Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023.

Đó là thông tin được quan tâm trong lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 12/12.

Theo thông cáo được phát đi tại buổi lễ, cùng cả nước, kinh tế ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. 

Đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 là sự hồi phục của khu vực công nghiệp và dịch vụ với mức tăng trưởng năm 2022 đạt 11%. Đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định so với giai đoạn trước.

base64-1702370309869406989448
Nguồn nhân lực ở ĐBSCL vẫn đang trong vòng xoáy đi xuống.

Nhưng vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL. Sau hai năm đại dịch với dân số tăng mạnh do lao động hồi hương, đến năm 2022, tình hình dân số ĐBSCL quay về xu hướng trước đó khi người lao động bắt đầu quay trở lại vùng Đông Nam bộ. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, dân số của ĐBSCL chỉ tăng khoảng 10.000 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của ĐBSCL (0,55‰) cũng thấp nhất trong số các vùng và thấp hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (9,7‰). Kết hợp với mức độ già hóa dân số cao nhất nước, ĐBSCL sẽ nhanh chóng mất đi trạng thái dân số vàng chỉ trong vài năm tới.

Chất lượng lao động, thể hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng.

Quá trình nghiên cứu, VCCI Việt Nam đúc kết có 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bao gồm: Điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư - kinh doanh; cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng.

Trong những năm qua, ĐBSCL đang được quan tâm nhiều hơn, nhiều nghị quyết quan trọng đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành để định hướng, quy hoạch và thiết lập cơ chế để vùng phát triển. 

Dù vậy, VCCI Việt Nam nhìn nhận rằng, cơ chế hợp tác chính thức giữa các địa phương trong vùng hiện đang rất cần được sớm hình thành để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực vốn có. Trước đây nhiều mô hình quản trị và liên kết vùng được thiết lập nhưng hầu như chưa đạt được kết quả như mong đợi. 

Điều này dẫn đến sự phân tách hay trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương để giành lấy lợi ích và thành tích phát triển, đang làm cho ĐBSCL trở nên khó khăn hơn.

Để giải quyết 6 nhóm nguyên nhân này, nhóm nghiên cứu báo cáo cho rằng cần hướng đến tháo gỡ một trong những mắt xích của ba vòng xoáy kinh tế - xã hội - môi trường để tạo vòng xoáy đi lên. Ngoài ra, ĐBSCL cần nhận diện các điểm nghẽn hay nút thắt của thể chế, quản trị và mối liên kết hợp tác vùng. 

Vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh thành để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Có như vậy, ĐBSCL mới có thể thành điểm sáng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội theo mục tiêu đề ra.

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 là kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao tại Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2022.

Công trình được thực hiện bởi VCCI Việt Nam và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM). Báo cáo được hoàn thành dưới sự chỉ đạo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chủ trì biên soạn là ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL và tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020.

Trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia thực hiện. Các dữ liệu kinh tế được thu thập, tổng hợp bởi VCCI chi nhánh ĐBSCL từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguyên Việt / Báo Công Thương