoảng 38,4% tổng công suất toàn hệ thống điện Việt Nam nhưng EVN phải gánh toàn bộ lỗ. Trong khi các công ty phát điện, kể cả công ty thành viên của EVN, các Tổng công ty phát điện, công ty cổ phần nhiều doanh nghiệp vẫn có lãi.