Mobifone thời ông Cao Duy Hải làm tổng giám đốc bắt đầu sự trượt dốc về lợi nhuận cho dù doanh thu vẫn tăng đều. Nguyên nhân là do chi phí lãi vay tăng vọt và chi đầu tư mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn khác tăng vọt
Ngày 21.8, Bộ TT&TT đã công bố quyết định cho ông Cao Duy Hải thôi giữ chức Tổng giám đốc và Thành viên Hội đồng thành viên của MobiFone vì những sai phạm liên quan đến vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Mobifone ngày 20.4.2015.
Ông Cao Duy Hải bị thôi giữ chức Tổng giám đốc và Thành viên Hội đồng thành viên của MobiFone
Theo báo cáo tài chính của Mobifone, Công ty CP đầu tư nghe nhìn toàn cầu (AVG) được mua lại thời điểm ông Cao Duy Hải làm Tổng giám đốc. AVG được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần gần nhất là 25.7.2016, đến ngày 31.12.2016 thì Mobifone mua lại và sở hữu 95% cổ phần AVG.
Nhìn lại giai đoạn ông Cao Duy Hải làm Tổng giám đốc, Mobifone bắt đầu sự tụt dốc về lợi nhuận cho dù doanh thu vẫn tăng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, lợi nhuận của Mobifone ngày càng đi theo chiều hướng giảm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 5.441 tỷ đồng, thì đến năm 2016 giảm xuống còn 4.223 tỷ đồng và tăng nhẹ trong năm 2017 với kết quả 4.499 tỷ đồng. Đến 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Mobifone chỉ còn 1.950 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2.623 tỷ đồng, giảm 25,5%.
Lợi nhuận sụt giảm nhưng doanh thu của Mobifone vẫn tăng và cùng với đó là sự tăng vọt của chi phí tài chính, mà điểm nhấn là chi phí lãi vay.
Theo báo cáo tài chính của Mobifone, năm 2015 chi phí tài chính của Mobifone là 19,2 tỷ đồng, trong cho chi phí lãi vay khá khiêm tốn ở mức 1,2 tỷ đồng thì đến 6 tháng đầu năm 2018, chi phí lãi vay tăng vọt lên 36,1 tỷ đồng.
Mặc dù báo cáo tài chính của Mobifone cho thấy nợ vay rất thấp và chủ yếu vay ngắn hạn, trả luôn trong năm nhưng vẫn điều đó vẫn tác động tới chi phí lãi vay của doanh nghiệp này. Cụ thể, trong năm 2016, Mobifone đã vay 5.787 tỷ đồng và đã trả ngay trong năm; năm 2017 phát sinh vay 3.089 tỷ đồng ngắn hạn, đến cuối năm còn nợ lại hơn 558 tỷ đồng và 1.390 tỷ đồng nợ dài hạn. Tổng năm 2017 vay nợ của Mobifone là 1.948 tỷ đồng. Đến 30.6.2018, Mobifone đang vay nợ 1.835 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền tệ của Mobifone cũng cho thấy giai đoạn ông Cao Duy Hải làm tổng giám đốc thì chi đầu tư mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác tăng vọt. Năm 2015 khoản chi này là 2.448 tỷ đồng thì đến năm 2016 tăng lên 5.552 tỷ đồng và năm 2017 tăng lên 6.799 tỷ đồng.
Một điểm nữa cũng cho thấy sự sụt giảm về lợi nhuận và doanh thu của Mobifone trong 6 tháng đầu năm, đó là sau khi nhà mạng này dừng thanh toán thẻ cào các dịch vụ số và game online. Cuối tháng 4 vừa qua, đồng loạt các nhà mạng Mobifone, Vinaphone và Viettel thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ sử dụng thẻ cào để nạp tiền tài khoản game và các thanh toán nội dung số.
Động thái này diễn ra sau khi đường dây cờ bạc nghìn tỷ sử dụng theo cào điện thoại được cơ quan điều tra phát hiện và xử lý. Theo cơ quan điều tra, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng từ 15,5 - 16,3%. Việc tạm ngừng dịch vụ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp viễn thông.
Theo báo cáo tại một hội nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Mobifone chịu ảnh hưởng nặng nhất trong ba nhà mạng, mất 10% doanh thu, 5% lợi nhuận. Ảnh hưởng này đã được thể hiện ngay trong báo cáo tài chính được Mobifone công bố. Theo đó, doanh thu quý II của nhà mạng này chỉ đạt 8.428 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm doanh thu của Mobifone đạt 17.232 tỷ đồng, giảm 8% so với nửa đầu năm ngoái.
Mặc dù doanh nghiệp này đã nỗ lực giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận của Mobifone vẫn giảm sâu 42% trong quý II vừa qua xuống còn 946 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, nhà mạng này đạt 1.950 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Với kết quả này, Mobifone còn cách rất xa mục tiêu kinh doanh cả năm 2018 là 47.400 tỷ đồng doanh thu và 6.084 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hồi đầu năm, trong báo cáo kế hoạch kinh doanh, Mobifone cho biết, thị trường viễn thông trong nước được dự báo tăng trưởng chậm ở mức 3 – 5%.
Đáng chú ý, báo cáo của Mobifone cũng cho thấy tiền và các khoản tương đương của doanh nghiệp này tăng thêm hơn 8.500 tỷ đồng tiền nhận được từ các cổ đông của Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) và lãi tiền gửi.
Đây là số tiền Mobifone nhận lại sau khi các bên chấm dứt hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 13/3 vừa qua.
Tuy vậy do các thủ tục liên quan chưa hoàn thành, đến ngày 30.6.2018, Mobifone vẫn ghi nhận khoản đầu tư và nắm giữ 95% cổ phần của AVG và một số công ty liên quan như Công ty cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh, Công ty sản xuất chương trình An Viên, Công ty phân phối An Viên.
Thuê bao VinaPhone, MobiFone, Viettel sắp được chuyển mạng giữ số chỉ với 120.000 đồng Người dùng di động sẽ có thể thoải mái chuyển đổi giữa các nhà mạng mà không phải thay đổi số thuê bao. Việc chuyển ... |
MobiFone đã chuyển 1.000 SIM 11 số về 10 số Việc chuyển đổi tiến hành từ đêm 8/8, kết thúc vào 02h30 ngày 9/8 và 1.000 thuê bao MobiFone đầu tiên đã được chuyển đổi ... |
Sau Viettel và VinaPhone, MobiFone chuẩn bị khóa SIM thiếu chân dung Đầu tháng 6/2018, Viettel và VinaPhone đã bắt đầu thực hiện khóa một chiều dịch vụ với các khách hàng thiếu thông tin. MobiFone cũng ... |
Thứ trưởng bộ TT&TT nói về kết luận vi phạm vụ Mobifone mua AVG Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm nghiêm trọng trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG là ... |