Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis sẽ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Nga, đồng thời tác động tiêu cực đến quan hệ song phương.
Quyết định của Nhật Bản về việc mua lại và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ trên lãnh thổ của nước này đã khiến Nga trở nên khó chịu. Phía Tokyo cho rằng việc triển khai lá chắn trên sẽ giúp nước này an toàn hơn trước những nguy cơ từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, việc triển khai Aegis Ashore sẽ dẫn tới sự suy thoái các mối quan hệ song phương giữa Moscow và Tokyo.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
“Những hành động như vậy trực tiếp mâu thuẫn với ưu tiên xây dựng lòng tin quân sự và chính trị giữa Nga và Nhật Bản, đồng thời tác động tiêu cực sẽ bao trùm toàn bộ không gian quan hệ song phương, bao gồm các đàm phán về vấn đề hiệp ước hòa bình”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Nga đang dần được hàn gắn từ khi Nhật Bản cùng các thành viên nhóm G7 quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow sau khi vùng Crimea sáp nhập vào quốc gia này năm 2014.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vào đầu năm 2016, đã bắt đầu khôi phục quan hệ song phương và theo đuổi các thỏa thuận kinh tế với Nga.
Trong số các vấn đề thuộc chương trình nghị sự song phương có một điểm đáng chú ý là tình trạng của quần đảo Kuril mà phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Moscow tuyên bố toàn bộ các đảo thuộc chủ quyền Nga, trong khi Tokyo khẳng định 4 trong số các đảo là lãnh thổ của Nhật Bản. Hai quốc gia đã thảo luận về tình trạng của những hòn đảo đó trong suốt 18 tháng qua với rất ít kết quả khả quan.
Khi những căng thẳng giữa Nga và Nhật Bản chưa được giải quyết, tình thế giữa hai nước như bị đổ thêm dầu vào lửa khi phía Tokyo quyết định triển khai Aegis.
Việc Nga phản đối Nhật Bản triển khai hệ thống Aegis Ashore xoay quanh những quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở châu Á cũng như việc tuân thủ các hiệp định kiểm soát vũ khí trước đó.
“Trong thực tế, việc triển khai Aegis là sự vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bởi Mỹ, với sự hỗ trợ của Nhật Bản”, bà Zakharova nói, nhắc tới thỏa thuận được ký kết năm 1989 giữa Liên Xô và Mỹ nhằm tiến tới loại bỏ toàn bộ tên lửa đạn đạo và tên lửa điều hướng phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Hiệp ước INF là thỏa thuận về kiểm soát vũ khí duy nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh vẫn còn có hiệu lực giữa Nga và Mỹ.
Từ lâu, Nga luôn coi rằng hệ thống tên lửa theo phương thẳng đứng Mark-41 nằm trong Aegis vi phạm Hiệp ước INF vì nó có thể phóng tên lửa tấn công hành trình. Hệ thống này được sử dụng để phóng tên lửa điều hướng trên các tàu khu trục của Hải quân Mỹ.
Hệ thống lá chắn tên lửa Aegis một khi được lắp đặt sẽ có tầm bao phủ toàn lãnh thổ Nhật Bản và được trang bị hệ thống đánh chặn thế hệ mới SM-3 Block 2A với tầm phủ sóng và độ chính xác cao hơn so với phiên bản SM-3 trên tàu khu trục Aegis.
Hệ thống phòng thủ Aegis.
Các quan chức bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, mỗi hệ thống đánh chặn tên lửa do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo sẽ tốn ít nhất 100 tỷ yên (tương đương khoảng 888 triệu USD).
Hiện tại, Tokyo đã có 2 lớp phòng thủ tên lửa là tàu khu trục Aegis của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản được trang bị hệ thống đánh chặn SM-3 và hệ thống đánh chặn mặt đất PAC-3.
Quyết định triển khai thêm hệ thống phòng thủ Aegis được cho là sẽ giảm gánh nặng cho lực lượng phòng vệ quốc gia trong nỗ lực phòng thủ tên lửa.
Trong một diễn biến khác, quân đội Nga vừa thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat, được đánh giá là loại vũ khí có thể xuyên thủng lá chắn phòng thủ Mỹ, đảm bảo sức răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.
Một quan chức giấu tên của Nga cho hay Sarmat có tầm bắn lên đến 11.000km, có thể mang 10-15 đầu đạn hạt nhân với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT. Bên cạnh đó, chúng có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyền nên khó bị đánh chặn.
Việc Nga thử nghiệm thành công các loại tên lửa trong thời gian gần đây khiến Mỹ trở nên lo lắng hơn bao giờ hết. Nó cũng khiến giới quan sát quan ngại bởi quan hệ hiện tại giữa Moscow và Washington vẫn rất xấu, trong khi hai bên liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí khác nhau.
Nga chỉ trích Nhật phá quan hệ khi triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ nước này sẽ gây ... |
Nhật Bản lập căn cứ tên lửa đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc Nhật Bản đang xây dựng các căn cứ tên lửa gần Trung Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ nước ... |