Những ngày qua, vụ việc GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học – bị tố đạo văn của học trò nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến cho rằng ông không xứng đáng nhận chức danh GS.
Nội dung sách của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn có nhiều trang giống như luận án của nghiên cứu sinh do chính ông hướng dẫn.
Trong bài báo “GS Trần Ngọc Thêm lên tiếng vụ GS Nguyễn Đức Tồn bị “tố” đạo văn của học trò”, Lao Động đã trích lời GS Trần Ngọc Thêm cho hay, ông Tồn đã vi phạm nghiêm trọng Luật Bản quyền, khi đã trích hàng trăm trang trong công trình nghiên cứu của học trò mà không ghi đồng tác giả. GS Thêm cho rằng điều này chẳng khác là đạo văn.
Vậy vì sao có sai phạm như vậy, ông Nguyễn Đức Tồn vẫn được công nhận và bổ nhiệm chức danh GS?
Lý giải điều này, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm chia sẻ: "Sau 2 lần bị "bác" hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn GS vì nghi án đạo văn, đến năm 2009, ông Tồn tiếp tục nộp hồ sơ và đã được Hội đồng cấp cơ sở thông qua.
Lên đến Hội đồng Chức danh Giáo sư (CDGS) ngành ngôn ngữ, tại cuộc họp trong 2 ngày 15-16.10.2009, các ý kiến phát biểu đều nhận định rằng ông Tồn có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua; không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời.
Mặt khác, vào năm trước đó (năm 2008), ông Tồn vừa mới được Viện KHXH Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Để bổ nhiệm, Viện KHXH chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này. Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn được thông qua với số phiếu 10/10.
Đến năm 2011, GS Nguyễn Đức Tồn với tư cách là Viện trưởng, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ (cùng hai vị nữa) được đề nghị bổ sung vào làm thành viên Hội đồng CDGS Ngành ngôn ngữ học".
Nếu đúng như những gì GS Trần Ngọc Thêm nói, việc công nhận chức danh GS cho ông Nguyễn Đức Tồn hồi đó được làm trên tinh thần “nhân văn, bao dung”, thì sẽ tạo tiền lệ xấu và gây tâm lý không phục ở các nhà khoa học.
Về điều này, GS Trần Ngọc Thêm - với tư cách là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ học - kiến nghị: "Theo tôi, để cho công bằng, trước hết là cần phải làm sáng tỏ mọi điều để ông Tồn tâm phục, khẩu phục và không thể kêu là bị người khác vu cáo.
Theo kinh nghiệm đợt rà soát phong GS/PGS vừa qua, Chủ tịch Hội đồng CDGS Nhà nước kiêm Bộ trưởng Bộ GDĐT nên giao cho Văn phòng Hội đồng CDGS Nhà nước phối hợp với Thanh tra Bộ , cử một tổ công tác xem xét đối chiếu lại tất cả mọi thứ có liên quan đến nghi án đạo văn của ông Tồn. Trong thời gian xem xét cần phải tạm thời đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng CDGS Ngành của ông Tồn.
Sau khi mọi việc sáng tỏ, nếu chứng minh được là ông Tồn bị vu cáo thì sẽ khôi phục tư cách này và xử lý những người vu cáo. Còn nếu quả là ông Tồn đạo văn, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, vi phạm Luật giáo dục, vi phạm Quy chế đào tạo tiến sĩ, không đáp ứng các tiêu chuẩn của chức danh GS và PGS thì tôi nghĩ các bộ phận hữu trách của Bộ GDĐT, Hội đồng CDGS Nhà nước và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sẽ biết rõ cần phải làm gì".
GS Trần Ngọc Thêm lên tiếng vụ GS Nguyễn Đức Tồn bị “tố” đạo văn của học trò Những ngày qua, thông tin GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - bị tố “đạo văn” của học trò ... |
Tại sao hồ sơ của tân PGS vừa thừa nhận đạo văn “qua mặt” 3 cấp hội đồng chức danh? Qua 3 vòng duyệt hồ sơ, từ cấp cơ sở, ngành đến Hội đồng chức danh GS, PGS nhà nước, nhưng không thành viên nào ... |