Trong những năm qua, nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những sáng kiến này đã góp phần mang lại lợi ích cho Việt Nam và Nhật Bản và các nền kinh tế khu vực.

Đang có những thay đổi diễn ra như xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa, đặc biệt là những bất định liên quan tới tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và khả năng vực dậy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Hoa Kỳ tuyên bố rút đi… sẽ ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập châu Á - Thái Bình Dương và việc hiện thực hóa các sáng kiến hội nhập. Bên cạnh đó là lo ngại về phân bổ lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực,…

Tuy nhiên, bất chấp những bất định và thách thức, Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản về “Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong xu thế hội nhập kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương” đã tái khẳng định vai trò quan trọng của thúc đẩy hội nhập. RCEP, TPP hay Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)… vẫn sẽ là những bước đi không thể thiếu trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế vì thịnh vượng chung ở khu vực.

Diễn đàn do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Trường Chính sách công - Đại học Tokyo tổ chức ngày 27/10/2017 với sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế Toshiba (TIFO) nhấn mạnh: “Thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán các sáng kiến hội nhập khu vực sẽ thu được lợi ích nhanh chóng hơn thay vì đợi chờ những hiệp định lớn hơn nhưng chậm thực thi và nhiều rủi ro hơn”.

Trong những năm qua, nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Những sáng kiến này đã góp phần mang lại lợi ích cho Việt Nam và Nhật Bản và các nền kinh tế khu vực, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường thương mại nội khối, tham gia và kết nối chặt chẽ hơn vào các mạng lưới sản xuất khu vực,…”, GS. Shujiro Urata tại Đại học Waseda (Nhật Bản), Cố vấn nghiên cứu cao cấp của Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết.

Với Việt Nam, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, “các sáng kiến hội nhập cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao gắn với cải cách sâu rộng sau đường biên giới, tạo thêm động lực cho hoàn thiện thể chế kinh tế”.

Theo đó, Việt Nam đã bắt đầu công cuộc cải cách từ năm 1986 tới nay dựa trên 3 trụ cột: Cải cách thể chế kinh tế định hướng thị trường; Ổn định kinh tế vĩ mô; Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo lập cơ hội và cải thiện năng lực tận dụng cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân.

Những giai đoạn hội nhập mạnh mẽ nhất cũng là những giai đoạn Việt Nam cải cách sâu rộng nhất và đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những thay đổi và bất định của hội nhập kinh tế khu vực không làm giảm động lực của Việt Nam tham gia quá trình hội nhập nhằm củng cố cơ hội phát triển bền vững. Tiếp tục hòa mình vào dòng chảy hội nhập vẫn còn nhiều ý nghĩa với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

“Việt Nam có quá trình phát triển năng động, hướng tới phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững. Tôi tin tưởng Việt Nam có thêm một động lực quan trọng là sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”, GS. Toshiro Nashizawa, Trường chính sách công, Đại học Tokyo phát biểu.

Nhưng Việt Nam sẽ còn gặp phải những thách thức từ các yếu tố bất định trong nước và khu vực. Bởi vậy, song song với quá trình thúc đẩy các sáng kiến hội nhập, Việt Nam nên tranh thủ thời gian tăng cường các bước chuẩn bị về khung chính sách, nâng cao năng lực,… Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. "Hội nhập cần được lồng ghép thực chất hơn vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước. Việt Nam cũng cần hội nhập một cách chọn lọc hơn và cần thể hiện quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn", GS. Toshiro Nashizaw cho biết.

Ông Shujiro Urata nhắc lại, Việt Nam cần thiết lập một môi trường kinh doanh thân thiện, đặc biệt là xây dựng mạng lưới sản xuất khu vực. Việt Nam và Nhật Bản cần chủ động phối hợp song phương và với các đối tác khác nhằm sớm hiện thực hóa các sáng kiến TPP và RCEP. Quá trình này cần củng cố thêm nữa sự ủng hộ từ cộng đồng DN và người dân, gắn với giải pháp hữu hiệu giảm thiểu tác động bất lợi của hội nhập khu vực tới các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương.

Các diễn giả cũng cho rằng, hợp tác Việt – Nhật còn nhằm cải thiện năng lực thể chế và nhân lực để khai thác có hiệu quả các cơ hội mới, có khả năng chống chịu các cú sốc khác nhau và đối phó tốt hơn với cách mạng công nghệ 4.0; xây dựng thể chế khu vực phù hợp với cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả cũng như xử lý toàn diện các vấn đề phát triển.

Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không chỉ dừng ở các chương trình hợp tác song phương mà có thể tiến tới cùng đối thoại, cùng giải trình và thúc đẩy các sáng kiến hội nhập vì thịnh vượng chung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Từ các ý kiến tại Diễn đàn sẽ tập hợp để góp phần hoàn thiện bản kiến nghị về tiếp tục thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương gửi các cấp có thẩm quyền của hai nước.

http://thoibaonganhang.vn/vi-thinh-vuong-chung-tpp-rcep-fta-tiep-tuc-la-buoc-di-khong-the-thieu-69238.html

/ Theo Thời báo Ngân hàng