Chuyên gia chỉ rõ đã có quy định văn bản nhưng trường Đại học vẫn không thể... tự chủ.
Tham luận của GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) tại Diễn đàn Khoa học "Tự chủ trong giáo dục Đại học - những vấn đề đặt ra" do Liên Hiệp Hội Việt Nam tổ chức đã nêu bật những vấn đề về tự chủ Giáo dục Đại học (GDĐH) ở Việt Nam dưới con mắt của nhà quản lý và cả ở nội bộ các trường Đại học.
GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp. Ảnh: Vietnamnet
Theo vị chuyên gia, chính sách của Nhà nước về tự chủ GDĐH là đã có từ lâu nhưng đến nay chưa thể đi vào thực tiễn.
GS. Lâm Quang Thiệp dẫn giải, trước thời kỳ “Đổi Mới”, hệ thống kinh tế xã hội nước ta nói chung và GDĐH nói riêng được quản trị và quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Chỉ tiêu đào tạo hàng năm được giao cho trường ĐH theo kế hoạch nhà nước, kinh phí đào tạo kể cả học bổng cho toàn bộ sinh viên (mà số lượng rất nhỏ) được Nhà nước cấp từ ngân sách, sinh viên tốt nghiệp được Nhà nước phân phối cho các cơ sở kinh tế quốc doanh và cơ quan nhà nước. Với cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ đó, hiển nhiên chương trình đào tạo cũng được Nhà nước (Bộ) quy định xem như một sự đặt hàng, đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, giáo chức chủ yếu cũng được quản lý từ Bộ, cơ quan “chủ quản” của trường ĐH.
Sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI (cuối năm 1986), kinh tế xã hội nói chung và GDĐH nói riêng bước vào thời kỳ “Đổi Mới”.
Về tài chính, trường ĐH có quyền tìm thêm các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, qua học phí của sinh viên và nhiều thu nhập khác nhờ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất, dịch vụ xã hội.
Về kế hoạch, ngoài chỉ tiêu đào tạo do Nhà nước giao, trường ĐH có thể đề xuất quy mô tuyển sinh dựa vào khả năng đào tạo của mình và nhu cầu của xã hội.
Về mặt chuyên môn, trường ĐH có quyền dựa vào những định mức tổng quát của Bộ về khung chương trình và tỷ lệ các khối kiến thức để xây dựng chương trình đào tạo các ngành chuyên môn của mình, có quyền đề xuất các ngành đào tạo mới khi phát hiện ra nhu cầu của xã hội, có quyền tổ chức biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy.
Về quan hệ quốc tế, trường ĐH có quyền đặt quan hệ và ký kết các văn bản hợp tác với các trường ĐH nước ngoài. Rõ ràng quyền tự chủ nói trên đã tạo điều kiện cho các trường ĐH chủ động triển khai rất nhiều hoạt động có hiệu quả, góp phần đưa hệ thống ĐH nước ta thoát ra khỏi những thời kỳ hết sức khó khăn và đem lại nhiều thành tựu mới.
Một dấu mốc quan trọng là Luật Giáo dục năm 1998 lần đầu tiên đã đưa vào hệ thống GDĐH nước ta cặp khái niệm “tự chủ và tự chịu trách nhiệm” (thực chất được “dịch” từ cặp khái niệm autonomy và accountability, nếu chính xác hơn, nên dịch là “quyền tự chủ” và “trách nhiệm giải trình”).
Thời điểm xuất hiện các trường có quyền tự chủ chính là thời điểm xuất hiện GDĐH (năm 1997). Quyền tự do học thuật khi đó được gắn với khái niệm “trường ĐH”.
Về bản chất và chức năng, trường ĐH là nơi sáng tạo tri thức, nơi bảo tồn và chuyển giao văn hóa của dân tộc và của nhân loại. Xét theo khía cạnh đó trường ĐH nói chung cùng tồn tại và đồng hành với dân tộc và nhân loại, tức là tuổi thọ của trường ĐH nói chung dài hơn tuổi thọ của mọi tôn giáo và thể chế chính trị. Do đó, để đảm bảo cho học thuật, tri thức được phát triển một cách khách quan trong suốt chiều dài của lịch sử, không bị thần quyền ràng buộc và các thể chế chính trị nhất thời cản trở, xã hội nói chung và thậm chí giới cầm quyền cũng phải chấp nhận quyền tự chủ và tự do học thuật trong khuôn viên của trường đại học. Cần lưu ý rằng các quyền tự chủ đại học gắn liền với hàm lượng trí tuệ cao của trường đại học.
Về mặt lịch sử quyền tự chủ đại học đã đạt được sự công nhận. Nhưng vẫn phải có sự ràng buộc khi nói đến quyền tự chủ đại học. Do đó, người ta thường gắn quyền tự chủ với một khái niệm sóng đôi với nó là trách nhiệm giải trình.
Như vậy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là hai mặt đi đôi với nhau không thể tách rời.
Ở nhiều nước trên thế giới khi đảm bảo quyền tự chủ cho các trường ĐH người ta cũng đồng thời xây dựng một hệ thống hỗ trợ để nâng cao trách nhiệm giải trình của chúng. Với ý nghĩa đó, rõ ràng không thể có một quyền tự chủ tuyệt đối như một số người lầm tưởng.
Có thể nói cặp khái niệm “quyền tự chủ” và “trách nhiệm giải trình” phản ánh một cách hàm xúc nội dung cốt lõi của hệ thống quản trị và quản lý GDĐH trong kinh tế thị trường. Đối với Việt Nam, việc đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là nội dung để thực hành hệ thống quản trị và quản lý hệ thống GDĐH nước ta ngày nay.
Tự chủ ĐH khó ở đâu?
GS. Lâm Quang Thiệp cho biết, có hai vấn đề quan trọng nhất cần thảo luận: ở cấp độ cơ sở, là việc xây dựng và đảm bảo hoạt động tốt các hội đồng trường (HĐT); ở cấp độ hệ thống, là việc thay đổi thể chế bộ chủ quản.
Đối với Hội đồng trường, phải thực hiện 2 cơ chế trong một tổ chức. Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ, việc quản trị và quản lý đòi hỏi đồng thời hai loại cơ chế: một cơ chế kiểu hội đồng để chỉ đạo hướng phát triển, tức quản trị, và một cơ chế để điều hành việc thực hiện, tức quản lý.
Cơ chế thứ nhất bao gồm những người được bầu chọn, đại diện cho những nhóm người có lợi ích liên quan, quan hệ với nhau bình đẳng theo chiều ngang, chỉ đạo tổ chức bằng những nghị quyết của tập thể hội đồng.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú: Thế giới tự chủ Đại học từ lâu Tự chủ Đại học là cơ hội lớn cho giáo dục Việt Nam thoát khỏi cơ chế xin-cho, ỷ lại, chờ được ban phát từ ... |
"Tự chủ đại học không có nghĩa là để các trường tự lo, tự bơi" Việc đẩy mạnh tự chủ đại học là một trọng tâm then chốt cần được giải quyết triệt để và khả thi trong sửa đổi ... |