Phương Tây viện trợ khí tài hiện đại nhưng không cung cấp các khóa huấn luyện sử dụng khiến binh sỹ Ukraine gặp khó trong việc vận hành vũ khí.

Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quốc gia thành viên NATO viện trợ cho Kiev loạt vũ khí tối tân. Nhưng việc huấn luyện binh sỹ cách sử dụng những khí tài này đang trở thành vấn đề đau đầu với quân đội Ukraine.

Đây là điều mà Trung sĩ Dmytro Pysanka và các đồng đội tại đơn vị pháo chống tăng phải đối mặt khi nhận thiết bị đo khoảng cách tới mục tiêu bằng laser do Mỹ cung cấp hồi tháng trước. Không ai trong đơn vị của Pysanka biết cách sử dụng thiết bị vốn được lắp vào khẩu pháo chống tăng đời cũ ở miền nam Ukraine.

“Việc đó giống như đưa cho chúng tôi một chiếc iPhone 13 nhưng chỉ để gọi điện”, Pysanka nói. 

30
Lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất được sử dụng trong một cuộc giao tranh ở Donetsk, miền đông Ukraine. (Ảnh: NYTimes).

Học cách sử dụng qua sách hướng dẫn 

Thiết bị ngắm quang học, đo xa laser JIM LR có hình dáng như chiếc ống nhòm, là một phần trong lô viện trợ của Mỹ. Với khả năng ngắm mục tiêu trong đêm, xác định khoảng cách và tọa độ của mục tiêu, JIM LR ban đầu được đánh giá là mảnh ghép hoàn hảo cho khẩu pháo chống tăng được chế tạo từ năm 1985.

Một số binh sỹ tự học được cách vận hành JIM LR, nhưng sau đó bị điều chuyển sang khu vực khác. Vì thế, Pysanka và các cộng sự phải mò mẫm với tài liệu bằng tiếng Anh. 

“Tôi đã cố học cách sử dụng khi nghiên cứu sách hướng dẫn bằng tiếng Anh và sử dụng công cụ Google Dịch”, Pysanka cho biết. 

Các loại vũ khí tiên tiến nhất đang đổ dồn về Donbass, nơi chứng kiến cuộc giao tranh khốc liệt nhất giữa Nga và Ukraine kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự ở quốc gia làng giềng. 

Liên tục nhiều tuần qua, giới chức Ukraine thúc giục phương Tây viện trợ thêm vũ khí hạng nặng. Họ hy vọng các loại tên lửa chống tăng, lựu pháo và rocket dẫn đường bằng vệ tinh đời mới mà Mỹ và đồng minh cung cấp sẽ giúp giành được lợi thế trước Nga. 

Nhưng bên cạnh cơn khát vũ khí, quân đội Ukraine cũng cần biết cách sử dụng chúng. Nếu không được huấn luyện đúng cách, vấn đề giống như đơn vị của Pysanka đang gặp phải có thể lan rộng ra quy mô lớn hơn.

31
Vũ khí các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine ngày một nhiều hơn nhưng không phải binh sĩ nào cũng biết cách sử dụng các khí tài này. (Ảnh: Reuters)

"Người Ukraine rất muốn sử dụng thiết bị của phương Tây nhưng họ cần được huấn luyện để sử dụng chúng. Có những thứ bạn không thể vội vàng được", Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại Viện nghiên cứu CNA, trụ sở ở Virginia (Mỹ), nêu quan điểm. 

Trước khi xung đột nổ ra, Mỹ và các nước thành viên NATO cung cấp các khóa huấn luyện chuyên sâu cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo này không liên quan một số vũ khí tiên tiến mà họ đang chuyển đến.

Từ năm 2015 đến đầu 2022, các chuyên gia quân sự Mỹ đã huấn luyện cho hơn 27.000 binh sỹ Ukraine tại Trung tâm huấn luyện chiến đấu Yavoriv gần thành phố Lviv (miền tây Ukraine). Hơn 150 cố vấn quân sự Mỹ ở Ukraine khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này nhưng họ đều đã được rút về nước.   

Tới nay, Mỹ cam kết viện trợ khoảng 54 tỷ USD cho Ukraine và cung cấp hàng loạt vũ khí và thiết bị, gần đây nhất là hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.

Tuy nhiên, để tránh đối đầu trực tiếp hơn với Nga, chính quyền của ông Biden từ chối gửi cố vấn quân sự trở lại Ukraine để giúp lực lượng nước này vận hành hệ thống vũ khí mới. Điều này gây áp lực lớn với các quân nhân như Mykyta, thành viên của lực lượng biên phòng Ukraine. 

Không màng tới hệ quả 

Trước xung đột, Mykyta được các cố vấn NATO đào tạo ngắn hạn về vũ khí chống tăng tiên tiến NLAW của Anh. Giờ đây, Mykyta phải "chạy qua chạy lại" các vị trí tiền tuyến để hướng dẫn đồng đội sử dụng chúng. Trung sỹ này cho biết trong nhiều trường hợp binh sĩ Ukraine phải tự học cách sử dụng một số vũ khí, bao gồm NLAW thông qua video trực tuyến. 

"Nhưng có những loại vũ khí mà bạn không thể học cách vận hành bằng trực giác như tên lửa phòng không, pháo và một số thiết bị khác. Vì vậy, chúng tôi cần các khóa huấn luyện chính quy", Mykyta cho hay. 

32
Binh sỹ Ukraine dỡ lô vũ khí được Mỹ chuyển tới sân bay ở ngoại ô thủ đô Kiev. (Ảnh: Reuters).

Đối với khẩu đội pháo của Trung sĩ Pysanka, họ chỉ đang có trong tay 104 trang hướng dẫn sử dụng thiết bị JIM LR, do một binh sỹ dịch từ tiếng Anh. Pysanka và các đồng đội cần thời gian để nghiên cứu về các tổ hợp phím, đồng thời tìm giải pháp cho việc thiếu giá ba chân gắn thiết bị và màn hình hiển thị ngay trên chiến trường.

Theo Pysanka, những thiết bị như JIM LR cần được cố định trên giá ba chân. Nếu cầm JIM LR bằng tay nhắm mục tiêu khoảng cách xa, thiết bị sẽ bị rung và dữ liệu truyền về sẽ không chính xác.

Quân đội Ukraine cũng gặp vấn đề tương tự với lựu pháo M777 mà Mỹ cung cấp gần đây. M777 có tính cơ động cao và tầm bắn xa nhưng việc huấn luyện đang làm ảnh hưởng tới quá trình triển khai khí tài này. 

Pháo M777 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực của Mỹ nên việc sử dụng bộ dụng cụ của Ukraine khi bảo dưỡng, sữa chữa sẽ khó khăn, có nguy cơ làm hỏng thiết bị.

Theo Thiếu tá Vadim Baranik - Phó chỉ huy một đơn vị hậu cần, chỉ sau khi gửi pháo M777, Mỹ mới chuyển đến các bộ công cụ hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng cho Ukraine. Nhưng các dụng cụ này lại dễ bị thất lạc hay phá hủy, khiến lựu pháo M777 trở nên vô dụng.

Mỹ và các nước đồng minh khẳng định vũ khí mà họ viện trợ giúp Kiev đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Nhưng giới quan sát đánh giá việc phương Tây ồ ạt bơm vũ khí cho Kiev chỉ đang kéo Ukraine lún sâu vào vũng lầy chiến tranh.

Theo một số nhà phân tích, những loại vũ khí mà phương Tây viện trợ chắc chắn sẽ giúp Ukraine đạt một số bước tiến trên chiến trường, nhưng rất khó đánh bại Nga về mặt quân sự.

Một mối nguy khác là Mỹ thừa nhận họ có ít phương án theo dõi vũ khí chuyển cho Ukraine. Điều này làm dấy lên lo ngại số khí tài này rơi vào tay các nhóm vũ trang không mong muốn.

"Chúng tôi nắm được tình hình chính xác trong thời gian ngắn, nhưng khi chiến sự nổ ra thì gần như không còn thông tin gì. Nó giống như một cái hố đen, hoàn toàn không nắm được gì chỉ sau thời gian ngắn", một quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận hồi tháng 4.

Jordan Cohen, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu CATO, cảnh báo mối nguy lớn nhất của việc ồ ạt cấp vũ khí vào Ukraine có thể khiến xung đột kéo dài hoặc vũ khí rơi vào tay các nhóm cực đoan hay lực lượng thù địch của Mỹ.

Lịch sử những cuộc xung đột liên quan Mỹ cho thấy, trong nhiều trường hợp các lô vũ khí của Washinngton từng bị chuyển hướng khi đến quốc gia tiếp nhận hoặc rơi vào tay những kẻ buôn lậu trên thị trường chợ đen. Kết quả là các tổ chức khủng bố, cực đoan, nhóm bán quân sự hoặc băng đảng ma túy có thể mua vũ khí một cách bất hợp pháp.

Washington từng chứng kiến điều này trong một số cuộc chiến mà Mỹ tham gia, đặc biệt là ở Afghanistan và Syria.

Song Hy / VTC News