Theo số liệu quan trắc của AirVisual, sáng 22/11, Hà Nội lọt Top 7 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất.

o-nhiem-moi-truong-1700624636329915252650
Hà Nội vào top báo động về ô nhiễm không khí theo số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual.

Số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual, lúc 9h ngày 22/11, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội đỏ rực với AQI 184 và chất gây ô nhiễm chính là bụi PM2.5 có nồng độ 120 microgram/m3, cao gấp 24 lần mức giới hạn của WHO. Còn tại TP.HCM, chỉ số ô nhiễm là 162, nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 13 lần mức giới hạn.

Ngoài ra, nhiều tỉnh phía Bắc như: Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa đều có khu vực có chỉ số ô nhiễm nằm trong ngưỡng đỏ báo động.

Riêng tại Hà Nội, chất lượng không khí khu vực Tây Hồ là 187, còn nồng độ PM2.5 cao gấp 25,32 lần so với khuyến cáo của WHO. Tình trạng ô nhiễm cũng tương tự cũng được ghi nhận tại Ngọc Lâm, Long Biên, Giảng Võ (Ba Đình), Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy)… Đến 10h30, chỉ số AQI nhiều địa điểm ở Hà Nội tăng vượt ngưỡng 190.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra trong những ngày qua, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, đã chia sẻ với Báo Giao thông về nguyên nhân và những tác hại từ hiện tượng này.

- Những ngày gần đây, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc luôn nằm trong ngưỡng đỏ, từ 160-190. Hiện tượng này có liên quan yếu tố bất thường nào không, thưa ông?

- TS Hoàng Dương Tùng: Với chỉ số AQI đỏ, thậm chí vượt ngưỡng 180 là ở mức nguy hiểm, cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, dù chỉ số ở mức báo động nhưng ở mùa này thì không có gì khác biệt so với mọi năm. Bởi ở khu vực phía Bắc, mùa đông được gọi là mùa ô nhiễm, đặc biệt ở Hà Nội, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

- Gọi mùa đông ở Hà Nội là mùa ô nhiễm - phải chăng yếu tố thời tiết dịp cuối năm là nguyên nhân tác động đến chỉ số ô nhiễm không khí ở khu vực miền Bắc?

- TS Hoàng Dương Tùng: Không phải mùa đông nhiều nguồn ô nhiễm hơn mùa hè, mà nguồn ô nhiễm như nhau, đến từ sản xuất công nghiệp, đốt rác, đốt rơm rạ, khí thải giao thông, bụi từ xây dựng… nhưng lại chịu tác động từ thời tiết khác nhau.

Mùa hè, mưa gió nhiều giúp thổi đi, rửa trôi, còn mùa đông ẩm thấp, lặng gió, ít mưa, làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp thay vì thoát lên cao hoặc tỏa rộng ra các vùng khác. Chính vì vậy, nồng độ bụi mịn trong không khí cũng sẽ gia tăng, kéo chỉ số AQI lên cao.

edit-htd-1700628368149774996200
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

- Theo các ứng dụng quan trắc, Hà Nội và nhiều địa phương có chỉ số ô nhiễm không khí và nồng độ bụi mịn PM2.5 rất cao, thậm chí gấp hàng chục lần so với khuyến cáo ảnh hưởng sức khỏe của WHO. Tình trạng này có đáng ngại không, thưa ông?

- TS Hoàng Dương Tùng: Thực tế chỉ một vài nơi có thể đạt được khuyến cáo của WHO, phần lớn là vượt ngưỡng, nhưng vấn đề là vượt cao hay thấp và xu thế thế nào. Tuy nhiên, việc vượt ngưỡng theo khuyến nghị được khẳng định là có hại cho sức khỏe và đáng lo hơn là xu thế vượt đó không giảm và ngày một gia tăng. Điều này cho thấy việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm chưa được tốt, có vẻ xuất hiện thêm nhiều nguồn ô nhiễm mới. Điều đó rất đáng lo ngại và rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe con người.

Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư… Cần phải lưu ý rằng không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn. Nhiều thống kê về y tế cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh lý về hô hấp, ung thư liên quan đến phổi tại các bệnh viện ngày càng tăng.

Có 2 nguồn bụi mịn PM2.5 gồm sơ cấp và thứ cấp. Bụi sơ cấp phát sinh trực tiếp từ hoạt động như từ các quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt rơm rạ sau thu hoạch, đốt rác, bụi đường, từ các công trường xây dựng. Loại thứ 2 là thứ cấp, được tạo ra thông qua các phản ứng hóa học từ một số hợp chất khác nhau có trong không khí.

Để hạn chế bụi mịn, việc đầu tiên cần phải xác định rõ nguồn ô nhiễm, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu.

- Ông có khuyến cáo gì trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang luôn ở mức báo động như hiện nay?

- TS Hoàng Dương Tùng: Trước hết phải khẳng định về mặt khí hậu, thời tiết thì con người không thể chủ động được. Đó là quy luật của thiên nhiên. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát được các nguồn thải do con người gây ra.

Ví như nguồn khí thải từ phương tiện giao thông với số lượng phương tiện cá nhân rất lớn, sản xuất từ các làng tái chế, các hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ sau thu hoạch, đốt rác… cần được kiểm soát chặt chẽ.

Mỗi người nhận thức, trách nhiệm sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường.

Trước điều kiện không khí ô nhiễm, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý. Người dân phải thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; Hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp.

Người dân cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm đặc thù này. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho các con ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.

Đối với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm. Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.

Uyên Vũ / Báo Giao thông