Ngày 20/6, nhà phát triển ứng dụng Grab có trụ sở tại Singapore thông báo sẽ sa thải hơn 1.000 nhân viên, tương đương 11% tổng nhân sự.
Đây được xem là đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất của Grab kể từ sau đại dịch Covid-19.
Trong thư gửi đến nhân viên được đăng tải trên trang web của Grab, Giám đốc điều hành (CEO) Grab - Anthony Tan khẳng định động thái cắt giảm này không phải là "đường tắt để có lợi nhuận" mà là tái cấu trúc chiến lược để thích ứng với môi trường kinh doanh.
“Sự thay đổi chưa bao giờ nhanh như vậy. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo đang phát triển từng ngày với tốc độ chóng mặt. Chi phí vốn tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường cạnh tranh”, theo ông Tan.
Một nhân viên giao hàng của Grab
CEO của Grab cũng nhấn mạnh, mục tiêu chính của quyết định này là tổ chức lại công ty một cách chiến lược, để có thể đi nhanh hơn, làm việc thông minh hơn và tái cân bằng các nguồn lực trong danh mục đầu tư để phù hợp với những chiến lược lâu dài.
Ông cũng cho biết, kể cả không cần sa thải nhân viên, Grab vẫn đang trên đà hòa vốn trong năm nay. Năm 2020, Grab đã cắt giảm 360 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động toàn thời gian, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Siêu ứng dụng Grab được thành lập từ năm 2012 cung cấp các dịch vụ giao hàng, chở khách tại 8 quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Dù dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, nhưng Grab vẫn chưa đạt được lợi nhuận do chi tiêu cho tăng trưởng và sự cạnh tranh từ các đối thủ như tập đoàn GoTo của Indonesia.
Cổ phiếu của Grab đã giảm khoảng 70% kể từ khi ra mắt thị trường chứng khoán ở New York vào cuối năm 2021.
Ngoài ra, Grab cũng đang phải đối mặt với khả năng tăng trưởng chậm khi khách hàng chật vật với lạm phát cao và lãi suất tăng.