Quan chức Mỹ, Anh, Nga, Đức liên tiếp tới Ấn Độ vào tuần này để thảo luận về hàng loạt các vấn đề trong đó có cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh, người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ công du tới Ấn Độ hôm 31/3.

Tại New Delhi, ông Singh sẽ gặp các quan chức Ấn Độ để "thúc đẩy một loạt các vấn đề trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Ấn", theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne.

Không có thông báo chính thức nào từ phía Ấn Độ hoặc Mỹ về chuyến thăm vốn được xem là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy New Delhi thay đổi quan điểm trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo Hindustan Times, ông Singh dự kiến tiếp xúc với các quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ.

Vì sao quan chức 4 cường quốc dồn dập tới Ấn Độ? - 1
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh. (Ảnh: AP)

Chuyến công du của Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ diễn ra cùng thời điểm Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Ấn Độ.

Ông Lavrov dự kiến đến Ấn Độ vào 31/3 sau chuyến thăm 2 ngày ở Trung Quốc.

Cả Ấn Độ và Nga đều không thông báo chính thức về chuyến thăm mặc dù Ngoại trưởng Nga được cho là sẽ thảo luận với người đồng cấp S Jaishankar hôm 1/4.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, Nga mong muốn tập trung vào việc khắc phục hậu quả của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các thỏa thuận kinh tế và quốc phòng với Ấn Độ, bao gồm cả việc chuyển sang hệ thống thanh toán bằng đồng rúp.

Ukraine cũng dự kiến sẽ là vấn đề nổi cộm trong chuyến thăm tới Ấn Độ của Ngoại trưởng Anh Liz Truss. Bà Truss được cho là sẽ hội đàm với ông Jaishankar, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng tài chính Nirmala Sitharaman vào ngày 31/3.

Cố vấn của Thủ tướng Đức Jens Plotner cũng sẽ công du tới New Delhi tuần này để tham vấn với các quan chức Ấn Độ về nhiều vấn đề, bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine.

Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tại Ukraine, Ấn Độ vẫn duy trì quan điểm trung lập với vấn đề này. New Delhi tránh chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bỏ phiếu trắng tại các diễn đàn của Liên hợp quốc về việc lên án chiến dịch này.

Khác với các cường quốc khác trong Bộ tứ Kim cương, Ấn Độ không tham gia trừng phạt Nga. New Delhi thậm chí tăng mua dầu với mức chiết khấu lớn từ Moskva, đồng thời khẳng định sẽ mua thêm dầu từ Nga bất chấp phản ứng của Mỹ và các nước phương Tây.

Nga hiện là nhà cung cấp khí tài quân sự chính của Ấn Độ.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định thế giới đang xây dựng một “mặt trận thống nhất” để đối phó hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine, nhưng Ấn Độ là ngoại lệ duy nhất trong các đồng minh của Washington vì có phản ứng không quyết liệt với Nga.

"Trong nhóm Bộ Tứ, Nhật Bản đã cực kỳ quyết liệt, Australia cũng như vậy khi phản ứng trước hành động của Moskva, ngoại trừ Ấn Độ có thể hơi lung lay trong một số vấn đề", nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.

Bộ tứ QUAD góp mặt trong cuộc tập trận đa phương do Mỹ dẫn đầu Bộ tứ QUAD góp mặt trong cuộc tập trận đa phương do Mỹ dẫn đầu

Ấn Độ sẽ cùng các nước trong Liên minh Bộ Tứ (QUAD), Canada và Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận đa phương Sea Dragon ...

/ vtc.vn