Ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 ngày 21/1/2020 đã giúp cho một người bệnh thoát khỏi cuộc sống khó khăn, suy sụp tinh thần vì tàn tật. Thế nhưng, đằng sau ca ghép này là sự “dấn thân” ngoạn mục của các bác sĩ Việt Nam, ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.

viet nam ghi dau tren ban do y khoa the gioi

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép tay lấy từ người cho sống. Ảnh: BVCC

Quyết định táo bạo, dũng cảm

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay, bệnh nhân được ghép là anh Phạm Văn Vương (31 tuổi) ở Thanh Trì - Hà Nội. Năm 2016, anh Vương bị tai nạn lao động, do máy đột dập khiến 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn.

Anh Vương được đưa đến bệnh viện 108 cấp cứu. Do vết thương dập nát quá nặng nề và hoàn toàn không có khả năng bảo tồn, các bác sĩ đã buộc phải chỉ định cắt 1/3 dưới cẳng tay trái cho anh. Nỗi đau tinh thần khi mất cánh tay còn quá trẻ, đã khiến anh suy sụp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngày 3.1.2020, bệnh viện tiếp nhận ca bệnh nặng và phức tạp do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay đến sát nách.

“Trong suốt 18 ngày điều trị với 3 lần mổ, nỗ lực cứu cánh tay nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Qua nhiều lần hội chẩn các cấp, các bác sĩ đã phải ra chỉ định cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Đây là chỉ định bắt buộc”- Giáo sư Bàng nói.

Khi thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ cũng nhận thấy phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt, đoạn từ dưới 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay, còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Bệnh nhân và gia đình đã đồng ý và tự nguyện hiến một phần chi thể của mình cho anh Vương, như một nghĩa cử nhân văn.

“Mặc dù ca ghép quá bất ngờ nhưng đã thành công, là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật của chúng tôi từ nhiều năm nay” - Giáo sư Mai Hồng Bàng nói.

Để quyết định thực hiện ca ghép này, phải nói đến sự quyết tâm rất lớn của các bác sĩ Việt Nam. Giáo sư Mai Hồng Bàng cũng như các chuyên gia đã phải “cân não” để đưa ra quyết định, vì rủi ro của ca ghép rất lớn, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, có thể sẽ thất bại.

Ông chia sẻ: “Bản thân tôi cũng hoàn toàn bất ngờ trước ca ghép này. Bệnh nhân hiến chi vào viện trước đó 18 ngày, hội chẩn rất nhiều lần nhưng chưa hề nghĩ đến chuyện ghép. Cho đến khi không thể giữ nổi tay cho bệnh nhân nữa, bắt buộc phải cắt cụt, anh Hoàng và nhóm lên kiểm tra, rồi báo cáo tôi: Ca này bắt buộc phải cắt, nhưng nếu mà có thể giữ được cẳng tay và bàn tay, ghép cho bệnh nhân khác thì tốt quá. Tôi bảo, vậy triển khai ngay, nếu được thì quá tốt, không được cũng phải tháo ngay, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”.

Không quyết định nhanh thì hoại tử sẽ lan xuống cẳng tay và bàn tay, không những nguy hiểm cho người hiến chi mà sẽ cực kỳ nguy hiểm cho người nhận. Lãnh đạo bệnh viện đã phải đắn đo, cân nhắc, rất căng thẳng để đưa ra quyết định. Vì rủi ro của ca này rất lớn, cánh tay bệnh nhân hiến đang hoại tử, nhiễm trùng, bàn tay bắt đầu thâm đen, nếu không cắt ngay thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của chính người bệnh. Cánh tay bội nhiễm, nếu ghép cho người bệnh, cũng có thể rủi ro, nhiễm trùng máu, nếu không được kiểm soát gắt gao có thể ảnh hưởng tính mạng người được ghép.

Kỹ thuật của các nước tiên tiến cũng chưa thực hiện được

Kíp mổ do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc bệnh viện - thực hiện, sau 8 giờ, ca ghép cẳng tay và bàn tay mới từ người hiến sống cho anh Vương đã thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành.

Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Cho đến nay, sau một tháng ghép, anh có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật. Ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống trên thế giới được thực hiện thành công tại Việt Nam đã nâng tầm y khoa Việt Nam, là hy vọng của nhiều bệnh nhân bị đứt rời chi thể ở Việt Nam.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể trở thành người lành lặn một lần nữa. Tôi và cả gia đình đều bất ngờ khi bệnh viện thông báo tôi có cơ hội được ghép tay. Giáo sư Hoàng và các y bác sĩ Bệnh viện 108 đã tái tạo cuộc sống của tôi. Tôi vô cùng biết ơn người hiến chi thể cho tôi” - bệnh nhân Phạm Văn Vương xúc động chia sẻ.

Từ năm 1998 đến nay, mới chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Tất cả những ca ghép này đều lấy nguồn từ người cho chết não. “Kỹ thuật ghép chi thể đứt rời rất phức tạp, các nước tiên tiến đi trước chúng ta hàng chục năm nhưng cũng chưa bao giờ thực hiện được ca ghép chi thể từ người cho sống vì hiếm có cơ hội chấn thương đứt rời chi vẫn đủ điều kiện để ghép lại. Muốn ghép cũng không ghép được vì nếu như không chuẩn bị đầy đủ về kỹ thuật, không quyết tâm thì không thể chớp được cơ hội ghép chi thể cho người bệnh từ chi thể đã buộc phải bỏ đi của người khác”- GS-TS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam đánh giá.

Theo vị chuyên gia này, ghép chi thể từ người cho sống là điều chưa từng có trong y văn thế giới. Đây là một thành công tuyệt vời của ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành ghép tạng Việt Nam nói riêng. Từ đây, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào việc cứu giúp cuộc sống của nhiều người bệnh đang tàn tật, cuộc sống gặp khó khăn, bi kịch. Ca ghép này đã đánh dấu một bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, một thành công rất đáng tự hào.

viet nam ghi dau tren ban do y khoa the gioi

Kỉ lục y khoa Việt Nam: 6 ngày thực hiện thành công 15 ca ghép tạng

Trong gần 1 tuần từ 12.8 đến 18.8, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết ...

Thùy Linh

/ laodong.vn