Tổng viện trợ của phương Tây cho Ukraine kể từ cuối tháng 2 năm ngoái đến nay đã vượt ba lần ngân sách quốc phòng của nước này.
- Toan tính mới của phương Tây trong xung đột ở Ukraine
- Ngoại trưởng Hungary: Kéo dài xung đột Ukraine không có lợi cho châu Âu
- Ngoại trưởng Đức bí mật đến Ukraine
Theo ước tính của TASS, Ukraine nhận khoản viện trợ quân sự của phương Tây trị giá khoảng 48,5 tỷ USD kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Theo đó, viện trợ của phương Tây cho Ukraine kể từ cuối tháng 2 năm ngoái đã vượt ba lần ngân sách Ukraine (ước tính khoảng 55,5 tỷ USD) và gần bằng ngân sách quốc phòng năm 2022 của Nga.
TASS cho hay, viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine bằng 95% chi tiêu quốc phòng của Nga. Năm ngoái, ngân sách quốc phòng Nga là 51,1 tỷ USD.
Tổng viện trợ mà chính quyền Kiev nhận được từ các nước phương Tây và tổ chức quốc tế kể từ khi Nga phát động chiến dịch đặc biệt ước tính trị giá hơn 150,8 tỷ USD.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng "năng lực quân sự của tất cả thành viên NATO đang được sử dụng tích cực" để chống lại Nga.
Mới đây, Anh đang xem xét lần đầu tiên cung cấp xe tăng cho Ukraine để giúp nước này đối phó với Nga. Pháp, Mỹ và Đức đã cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Xe tăng chiến đấu chủ lực là loại vũ khí mà Kiev đang rất cần.
Hôm 21/12, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nằm trong gói viện trợ 1,85 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine "năng lực phòng không và tấn công chính xác được mở rộng" và 850 triệu USD hỗ trợ an ninh.
Nga nhiều lần cảnh báo điều này chỉ kéo dài cuộc chiến xung đột và có thể leo thang thành đối đầu trực tiếp giữa Moskva và các nước phương Tây.