Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, kéo theo đó là tỷ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.

Nhiều học sinh bị cay mắt, mẩn ngứa sau khi trường phun thuốc diệt muỗi
Cách tránh dị ứng cho trẻ khi phun thuốc diệt muỗi

Theo thống kê về dịch tễ học, tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10 - 15% dân số thế giới. Riêng tại VN, viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% trong các bệnh lý về tai mũi họng.

Thủ phạm hiện diện khắp nơi

Ở những đô thị có mật độ dân cư cao như TP.HCM, khói bụi và chất thải công nghiệp gây ô nhiễm, các tòa nhà văn phòng thì đóng kín mít, máy lạnh chạy vù vù suốt ngày, bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng phổ biến là lẽ đương nhiên.

Hơn nữa, hiện nay thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, sau một thời gian nắng nóng kéo dài, bước vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp lại càng tạo điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn, nấm... phát triển. Chính sự thay đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm mũi dị ứng, hen suyễn.

Bệnh viêm mũi dị ứng được coi là phản ứng của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của những chất lạ vào trong hệ hô hấp. Các biểu hiện thường thấy như nghẹt mũi, chảy nước mũi, có cảm giác như bị “cảm”, rối loạn giấc ngủ. Khi bệnh trở thành mãn tính thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, vì vậy cần có những kiến thức cơ bản để phòng và điều trị bệnh kịp thời.

Không chết người, nhưng khó chịu vô cùng

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Sơn, nguyên bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (kháng nguyên hay còn gọi là dị nguyên). Một số dị nguyên có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như: bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo, gia cầm), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt...), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số thực phẩm (tôm, cua, ốc...), một số dược phẩm (aspirin, kháng sinh) hoặc do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt). Nhiều trường hợp niêm mạc họng bị kích thích gây viêm còn có kèm theo hiện tượng viêm nhiễm bởi vi khuẩn. Các loại vi khuẩn như vậy gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội mà hay gặp nhất là S.pneumoniae, H.influenzae, cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu). Tuy không đe dọa tính mạng nhưng viêm mũi dị ứng lại gây khó chịu đáng kể cho người bệnh, làm ảnh hưởng lớn tới hiệu suất làm việc, học tập, sinh hoạt.

Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến trầm cảm

Viêm mũi dị ứng có hai loại, loại có chu kỳ và loại không có chu kỳ. Loại có chu kỳ thường xảy ra đột ngột vào đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng hoặc nóng ẩm. Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, thêm vào đó có thể thấy ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Tiếp đến là chảy nhiều nước mũi trong như nước lã. Có cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng. Ban ngày xuất hiện nhiều cơn như vậy, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài vài ba ngày đến vài tuần, nếu không được điều trị. Trong khi đó, viêm mũi dị ứng không có chu kỳ cũng có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, cơn viêm không kịch phát, chỉ hắt hơi vài cái nhưng nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa 2 cơn.

Khi bệnh viêm mũi dị ứng đã thành bệnh mãn tính thì có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, có thể bị ù tai, nhức đầu kèm theo (những triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mãn tính kéo dài có thể có gây nên loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Do nghẹt mũi cho nên người bệnh phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen suyễn. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm trí nhớ, lo lắng nhiều đôi khi dẫn đến trầm cảm.

Biến chứng nguy hiểm của viêm mũi dị ứng

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn cho biết điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân đều khá chủ quan khi bị viêm mũi dị ứng. Không mấy người đi gặp bác sĩ, chủ yếu là chạy thẳng tới tiệm thuốc tây mua kháng sinh và nước nhỏ mũi tự điều trị. Cách xử trí này làm bệnh dai dẳng và tái phát, lần sau nặng hơn lần trước.

Viêm mũi dị ứng có những biến chứng phức tạp, rất khó chữa trị. Theo đó, người bị bệnh thường bị mất ngủ hoặc trằn trọc, dẫn đến mệt mỏi và hiệu suất làm việc kém. Viêm mũi dị ứng cũng khiến bệnh hen suyễn nặng thêm. Với người bị hen suyễn, thì viêm mũi làm ho và khò khè nặng hơn. Bị viêm mũi dị ứng kéo dài mà không chữa trị đúng cách dễ dẫn đến bệnh viêm xoang, do các xoang bị sưng lâu (tức là nhiễm trùng hoặc viêm trong hốc xoang quanh mũi). Người bị viêm mũi dị ứng cũng có nguy cơ bị hen gấp 3 lần người bình thường. Do người bị viêm mũi dị ứng thường chuyển từ thở mũi sang thở miệng, gây ảnh hưởng đường thở, từ đó dễ dẫn đến bệnh hen. Viêm mũi dị ứng ở trẻ nếu không điều trị dứt điểm và có các biện pháp phòng ngừa dễ gây đến các biến chứng về đường hô hấp cho trẻ như viêm tai, viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản...

Phòng viêm mũi dị ứng

Theo bác sĩ Sơn, một số biện pháp sau đây có thể hữu ích trong việc phòng bệnh viêm mũi dị ứng: Đeo khẩu trang khi ở trong môi trường có nhiều khói, bụi, gió lạnh. Dùng nước muối sinh lý rửa mũi hằng ngày 2 - 3 lần, nhất là sau khi hoạt động ngoài trời, giúp loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn, góp phần ngăn ngừa các bệnh hô hấp. Sử dụng máy giữ độ ẩm trong không khí đạt chuẩn và thoáng mát để tạo môi trường trong lành cho trẻ. Tắm đúng cách và dùng nước ấm tắm khi nhiệt độ ngoài trời giảm. Khi trời tiết thay đổi đột ngột từ nóng ẩm sang lạnh, cần mặc đủ ấm, tránh những nơi gió lùa. Không để chân bị ướt, hoặc lạnh khi ngủ. Quanh nhà nên hạn chế trồng hoa. Không nên nuôi chó mèo trong nhà, hạn chế đến mức tối đa không tiếp xúc với các loại vật nuôi. Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nơi ngủ luôn sạch thoáng, không được để nấm mốc phát triển. Uống nhiều nước để giúp hệ hô hấp làm việc tốt. Tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin; có thể cho uống bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng.

http://thanhnien.vn/suc-khoe/viem-mui-di-ung-khong-chua-mot-ai-870452.html

/ thanhnien.vn