Theo con số của Tổng cục Thống kê, nước ta hiện có khoảng 35 triệu lao động ở khu vực phi chính thức, nhưng theo con số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), hiện chỉ mới có hơn 1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
- Sắp có quy định mới nhất về thời hạn, mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho ô tô, xe máy?
- Học sinh, sinh viên ở Hà Nội có thể lựa chọn 3 phương thức đóng bảo hiểm y tế
Một con số rất nhỏ, trong khi khu vực lao động phi chính thức đóng góp không ít vào sự phát triển kinh tế xã hội. Hàng chục triệu người sau này ra khỏi độ tuổi lao động sẽ tạo áp lực rất lớn tới hệ thống an sinh xã hội. Giải pháp nào để thu hút họ tham gia BHXH tự nguyện? Để đạt mục tiêu 2,5% lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2025 là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Cái khó bó cái khôn
Quê ở Nam Định, hai đứa con lên học đại học trên Hà Nội, chị Dương Thu Hương cũng khăn gói quả mướp lên theo để bán hàng thuê nuôi con ăn học. Ba mẹ con thuê một căn phòng trọ chừng 15m2 ở ngay sát Trường Đại học Kinh tế quốc dân tiện cho con đi học. Ban ngày bán hàng thuê cho một cửa hàng quần áo ở phố Chùa Bộc, tối về mấy mẹ con chị lại mở quán nước và bán hàng ăn vặt.
Đề cập đến việc tham gia BHXH tự nguyện, chị Hương cho hay, cũng mong muốn có thể tham gia được để sau này khi không còn sức lao động vẫn có thể tự lo được cho bản thân nhưng “cái khó nó bó cái khôn”.
“Tôi là lao động tự do, công việc bấp bênh, thu nhập hàng ngày trả tiền thuê nhà, tiền học cho con là hết. Đó là khi khỏe mạnh, lúc ốm đau còn phải lấy chỗ nọ vá chỗ kia thì làm sao có thể theo được BHXH tự nguyện. Bản thân tôi từ lâu rất muốn tham gia BHXH để sau này già cả, không còn sức lao động cũng còn có chỗ mà dựa, nhưng công việc không đều, nay được mai không, hơn nữa thời gian đóng BHXH lại dài nên những người như chúng tôi rất khó có thể theo được”, chị Hương chia sẻ.
Cũng là lao động tự do, chị Nguyễn Thị Luyến (Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, vợ chồng chị cũng từng tính tham gia BHXH tự nguyện, nhưng sau khi tính toán kỹ lưỡng, cả hai vợ chồng đã quyết định không tham gia.
Chị Luyến cho biết, gia đình chị có nghề làm bún, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ đủ ăn và nuôi hai con ăn học. “Cháu lớn cũng đã học đại học năm thứ 2, cháu bé đang học lớp 11 rồi. Nếu cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH tự nguyện mà thời gian kéo dài đến 20 năm thì quá khó khăn. Lúc khỏe còn cố được chứ lúc yếu còn nuôi con nữa thì lo sao nổi. Thêm nữa trước đây khi tìm hiểu tôi được biết, BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là lương hưu và tử tuất, còn những chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động thì không được hưởng. Chính sách như thế thì hơi thiệt thòi”, chị Luyến cho hay.
Chính sách cần linh hoạt
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, đa số lao động tự do hiện chưa quan tâm tiếp cận BHXH tự nguyện bởi họ là những người có thu nhập thấp, công việc vất vả, thời gian làm việc không cố định. Thu nhập hàng tháng cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt và với lao động di cư thì còn phải dành dụm gửi về gia đình nên chưa có ý định mua BHXH tự nguyện.
Theo bà Nguyễn Thu Giang, Viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, có một số nguyên nhân dẫn đến việc mới chỉ có một số lượng nhỏ lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Đó là do người lao động chưa hiểu hết giá trị của BHXH tự nguyện. Cùng với đó, công tác truyền thông về BHXH tự nguyện chưa hiệu quả để tiếp cận với nhóm lao động rất lớn này. Nhưng một lý do quan trọng nữa là các chính sách của BHXH tự nguyện cũng chưa thực sự thu hút được người lao động tham gia. Đơn cử như việc họ không được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với họ, nhất là những lao động nữ, đây là những chính sách họ mong muốn được hưởng.
“Chúng ta hiện có khoảng gần 40 triệu lao động không có hợp đồng lao động. Đây là một con số rất lớn, để đạt được mục tiêu bao phủ BHXH tự nguyện trong thời gian sớm nhất cần phải có một cuộc khảo sát, đánh giá cụ thể vì sao chúng ta triển khai những gói bảo hiểm này nhiều năm mà chưa đạt được hiệu quả. Khảo sát này phải đưa ra những lập luận hết sức cụ thể về thực trạng, nguyên nhân và phải khảo sát đối tượng là lao động phi chính thức để xem họ nhận thức, hiểu biết như thế nào về chính sách bảo hiểm và những rào cản, trở ngại họ gặp phải là gì. Từ đó mới có thể xây dựng một chính sách phù hợp, thu hút được họ tham gia”, bà Giang cho biết.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thì nguyên nhân dẫn đến việc số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp là do còn có những rào cản khiến người lao động đắn đo. Chẳng hạn Luật BHXH năm 2014 quy định từ năm 2022, số năm đóng tăng thêm 5 năm so với quy định trước đây thì người lao động mới nhận được mức hưởng hưu trí tối đa. Bên cạnh đó, tham gia BHXH tự nguyện, người lao động chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, còn các chính sách khác thì lại không được hưởng.
“Để thu hút người lao động tham gia loại hình bảo hiểm này, chúng ta cần thay đổi theo hướng linh hoạt như giảm bớt hoặc tính toán quy định lại về số năm người lao động tham gia. Cơ quan xây dựng chính sách có thể tính toán, nghiên cứu triển khai các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình). Cần có sự thay đổi về quy định đóng, hưởng và các chế độ hỗ trợ mức đóng với các nhóm lao động khác nhau cho phù hợp với đặc trưng công việc và gia đình của người lao động…”, PGS.TS Vũ Quang Thọ nêu quan điểm.