Không chỉ phụ huynh, học sinh, chính giáo viên cũng tự tạo ra áp lực cho mình và đó là một phần nguyên nhân dẫn đến bạo lực.
Tại tọa đàm "Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp" do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 14/12, cô Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), chia sẻ gia đình, nhà trường, xã hội là ba thành tố gắn liền với nhau và cả ba thứ này đều tạo ra áp lực nhất định cho giáo viên. Phụ huynh bị áp lực về điểm số và đặt kỳ vọng quá cao về con mình.
Từng chứng kiến cảnh bố mẹ đánh, mắng thậm chí xé bài kiểm tra bị điểm thấp của con ngay cổng trường, cô Điệp cho rằng điều đó khiến con trở nên căng thẳng, đến trường chỉ học, học và học, làm môi trường học đường trở nên đáng sợ với đứa trẻ. Đây chính là áp lực đối với giáo viên khi cứ phải chạy theo mong muốn của phụ huynh.
Cô Phan Thị Hồ Điệp. Ảnh: Dương Tâm
"Tôi thường nói đùa phụ huynh đừng biến ước mơ cha đè nát cuộc đời con bởi nhiều bố mẹ mong làm nghề này nhưng chưa làm được nên muốn con thực hiện nó. Phụ huynh để sở thích, điểm mạnh của con sang bên cạnh, thay vào đó là ước muốn của họ khiến đứa trẻ mất đi tiếng nói, chính kiến của mình. Điều đó khiến cả học sinh và giáo viên áp lực", cô Điệp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giảng viên này nhận định xu hướng dạy con bằng nỗi sợ, dạy con theo lối độc đoán, uy quyền hay vẽ lên bức tranh u ám về đời sống học đường khiến con đón nhận nhà trường với nỗi sợ hãi, giáo viên cảm thấy khó khăn khi nhận những học sinh đó. Chưa kể, bố mẹ sỉ vả, dùng bạo lực để dạy con khiến chúng có thể áp dụng chính hình thức đó với các bạn và giáo viên.
Cuối cùng, theo cô Điệp, nhiều phụ huynh hiện nay quá ỷ lại vào nhà trường theo kiểu "trăm sự nhờ thầy cô" hoặc quá can thiệp vào đời sống học đường như muốn lập tổ thanh tra kiểm tra bếp ăn rồi dự giờ đột xuất. "Một giáo viên đứng lớp mà luôn phải lo lắng bởi những điều đột xuất đó thì bài giảng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào", cô Điệp đặt câu hỏi.
Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch vọng B, cũng cho rằng phụ huynh khiến giáo viên áp lực nhiều. Ví dụ khi có những sự việc nhẹ nhàng, cha mẹ không chia sẻ với giáo viên đã đưa lên mạng xã hội khiến những người không chứng kiến bị hiểu sai lệch. Nhiều người gần như không cộng tác với giáo viên trong việc chăm lo cho con.
Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B. Ảnh: Dương Tâm
Không chỉ phụ huynh, chính học sinh cũng là nguyên nhân khiến giáo viên căng thẳng. Cô Hoàng Phương Ngọc, giáo viên trường THCS Cầu Giấy, chia sẻ hàng ngày phải đối diện với nhiều học sinh ở các trình độ khác nhau. Học sinh giỏi rất kỳ vọng với giáo viên bởi các em thường đi học thêm nhiều với kiến thức cập nhật quốc tế trong khi những gì giáo viên học đều đã cách đây 10-15 năm.
"Chúng tôi buộc phải tự trau dồi, nâng cao chuyên môn để học sinh phục bởi các em không tâm phục mình thì không thể yêu thầy cô được và thầy cô càng trở nên áp lực hơn", cô Ngọc nói.
Ngược lại, với học sinh trung bình, nếu giáo viên dạy quá nâng cao, các em không hiểu gì thì cả phụ huynh và học sinh đều không hài lòng. Chưa kể, trong lớp còn nhiều học sinh cá biệt về tính cảnh, hoàn cảnh gia đình mà buộc giáo viên phải tìm hiểu, chú trọng đến tâm lý của các em.
Ở trường công lập, một lớp có thể lên tới 60 học sinh. Việc thiết kế bài giảng và giảng dạy sao cho phù hợp cũng là thách thức lớn với giáo viên. Cô Ngọc nhận định nhiều lúc, giáo viên phải làm thêm công việc của những nhà tâm lý, đôi khi giống như cha mẹ các em.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) chỉ ra một số nguyên nhân tạo nên áp lực, trong đó nhấn mạnh đến giáo viên.
Theo thầ, hầu hết giáo viên được đào tạo theo cách cũ, bảo thủ, luôn nghĩ không ai hơn mình và mình sinh ra để dạy mọi người. Hơn nữa, lâu nay giáo dục Việt Nam luôn coi trọng việc dạy học sinh ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật và thầy cô hiện tại cũng là sản phẩm của lối dạy đó. Vì vậy, thầy cô không chấp nhận học sinh hư, tỏ ra bức xúc và ngay lập tức xử lý những em không vào khuôn phép. "Áp lực rồi dẫn đến bạo lực", thầy giáo hơn 70 tuổi nói.
Thầy Nguyễn Văn Hòa chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Dương Tâm
Lối dạy học hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là cung cấp kiến thức dẫn đến tình trạng chạy theo điểm số, thi cử, thành tích và các chỉ tiêu thi đua. Nhà trường, phụ huynh, học sinh đặt áp lực lên giáo viên và chính giáo viên cũng tự tạo ra áp lực cho chính mình.
Thầy Hòa cho rằng nhà trường hiện tại chưa tạo được môi trường giáo dục thân thiện, không hỗ trợ, chưa là chỗ dựa cho thầy cô. Một người mắc lỗi, cả trường run sợ, quay ra điều tra lẫn nhau. Các thầy cô không tin tưởng nhau thì không thể tạo niềm tin cho phụ huynh.
Ngoài ra, các buổi tập huấn cho giáo viên chưa đúng cách, nặng nề và còn nhiều quy định. "Bây giờ, tập huấn phải mang tính trải nghiệm, phát huy tính tự nhận thức của giáo viên, khiến họ tự đổi mới, sáng tạo. Thầy cô phải là nhà giáo dục, người truyền cảm hứng. Đó mới là giáo viên", thầy Hòa nói.
Thầy Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng giáo viên không yêu trẻ, yêu nghề thì khó vượt qua các áp lực và ngược lại. "Người yêu nghề, hài lòng với công việc thì không lý gì không kiểm soát được mình và không lý gì không đem lại điều tốt đẹp cho học sinh", thầy Sơn nói và cho rằng chỉ khi định hướng nghề đúng, công tác tuyển sinh tìm được sinh viên phù hợp với nghề mới có thể cải thiện được điều này.