Việc giải toả 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch ở TPHCM đang gặp khó khăn, dự kiến sẽ không thực hiện đúng tiến độ.
TPHCM phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.
Một góc của dãy nhà ven kênh Đôi (quận 8, TPHCM). Ảnh: Minh Quân |
Để giải quyết mục tiêu trên, thành phố sẽ phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44.000 tỉ đồng.
Cụ thể là 3 nhóm dự án gồm nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (tổng kinh phí dự kiến khoảng 22.000 tỉ đồng), nhóm dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) có tổng kinh phí hơn 19.000 tỉ đồng và nhóm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị.
Vào đầu năm 2018, thành phố đã tổ chức hội nghị quốc tế kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch.
Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã tham gia hội nghị, tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, uớc tính giai đoạn 2016 – 2020 thành phố bồi thường và di dời được 7.266 căn, chỉ đạt 36,3% kế hoạch đề ra.
Như vậy, kết quả thực hiện so với kế hoạch đề ra là quá khiêm tốn trong khi thời gian thực hiện chỉ còn nửa năm.
Lãnh đạo UBND TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả di dời nhà trên và ven kênh rạch còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách hoặc vốn ODA.
TPHCM “vỡ” kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch vào cuối năm 2020. Ảnh: Minh Quân |
Theo Sở Xây dựng TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tiến độ thực hiện chậm. Hiện nay, tỉ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại giảm từ 23% còn 18% trong khi phải cân đối cho nhiều chương trình đột phá khác như: giảm ùn tắc giao thông, chống ngập nước, ô nhiễm môi trường.
Đồng thời từ năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã chấm dứt cho vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Trong khi đó những tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ không thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc quỹ đất dọc kênh có giá trị thương mại không cao nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
TPHCM cũng không còn nhiều quỹ đất công có giá trị lớn thanh toán cho doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn đầu tư dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch lớn, thời gian thực hiện lâu, không có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm. Chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư trung bình từ 1,5 tỉ - 2,6 tỉ đồng/căn.
Để giải quyết bài toán này, thành phố cũng đã đề ra nhiệm vụ năm 2020 - 2025 sẽ xây dựng 20.000 căn hộ tái định cư. Ngoài ra, Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM thí điểm rút ngắn quy trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này hy vọng sẽ tháo nút thắt bế tắc lâu nay khi tiến hành giải phóng mặt bằng.
MINH QUÂN
Vì sao TPHCM “vỡ” kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch? Việc giải toả 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch ở TPHCM đang gặp khó khăn, dự kiến sẽ không thực hiện đúng tiến ... |